Cựu Tổng Giám đốc Công ty RFC phủ nhận cáo buộc tham ô tài sản

(NLĐO)- Cơ quan công tố khẳng định bị cáo Phan Minh Anh Ngọc (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam- RFC) cùng đồng phạm sử dụng nhiều thủ đoạn nâng khống tiền đầu tư dự án, cho vay sai quy định, gây thiệt hại hơn 102,6 tỉ đồng. Qua đó, chiếm đoạt gần 47 tỉ đồng.

Chiều 4-4, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (viết tắt: RFC; 100% vốn nhà nước) tiếp tục phần xét hỏi.

Tại tòa, đại diện VKSND TP HCM truy tố bị cáo Phan Minh Anh Ngọc (nguyên Tổng Giám đốc RFC), Phan Long Hải Âu (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng), Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng) cùng tội "Tham ô tài sản".

Ngoài ra, 4 bị cáo khác từng là cán bộ, nhân viên RFC bị cáo buộc tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng".

Cơ quan công tố khẳng định bị cáo Phan Minh Anh Ngọc cùng đồng phạm sử dụng nhiều thủ đoạn nâng khống tiền đầu tư dự án, cho vay sai quy định. Sai phạm đó gây thiệt hại hơn 102,6 tỉ đồng. Qua đó, Phan Minh Anh Ngọc cùng đồng phạm chiếm đoạt gần 47 tỉ đồng.

Về phần mình, bị cáo Phan Minh Anh Ngọc cùng hai đồng phạm phủ nhận tội danh "Tham ô tài sản" mà đại diện cơ quan công tố cáo buộc, chỉ thừa nhận thực hiện những hành vi gây thất thoát tài sản nhưng không có động cơ, mục đích trục lợi cá nhân.

Cựu Tổng Giám đốc Công ty RFC phủ nhận cáo buộc tham ô tài sản - Ảnh 1.

Các bị cáo nghe đại diện VKSND TP HCM công bố cáo trạng

Liên quan đến chuỗi sai phạm, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (Phó Trưởng phòng, Phòng Kế toán RFC) ký 16 phiếu chi, 2 ủy nhiệm chi với tổng số tiền 58,3 tỉ đồng trong khi giải ngân không có chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn đúng mục đích. Cơ quan tiến hành tố tụng xác định hành vi đó vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho RFC.

Trước khi "vướng" vào vụ án này, bà Hằng bị phạt 5 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng" ở một vụ sai phạm khác.

Ba tháng sau khi TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên án 5 năm tù giam, bà này nhảy lầu tự sát nhưng không thành. Không dừng lại, bà Hằng tiếp tục uống thuốc trừ sâu và được cấp cứu kịp thời.

Kết quả khám bệnh thể hiện bà Hằng trầm cảm nặng. Cơ quan giám định pháp y về sức khỏe kết luận bà Hằng tổn thương sức khỏe với tỉ lệ 66%.

Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định đối với bà Hằng, kết luận bà Hằng trầm cảm trung bình, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Bệnh tình của bà Hằng có thể nặng thêm. Như vậy, việc chấp hành hình phạt tù có thể ảnh hưởng đến tính mạng bà Hằng.

Do đó, ở vụ án nêu trên, cơ quan điều tra không xử lý trách nhiệm hình sự đối với bà Nguyễn Thị Lệ Hằng.

Ngày mai (5-4), các bên tiến hành tranh tụng.

Năm 2011, nguyên tổng giám đốc RFC lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Minh Hằng lập hồ sơ đề nghị vay vốn tại RFC.

Cụ thể, Phan Minh Anh Ngọc cùng đồng phạm nâng khống hạn mức trồng 780 ha cao su ở tỉnh Đăk Lắk. Thực tế, dự án này chỉ có thể trồng 100 ha. Thủ đoạn trên giúp Ngọc hợp thức hóa hồ sơ phê duyệt khoản vay 65 tỉ đồng.

Phan Long Hải Âu (cháu ruột của Ngọc) trực tiếp tạo lập hồ sơ cũng như chỉ đạo Nguyễn Anh Tuấn ký hồ sơ khống. Từ đó, RFC giải ngân khoản vay 58 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Âu chỉ sử dụng hơn 11 tỉ đồng vào việc đầu tư trồng cao su. Các đối tượng chiếm đoạt số tiền còn lại.

Sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại tổng cộng hơn 102,6 tỉ đồng. Qua đó, Phan Minh Anh Ngọc cùng cháu ruột chiếm đoạt gần 47 tỉ đồng.