Không hiểu Protamol nhái gì ở Alaxan?

Báo NLĐ số ra ngày 12-7-2006 đăng bài Kinh hoàng thuốc giả, thuốc nhái phản ánh thị trường dược phẩm đang lưu hành không biết cơ man nào là hàng nhái nhưng hầu hết đều có số đăng ký của Bộ Y tế cho lưu hành, trong đó có thuốc Protamol của Mekophar nhái thuốc Alaxan của United Pharma VN. Ngày 17-7, Báo NLĐ nhận được văn bản số 143/ĐBCL của Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar với nội dung chính như sau:

(...) “Mặt hàng Protamol của Công ty Mekophar có nhãn hiệu Protamol đã được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa (đính kèm bản sao giấy bảo hô độc quyền được cấp từ 3-3-1995). Về bao bì ngoài thì công ty xin gởi kèm vỏ hộp đang lưu hành của công ty và bản photocopy mẫu bao bì có đóng dấu của Cục Quản lý Dược Việt Nam để chứng minh công ty không hề lập lờ như ý kiến của bài báo. Còn lại là mẫu viên thuốc Protamol của công ty, công ty xin gởi kèm quyết định của Cục Quản lý Dược cho phép công ty đổi dạng viên từ: viên nén tròn 2 lớp màu trắng và cam, lớp màu cam có 1 vạch ngang, đường kính 13 mm thành: viên nén tròn 2 lớp màu trắng và cam có chữ MPK, lớp màu trắng có dấu chữ thập, đường kính 13 mm. Sở dĩ công ty xin đổi là vì muốn khắc thêm chữ MKP là tên viết tắt của công ty. Được biết viên Alaxan của United Pharma Việt Nam là viên 3 lớp và có chữ Alaxan ở một mặt viên. Như vậy không hiểu mặt hàng Protamol nhái gì ở mặt hàng Alaxan?”.

(...) Xét về mặt vi phạm nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp thì mặt hàng Protamol của Công ty Mekophar không hề vi phạm, nếu có chắc chắn Công ty United Pharma VN đã kiện và Công ty Mekophar không còn cơ hội lưu hành sản phẩm hợp pháp như hiện nay...

Ý kiến của cơ quan, doanh nghiệp liên quan

Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng khiếu nại Người tiêu dùng phía Nam:

Người tiêu dùng bình thường rất dễ bị nhầm lẫn

img
Vỉ thuốc Protamol (phải) rất dễ nhầm với vỉ thuốc Alaxan (trái)

Đối với 2 loại thuốc trên, với người tiêu dùng bình thường nếu không chú ý thì rất dễ bị nhầm lẫn. Có thể nhà sản xuất cố tình tạo ra mẫu mã na ná như thế! Tuy nhiên, chúng được cấp phép của cơ quan chức năng nên trong trường hợp này người tiêu dùng không thể kiện nhà sản xuất được. Để bảo vệ sức khỏe của mình, tốt nhất người tiêu dùng nên xem kỹ trước khi sử dụng để tránh nhầm lẫn sản phẩm cũng như công dụng.

Bà Nguyễn Thị Kim Vân, phụ trách nhãn hiệu thuốc Alaxan Công ty United Pharma Việt Nam:

Bắt chước mẫu mã của thuốc Alaxan

Trên thị trường hiện có một số loại thuốc được làm nhái giống thuốc Alaxan từ bao bì, màu sắc đến kiểu dáng viên thuốc. Những thuốc nhái này được sản xuất bởi một số công ty dược phẩm Việt Nam và có sự đồng ý cấp phép bởi các cơ quan chức năng. Về mặt sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, những công ty này vi phạm vì bắt chước bao bì, mẫu mã của thuốc Alaxan mà Công ty United Pharma đã đăng ký sở hữu độc quyền.