Đá cháy chính là phốt pho
Con đường dẫn đến “bãi đá cháy” ở làng Wah, xã Nam Yang, huyện ĐakĐoa mấy ngày qua trở nên quá tải vì những lượt xe ô tô, gắn máy và nhiều người lạ mặt đổ về. Chuyện những viên đá tự bốc cháy đã được tô vẽ thêm nhiều tình tiết ly kỳ khiến người dân khu vực quanh suối Ia Tiên lo ngại. Mang tiếng là suối, nhưng nó chỉ là con lạch nước nhỏ xíu chạy luồn qua những đám ruộng, đám đá nhỏ của nhánh thác Chu Mê.
Chúng tôi đến nơi cũng vừa lúc mấy cậu bé chăn bò người Jrai nhặt được viên sỏi màu vàng nhạt bằng hạt gạo nếp tóc. Bỏ “viên đá cháy” lên mẩu đá tổ ong trên tay, tôi nhìn thấy “hạt nếp vàng” ấy nhũn ra và tan thành nước sền sền cùng lúc ấy ngọn lửa xanh bốc lên leo lét và khói trắng đục tỏa lên khoảng chừng gang tay.
Không đầy chục giây, đốm lửa tắt ngấm. Cậu bé chăn bò thảy cục đá ong xuống con suối và bỏ đi với câu nói: “Cầm vào là cùi tay đấy”. “Ai bảo thế?”, tôi hỏi. “Mấy người Sài Gòn ra đây chụp hình bảo đó là lân tinh của bom na-pan gì đó, dính vào đâu ăn lủng xương đến đấy!”.
Ông Nguyễn Đình Tiến, PGĐ Sở Khoa học tỉnh Gia Lai cung cấp cho chúng tôi thông tin về cậu thanh niên tên Cường người xã Nam Yang “có lẽ” là người đầu tiên thấy đá cháy nơi ấy.
May mắn cho chúng tôi, Trần Quốc Cường (không phải là Nguyễn Quốc Cường như các thông tin trước) hôm nay có nhà. Theo Cường kể - Hôm rằm Trung thu (khoảng cuối tháng 9-2004), Cường và nhóm bạn đi thác Chu Mê chơi. Khi đi ngang con suối nhỏ tên Ia Tiên thấy “một viên đạn to bằng bắp đùi, giống đạn cối 105 ly vỏ bằng đồng và một cái búa vứt dưới nước”. Khi trở về Cường và các bạn không thấy viên đạn kia và cái búa đâu. “Chắc họ cưa đạn để lấy đồng đó mà”,
Cường nói. Thấy dưới nước tự dưng có nhiều cục đá màu vàng hơi lấp lánh dưới ánh nắng chiếu xuyên qua nước mà hồi nào tới giờ đi ngang suối ấy mãi Cường không hề thấy. Tò mò, Cường bước xuống nắm mấy cục đá lên, thấy nhẹ hơn đá thường và không “cứng hung”. Đang xăm xoi viên đá lạ, Cường thấy nóng rát tay và khói bốc lên từ mấy cục đá. Sợ quá, Cường vứt mấy cục đá đang dần tan nhũn ra bên vệ cỏ ven đường thì thấy lửa và khói bốc lên.
Để lý giải hiện tượng đá tự bốc cháy kia một cách khoa học, Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Gia Lai đã gửi mẫu đá lạ và nước trong đoạn suối Ia Tiên có chứa những viên đá đến Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký ở TPHCM (EDC-HCM) để nhờ phân tích.
Sáng 19-10-2004, EDC-HCM đã có báo cáo kết quả phân tích như sau: Mẫu đá viên do Sở KH-CN Gia Lai gửi phân tích chính là photpho (P). Nước chứa mẫu đá mang đến được kết luận: Hàm lượng P trong nước bảo quản cao chứng tỏ một phần nhỏ lượng P trong các viên đá đã hòa tan trong nước bảo quản.
Có lẽ đến đây, mọi thêu dệt hoang đường về những viên đá tự cháy đã được sáng tỏ. Câu chuyện viên đạn pháo cưa lấy phế liệu trên dòng suối Ia Tiên của Trần Quốc Cường đang được mọi người ở đây ngầm hiểu - đó là sự thật về những viên đá cháy ở Gia Lai mấy ngày vừa qua.