Ký túc xá “ở đậu” 20 năm trong bệnh viện!
Viện Y Dược học Dân tộc TP và Sở Y tế TP liên tục “gõ cửa” khắp nơi xin dời KTX ra khỏi viện nhưng vẫn chưa được giải quyết
Chuyện lạ nhưng hoàn toàn có thật xảy ra tại Viện Y Dược học Dân tộc (YDHDT), thuộc Sở Y tế TP – một trung tâm nghiên cứu khoa học, giảng dạy, điều trị y học cổ truyền của TP và các tỉnh phía Nam. Hơn 20 năm qua, hàng ngàn con người, gồm CB-CNV, bệnh nhân và sinh viên chen chúc nhau trong khuôn viên diện tích hơn 10.000 m2.Ký túc xá... 3 thiếu!
Đầu tháng 7-1985, ngành y tế TP đã tiếp nhận cơ sở Viện YDHDT tại số 273 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận do Bộ Y tế chuyển giao. Biên bản bàn giao giữa Bộ Y tế và UBND TP ghi rõ: “Chuyển toàn bộ cơ sở Viện YDHDT theo nguyên tắc nguyên canh, nguyên cư về TPHCM quản lý và sử dụng... tạm thời để học sinh của Trường Trung học Y học Dân tộc Tuệ Tĩnh 2 (nay là Khoa Y học Cổ truyền – Trường Đại học Y Dược TPHCM) được ở lại viện. Bộ Y tế và UBND TP sẽ tạo điều kiện để học sinh ăn ở bên ngoài, giao lại phòng ốc cho Viện YDHDT”. Thế nhưng, đã hơn 20 năm qua, ký túc xá (KTX) sinh viên khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Dược vẫn tồn tại trong khuôn viên Viện YDHDT.
Có mặt tại KTX này vào chiều 9-5, chúng tôi nhận thấy, mang tiếng là nơi ăn, ở, học tập của sinh viên, nhưng KTX hội đủ “tiêu chuẩn”... một khu nhà trọ rẻ tiền ở vùng ven TP, với 3 cái thiếu căn bản: điện, vệ sinh, PCCC. Chiếm hơn 1.000 m2 đất của Viện YDHDT, KTX gồm 1 khu nhà trệt 8 phòng (diện tích từ 50 m2 – 100 m2/phòng), với kết cấu tạm bợ (nhà vách, mái tôn) đang trong tình trạng xuống cấp nặng. Bước vào các căn phòng của sinh viên, chúng tôi không khỏi lo ngại khi nhìn thấy bên cạnh những chiếc giường gỗ (loại 2 tầng) là hàng đống mùng mền, chiếu gối, sách vở..., trong khi cách đó vài mét là dãy bếp gas mini, bếp dầu của sinh viên nấu ăn, chỉ cần sơ ý một chút là toàn bộ KTX này trở thành miếng mồi ngon cho “bà hỏa”. Một số sinh viên cho biết, mùa mưa còn đỡ, chứ mùa nắng thì các căn phòng như... lò bánh mì! Do phải hạn chế sử dụng điện, nên các căn phòng của sinh viên đều thiếu ánh sáng và vài cây quạt trần cũng không xua được cái nóng vào thời điểm giao mùa. Điều đáng nói, ngoài không khí ẩm thấp của KTX đang xuống cấp cộng với việc ăn ở mất vệ sinh của một bộ phận sinh viên đã làm cho khu vực Viện YDHDT ngày càng ô nhiễm nặng...
“Gõ cửa” 20 năm vẫn chưa có kết quả!
Theo lãnh đạo Viện YDHDT, sự có mặt của KTX sinh viên đã gây nhiều khó khăn cho viện, đặc biệt trong việc quy hoạch tổng thể để nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc. “Sắp tới viện phải mất hơn 2.000 m2 đất cho dự án mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Trọng Tuyển. Vì vậy, diện tích viện càng hẹp hơn...” - bác sĩ Lê Hùng, Phó Viện trưởng Viện YDHDT, nói. Điều trớ trêu, dù “gồng mình” gánh KTX suốt 20 năm qua, nhưng lãnh đạo Viện YDHDT vẫn không hề biết chính xác số lượng sinh viên đang ở tại đây. “Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu những người có trách nhiệm quản lý KTX cho biết số lượng sinh viên nhưng họ đều từ chối” - bác sĩ Nguyễn Thị Thư, Viện trưởng Viện YDHDT, bức xúc nói. Do đó, điều dễ hiểu trong khi Viện YDHDT “phỏng đoán” có khoảng 250 sinh viên đang ở tại KTX thì bà Trần Trâm Anh, quản lý sinh viên tại KTX, khẳng định với chúng tôi: chỉ có 140 sinh viên!?
Nhiều năm qua, Viện YDHDT và Sở Y tế TP liên tục đi “gõ cửa” khắp nơi xin dời KTX ra khỏi viện. Mãi đến ngày 8-5-2003, Viện YDHDT thở phào nhẹ nhõm khi Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài ký văn bản giao các ngành liên quan thực hiện việc di dời KTX ra khỏi viện. Thế nhưng, đã hơn 2 năm qua, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Tháng 10-2004, Viện YHDT như “bị dội một gáo nước lạnh”, khi nhận được văn bản của Trường Đại học Y Dược đề nghị viện hỗ trợ sửa chữa KTX để sinh viên... ở tiếp! Lý do chưa di dời KTX được phía Đại học Y Dược đưa ra là “đang chờ TP thu xếp một cơ sở nhà, đất tương đương diện tích KTX hiện hữu, tại địa điểm thuận lợi...” (!?).
Trước tình hình này, ngày 4-5-2005, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đã báo cáo toàn bộ sự việc trên và đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm.