Đúng tội?
Mới đây, TAND huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã xét xử và tuyên phạt Phạm Phú Cường 3 năm tù về tội giao cấu với trẻ em. Điều băn khoăn sau phiên xử chính là bản án đã thực sự chính xác?
Ngày 30-8-2009, N.T.T.A gọi điện rủ Cường đi chơi. Sau đó, cả hai đến nhà trọ trên địa bàn thị trấn Bến Lức “tâm sự”. Hôm sau, A. tiếp tục gọi điện và Cường cũng chở cô đến nhà trọ lần trước. Đến ngày 3-9-2009, gia đình A. gửi đơn tố cáo Cường.
Căn cứ vào tờ giấy khai sinh do gia đình cung cấp, Cơ quan Điều tra Công an huyện Bến Lức khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cường về tội giao cấu với trẻ em. Tuy nhiên, ngày 7-12-2009, VKSND huyện Bến Lức trả hồ sơ về cơ quan điều tra, yêu cầu làm rõ bị hại N.T.T.A sinh vào ngày, tháng nào trong năm 1993 do tờ khai sinh mà gia đình cung cấp có dấu hiệu tẩy xóa để viết lại ngày 25-10-1993.
Theo UBND xã Đông Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang xác nhận vì gia đình đăng ký khai sinh cho A. trễ hạn, không nhớ rõ ngày sinh nên giấy khai sinh của A. chỉ ghi năm 1993, không ghi ngày tháng như tờ khai sinh đã nộp cho cơ quan điều tra. Trong khi đó, bà mụ vườn lại xác nhận với cơ quan điều tra rằng N.T.T.A sinh khoảng ngày 25-10-1993.
Nếu căn cứ vào giấy xác nhận của UBND xã Đông Hòa, phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị cáo. Theo đó, ngày sinh của bị hại phải được xác định là ngày 1-1-1993. Cũng có nghĩa là vào thời điểm Cường “quan hệ”, A. đã tròn 16 tuổi, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự Cường về tội giao cấu với trẻ em. Còn căn cứ vào lời xác nhận của bà mụ vườn do cơ quan điều tra cung cấp, Cường phạm tội vì bị hại chưa tròn 16 tuổi.
Theo luật sư Phan Long Ẩn (Đoàn Luật sư Long An), việc tòa chấp nhận lời khai của bà mụ vườn để làm căn cứ pháp lý định tội đối với bị cáo là thiếu khách quan. Lời khai này chỉ có giá trị tham khảo, không thể xem là chứng cứ pháp lý. Cơ quan điều tra cần phải tiến hành trưng cầu giám định sinh học, xác định tuổi thật của người bị hại để làm căn cứ pháp lý.
Trong vụ án này, chứng cứ quan trọng nhất, hội đủ các giá trị pháp lý là văn bản xác nhận của UBND xã Đông Hòa. Theo pháp luật quy định, trong trường hợp này, tòa phải xác định người bị hại sinh ngày 1-1-1993. Đó là chưa nói đến việc gia đình bị hại tự điền vào giấy khai sinh là một hành vi gian dối, thiếu trung thực.