“Đức Mẹ khóc”: Tin đồn thất thiệt!

Từ 21 giờ 30 ngày 29 đến chiều tối 30-10, rất nhiều người ở TPHCM và những địa phương lân cận đã đổ dồn về trước sân nhà thờ Đức Bà - TPHCM (Quảng trường Công xã Paris) chỉ vì nguồn tin “Đức Mẹ đang khóc” tại đây

Gần 22 giờ ngày 29-10, nhiều bạn đọc điện thoại cho chúng tôi nói rằng hiện đang có rất nhiều người đến xem “Đức Mẹ khóc” tại nhà thờ Đức Bà.

Chen nhau đi xem Đức Mẹ khóc

Khi chúng tôi đến nhà thờ Đức Bà đã có khá đông người đang quây quanh tượng Đức Mẹ. Người ta chăm chú quan sát trên mặt tượng. Tất cả các thiết bị quan sát, ghi hình đều được tận dụng (ống nhòm, máy chụp ảnh, máy quay phim và cả điện thoại di động). Từng tốp người chạy vội vã, xô lấn nhau để chen vào gần tượng Đức Mẹ. Nhiều người thành kính đứng trang nghiêm hát Thánh ca. Lại có một số người cố chen vào để chạm tay vào chân tượng rồi vuốt lên mặt mình. Phải một hồi lâu, chúng tôi mới thoát ra khỏi đám đông đứng lên lề đường trước cửa Bưu điện TP.

Một phụ nữ chạy phía sau chúng tôi, hốt hoảng nói với người chồng đang đứng chờ tại đó: “anh chạy về mau để chở mẹ ra ngay!”. Một người đàn ông đã lớn tuổi vừa nói vừa hỏi chúng tôi: “Anh có nhìn thấy gì không, tôi thấy rõ quá, Đức Mẹ đang khóc. Nước mắt người chảy từ mắt phải dài xuống đến cằm”. Trong khi đó, 2 cậu bé trạc tuổi học sinh trung học chạy ra nói với người chị đang đứng chờ bên đường: “Chen toát mồ hôi mới vào được đến nơi, tụi em có nhìn thấy gì đâu. Trên mặt Đức Mẹ khô queo hà!”.

Càng lúc, lượng người đổ dồn về đây càng đông. Trong ngày 30-10, vẫn còn nhiều người hiếu kỳ đến xem. Đến chiều tối vẫn còn khá đông người tụ tập xung quanh nhà thờ Đức Bà, trong đó có những người từ các tỉnh lân cận.

Ùn tắc, nở rộ dịch vụ ăn theo

Do quá nhiều người đổ dồn về đây nên đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đến chiều 30-10, tình hình giao thông có khá hơn, song vẫn phải khoanh vùng hạn chế xe gắn máy và ô tô xung quanh khu vực nhà thờ Đức Bà.

Từ 22 giờ ngày 29-10, do xe gắn máy không vào được quảng trường, ngay tức thì lề đường Nguyễn Văn Bình (phía sau lưng UBND quận 1) đã kịp thời “mọc” ra một bãi giữ xe. Người ta chen lấn nhau để gởi xe. Ít phút sau, bên lề đường Nguyễn Du, trước số 52 (cổng Trường Trần Đại Nghĩa), cũng mọc lên một bãi giữ xe. Lề đường rộng thênh thang nhưng chẳng mấy chốc đã chật cứng xe gắn máy.

Cho đến chiều 30-10, lại một dịch vụ nữa ăn theo tin đồn này. Có những người cầm xấp ảnh chụp tượng Đức Mẹ (bên má phải có một vệt màu trắng) nói rằng ảnh Đức Mẹ đang khóc để bán với giá 5.000 đồng đến 10.000 đồng/ảnh. Đến tối 30-10 giá ảnh giảm xuống còn 2.000 đồng.

“Phía Công giáo không coi chuyện này là thật”

Tại nhà thờ Đức Bà, trước lúc làm lễ buổi chiều 30-10, linh mục Dương Đình Bích, Dòng Đức Mẹ Vì người nghèo (thuộc Tòa Tổng Giám mục địa phận Sài Gòn) đã phát biểu trước giáo dân rằng tin đồn Đức Mẹ khóc hoàn toàn bịa đặt. Tin này do một vài người dựng lên làm ồn ào, mất trật tự công cộng, cản trở giao thông. Cũng tại đây, linh mục khẳng định trước giáo dân rằng về phía Công giáo không coi chuyện này là thật. Linh mục lưu ý bà con giáo dân không nghe theo tin đồn này.

Ông Phan Vĩnh Nhu, Quản lý Phòng Thánh nhà thờ Đức Bà, thông báo với bà con về nguồn gốc tin đồn này như sau: “Đêm 28-10, có một nhóm thanh niên đi chơi thâu đêm, đến sáng 29-10 họ ngồi nghỉ dưới chân tượng Đức Mẹ. Một người trong nhóm ngước mắt lên rồi nói ở má pho tượng có một vệt trắng. Đúng lúc đó, một số giáo dân đi lễ buổi sáng vừa từ nhà thờ ra có đứng lại bàn tán về việc này. Có lẽ ai đó đã thêu dệt thêm rằng Đức Mẹ khóc. Dư luận rộ lên từ lúc 21 giờ ngày 29-10.

Linh mục Nguyễn Công Danh, Cha sở nhà thờ Thị Nghè – Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM:

Đây là chuyện hoàn toàn bịa đặt

. Phóng viên: Thưa linh mục, hiện vẫn có người tin hiện tượng “Đức Mẹ khóc”. Vậy, thực hư ra sao?

img- Linh mục Nguyễn Công Danh: Ngay trong đêm xảy ra vụ việc trên, linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng Đại diện Giáo phận TPHCM, Chánh xứ nhà thờ Chánh Tòa, đã khẳng định đây là tin đồn thất thiệt. Ngài nói rằng vì tượng đặt ngoài trời không có lau chùi nên có thể có vết này, vết khác sau khi có mưa. Và có thể nhiều người có lòng tin, nhìn vào cứ tưởng Đức Mẹ khóc, chứ không dựa trên cơ sở nào. Theo tôi đây hoàn toàn là chuyện bịa đặt. Do hiểu chuyện nên bà con giáo dân ở Giáo xứ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) đâu có ai đến đó xem.

. Đến giờ này, Tòa Tổng Giám mục đã có thông tin chính thức trước hiện tượng này chưa?

- Sáng nay, khi làm lễ tại nhà thờ Chánh Tòa, linh mục Huỳnh Công Minh có nói sẽ có thông báo đến tất cả các giáo xứ và linh mục để tái khẳng định đây là tin đồn thất thiệt, đề nghị bà con đừng nhẹ dạ, cả tin, tập trung quá đông, làm mất an ninh trật tự ở khu vực trung tâm TP. Bà con giáo dân tin thương Đức Mẹ nhưng phải trên cơ sở hợp lý, chứ không phải tin đồn nào cũng nghe mà làm không đúng theo đường hướng của giáo hội.

. Không chỉ ở nhà thờ Đức Bà TPHCM, kẻ xấu còn phao tin thất thiệt từng có hiện tượng “Đức Mẹ khóc” ở các địa phương khác...

- Đều là tin đồn thất thiệt cả. Hiện vẫn chưa có cơ sở nào để giáo quyền xác nhận cả.

Minh Nam thực hiện

 

Bắt một kẻ bán hình chỉnh sửa bằng kỹ xảo

Công an phường Bến Nghé, quận 1 cho biết, chiều 30-10, công an phường này đã bắt quả tang 1 đối tượng bán hình ảnh chụp tượng Đức Mẹ có vết như nước mắt, nhưng có bằng chứng cho thấy hình ảnh không đúng sự thật và đã được chỉnh sửa bằng kỹ xảo để lừa bịp người mua hiếu kỳ.

Lúc 21 giờ ngày 30-10, Công an quận 1 cho biết đã xảy ra 2 cướp giật tài sản tại khu vực nhà thờ Đức Bà. Trong đó, một vụ móc túi trộm cắp điện thoại di động đã bị lực lượng giữ gìn trật tự địa phương phát hiện kịp thời; một vụ khác nạn nhân bị giật dây chuyền đã đến trình báo với cơ quan chức năng.

K. Long