Giáo dục ý thức pháp luật trong nhà trường

Việc xây dựng, hình thành ý thức pháp luật trong học sinh - sinh viên đòi hỏi phải có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ càng và thật nghiêm túc ngay từ ban đầu

Trong đời sống xã hội, pháp luật giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, là phương tiện không thể thiếu để bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của xã hội. Việc giáo dục, trong đó có giáo dục ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội, thế giới tự nhiên hay ý thức pháp luật là điều vô cùng quan trọng.

img
Bị cáo H.T.M phạm tội giết người khi chỉ mới 16 tuổi. Ảnh: T. TRÂM


Đặc biệt, về phương diện pháp luật, nếu ý thức pháp luật tốt sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện pháp luật. Vì vậy, tuyên truyền, giải thích pháp luật, giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh- sinh viên (HS-SV) là điều cần thiết.

Bạo lực đã xâm nhập học đường


Hiện nay, số lượng trẻ vị thành niên nói chung và HS nói riêng phạm pháp đang tăng theo xu hướng trẻ hóa và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Toàn quốc hiện có trên 20.000 trẻ em vi phạm pháp luật, trên 21.000 người chưa thành niên có nguy cơ làm trái pháp luật.

Hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập, tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp trong các nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó học sinh trung học phổ thông tham gia khá nhiều. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an về tình hình tội phạm trong 6 tháng đầu năm 2009, trên cả nước xảy ra 25.508 vụ phạm pháp hình sự.

Trong số đối tượng gây án, tỉ lệ HS-SV chiếm 3,6%, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết bạn cùng lớp, cùng trường, giết cướp.


Qua đó, chúng ta có thể thấy được tình trạng đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay có nhiều bất ổn, từ thái độ học tập, ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật của nhà trường, chấp hành pháp luật đến những hành vi tiêu cực trong học tập, thi cử của  HS-SV và sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào học đường.

Điều đáng nói là ý thức, đạo đức HS ở những bậc học càng cao càng có chiều hướng đi xuống. Các hành vi lệch chuẩn về đạo đức trong HS-SV ngày càng gia tăng, như bạo lực học đường, tụ tập băng nhóm, gian lận trong thi cử, cờ bạc, ma túy, vi phạm giao thông, đua xe trái phép...

Một số hành vi lệch chuẩn khác về đạo đức như bất kính với thầy cô, cha mẹ và người thân, đua đòi, vị kỷ... Đó là hậu quả của sự giáo dục không đồng bộ giữa gia đình và nhà trường, giữa nhà trường và xã hội.


Cần giáo dục pháp luật từ bậc tiểu học


Hành vi vi phạm pháp luật trong HS- SV đang là mối quan ngại cho gia đình và xã hội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các bạn trẻ định hình một lối sống phù hợp với chuẩn mực đạo đức, đúng lứa tuổi của họ.


Bậc tiểu học chính là giai đoạn bắt đầu giáo dục đạo đức tốt nhất, sau đó đến các bậc học tiếp theo. Đây là môi trường đầu tiên HS được sống, học tập và được làm quen với tính kỷ luật (bắt đầu từ việc chấp hành nội quy), là cơ sở ban đầu để hình thành nhân cách.

Tuy nhiên, việc rèn luyện ý thức pháp luật ở bậc tiểu học và các bậc học lớn hơn phải có sự liên hệ chặt chẽ với nhau mới trang bị cho HS-SV vốn hiểu biết về tầm quan trọng của pháp luật. Từ đó, các em có thể phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức pháp luật, phát huy vai trò nhân tố của con người và có thái độ ứng xử đúng đắn, phù hợp với các quy tắc đạo đức, quy tắc của xã hội.


Với HS-SV, ý thức pháp luật chính là ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật trong nhà trường và được hình thành trong suốt quá trình học tập để từ đó có những nhận thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật.


Liên quan đến việc rèn luyện ý thức pháp luật trong nhà trường, ở bậc tiểu học, HS sẽ được học môn đạo đức; lên bậc THCS và THPT, HS sẽ được học môn giáo dục công dân và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, sách giáo khoa dành cho các bậc học nói chung còn sử dụng quá nhiều ngôn ngữ mang tính hàn lâm, làm cho các em khó hiểu, khó tiếp thu.


Đội ngũ giảng dạy bộ môn này còn thiếu về số lượng, năng lực của một số giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, chưa nắm bắt kiến thức cơ bản về pháp luật. Phương pháp giảng dạy mang nặng tính lý thuyết, rất yếu về thực hành và thiếu hẳn phương pháp trực quan sinh động. Chính từ lẽ đó, thầy cô vô tình đã “đóng khung” kiến thức của các em trong một “mớ” những định nghĩa và ngôn từ đầy rắc rối, dễ làm cho bài học tẻ nhạt, nhàm chán vì quá khó hiểu.

Theo chúng tôi, hằng năm, nhà trường nên mời các báo cáo viên đến trường để thuyết trình về kiến thức pháp luật cho giáo viên. Chính từ các chuyên đề này sẽ giúp ích cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường nắm vững kiến thức pháp luật, có cơ sở để xây dựng kế hoạch giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật cho HS.