Mai Thanh Hải: Từ lời đồn đến sự thực
Nói đến Mai Thanh Hải, biệt danh Hải “Cắm”, giới công tử con nhà giàu Hà thành không ai không biết. Hải có tiếng ăn chơi từ ngày còn là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Chuyện học của Hải cũng lạ, dường như Hải đến trường không phải để học, mà là để... chơi.
"Cậu ấm" ăn chơi ngất trời...
Số giờ Hải vắng mặt vượt trội số giờ Hải có mặt trong lớp. Mà khi nào Hải đến trường, khi nào Hải đi khỏi trường, sinh viên, giảng viên đều biết. Bởi Hải ít đi một mình, thường “bìu ríu” theo một đám, đi xe đẹp, đeo khuyên tai, mặc đồ hàng hiệu. Đám này không thích dựng xe chung với các sinh viên “bình dân”, phải gom riêng một góc, lúc đến, lúc đi phải rồ máy, nẹt ga, bốc đầu, phụt khói đồng loạt. Học kiểu đó, Hải có được tấm bằng tốt nghiệp kiểu gì? Chuyện sẽ nói sau.
Đang là nhân viên (có lẽ phải thêm chữ quèn vì chưa có bằng cấp) của Tổng Công ty XNK Tổng hợp Bộ Thương mại, sau khi “tu nghiệp” tại Đại học Ngoại thương và “tu nghiệp” tiếp ở Úc Đại Lợi, Hải chuyển sang làm cán bộ Phòng Quản lý giấy phép XNK Hà Nội, rồi tiếp
Sau sự kiện Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Thương mại Lê Văn Thắng vì hành vi “nhận hối lộ”, ngay lập tức có tin đồn: "Cậu ấm" con ông thứ trưởng phụ trách phân bổ hạn ngạch xuất khẩu (quota) hàng dệt may đồng thời là “đệ” của “sếp” Thắng cũng sắp bị cơ quan điều tra này sờ gáy. Vì vậy mà ngôi nhà 35 phố Liên Trì (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi vợ chồng "cậu ấm” ở cùng bố mẹ, đã được phóng viên đưa vào “tầm ngắm” trong nhiều ngày liền. Chiều 30-9, việc phải đến đã đến. “Cậu ấm” Mai Thanh Hải bị áp giải ra khỏi ngôi nhà 35 phố Liên Trì, sau khi các cán bộ điều tra đọc lệnh bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét phòng ở của “cậu”.
Vì sao “đệ” Hải lại bị bắt sau chứ không phải bắt trước “sếp” Thắng, chuyện sẽ nói sau. Trước hết, xin được nói đôi chút về "cậu ấm” Hải. |
Chuyện xe cộ sau này của Hải, những người viết bài này không được “mục sở thị”. Nhưng cái ngày Hải đang chinh phục trái tim người đẹp (vợ Hải hiện nay), tận mắt người viết bài thấy Hải đưa rước người đẹp không thuần chủng loại xe nào, lúc Mercedes, khi Toyota Crown, thi thoảng lại là BMW... Đám cưới của Hải cũng đáng ghi nhớ, mà thực tế thì đã có tờ báo kịp thời tường thuật, cả kịp thời phỏng vấn cô dâu chú rể sau ngày cưới. Hải tổ chức cưới ở 2 nơi, đều khách sạn 5 sao: 12-9-2002, tại khách sạn Omni (TPHCM); 22-9-2002, tại khách sạn Melia (Hà Nội); Ngoài ra, để có được bộ ảnh cưới thơ mộng, cô dâu chú rể còn lên tận Đà Lạt để lấy cảnh nền. “Tình phí” trước khi cưới cũng tốn kém. Suốt cả năm trời “cưa” người đẹp đất Sài thành, lịch hằng tuần của Hải: thứ sáu, bay Hà Nội - TPHCM; chủ nhật, bay TPHCM - Hà Nội; thứ hai, “nấu cháo” điện thoại di động; thứ ba, “nấu cháo” tiếp... Kể chi tiền vé máy bay và cước điện thoại di động, khi người ta yêu nhau (?!). Sau ngày cưới, Hải trả lời phỏng vấn về vợ: “Ngân không trang điểm nhiều, đặc biệt, rất cá tính và khó cưa”. Còn vợ Hải nói về chồng: “Chân thành, dễ thương, mê bóng đá và đặc biệt là có tài kể chuyện hài hước”. Tiếc rằng, giờ đây, Hải đã mang sự “dễ thương” và những câu chuyện hài hước vào trại tạm giam, gửi cô vợ trẻ đẹp với đứa con hơn 1 tuổi lại với ông bà nội, cùng với bao đau xót bẽ bàng khi biết được những sự thật phía sau vẻ “công tử”, sành diệu” của chồng mình...
Sao Hải lại có biệt danh là Hải “cắm”? Một người biết Hải từ thời sinh viên kể: Hải tiêu tiền như phá, bốc lên thì Thạch Sùng cũng... bé. Vì vậy mà Hải cũng lắm khi nợ tiền nhà hàng, quán bar. Lâu dần thành thói quen, Hải thích nợ và cũng khoái được... bị đòi nợ. Người này còn cho biết thêm, ngay cả khi đã đi làm, Hải bỏ mặc cả những “trát” đòi tiền của mạng di động, cho đến khi lên tới cả trăm triệu đồng thì bố mẹ Hải đành trả thay cho Hải!
Chúng tôi đã đến Đại học Ngoại thương để tìm hiểu quá trình học tập của Mai Thanh Hải tại đây. Thông tin ban đầu, Hải có bằng “đại học tại chức”. Thế nhưng, tại khoa đào tạo tại chức, một cán bộ có trách nhiệm khi nghe đến tên Mai Thanh Hải đã nói ngay: “À, Hải con ông Dâu. Cậu ta không học tại chức, mà học hệ mở. Các anh lên phòng đào tạo mà hỏi nhé”. Tại phòng đào tạo, một cán bộ cho biết: “Tôi nhớ cậu này. Cậu ta học khóa 28 (vào trường năm 1990), mải chơi “đúp” xuống khóa 29. Thi lại lẹt đẹt, nhiều môn nợ xuống các khóa sau nữa”. Một nữ cán bộ khác nhiệt tình: “Để chúng tôi tra giúp các anh xem cậu ta tốt nghiệp khóa nào”. Các quyển sổ theo dõi việc cấp bằng tốt nghiệp được mở ra. Người cán bộ đào tạo căng mắt tìm hết khóa 28, khóa 29, khóa 30, rồi đến khóa 33, không ra tên Mai Thanh Hải! Chị nhìn các phóng viên, nhoẻn miệng cười: “Hệ mở trường tôi chỉ mở “rốn” đến khóa 33 là hết, các anh ạ”.
Thông tin về quá trình “tu nghiệp” của cựu sinh viên Mai Thanh Hải ở Trường Đại học Ngoại thương chỉ vỏn vẹn có vậy. Nếu có gì cần nói thêm, thì đó là lời ông cán bộ khoa tại chức lúc tiễn các phóng viên ra cửa: “Học hành như cậu ta thì ai mà dám cấp bằng!”.
Bị can trong vụ án hình sự
Sau khi Mai Thanh Hải bị bắt, có người thắc mắc vì sao đối tượng này lại bị bắt sau, chứ không phải bắt trước “sếp” Lê Văn Thắng. Thắc mắc này là có cơ sở. Theo một nguồn tin của chúng tôi, đơn tố giác Hải nhận tiền chạy quota cho một doanh nghiệp dệt may đã được gửi tới các cơ quan có trách nhiệm từ cuối tháng 8-2003. Lá đơn tố giác này cho biết, thông qua một đối tượng trung gian (có thể gọi là “cò” quota), Hải đã nhận của Công ty Qualitex (Công ty Liên doanh Hàng dệt may, địa chỉ tại Km7 Quốc lộ 5, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) 510 triệu đồng, để “chạy” quota 70.000 tá sản phẩm may mặc sang thị trường Hoa Kỳ. Tiền đã trao, nhưng “cháo” múc được chỉ là quota cho 28.000 tá sản phẩm, lại được bộ giải thích là hoàn toàn nằm ngoài sự “tác động” của Hải, phía Công ty Qualitex cử cán bộ sục đến nhà riêng đòi Hải phải trả lại tiền “thừa”. Đã từng có biệt danh Hải “Cắm”, nhận tiền thì dễ nhưng trả lại người ta thì khó, Hải chỉ trả cho Qualitex (qua người môi giới) 154 triệu đồng, còn 356 triệu đồng Hải khăng khăng không trả. Phía Qualitex tức mình phát đơn kiện. Vụ việc ầm lên ở Bộ Thương mại, đơn được gửi lên cả các cơ quan cấp cao hơn, rồi được chuyển đến Công an TP Hà Nội (Phòng CSKT). Mặc dù Hải đã kịp trả lại tiền cho anh “cò” quota để anh này chuyển trả doanh nghiệp, song nhiều người cho rằng hành vi của các đương sự đã cấu thành tội “nhận hối lộ” và “môi giới hối lộ”. Tuy nhiên, khá lạ lùng là có người lại cho rằng, đây chỉ là quan hệ “dân sự”(?!), vì vậy sự việc cứ lùng nhùng khiến nhiều người quan tâm ngỡ là đã bị “chìm xuồng”.
Ngày 15-9-2004, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Lề Văn Thắng. Trước đó một ngày, Công an Hà Nội kịp chuyển hồ sơ vụ việc Mai Thanh Hải sang VKSND TP Hà Nội để cơ quan này nghiên cứu lại và có quan điểm chính thức có khởi tố vụ án hình sự hay không. Sau đó Công an TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an vào ngày 22-9. Và chiều 30-9, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam “cậu ấm” Mai Thanh Hải.
Dư luận cũng đang đặt câu hỏi là ngoài 2 vụ việc nổi cộm (có đơn của các doanh nghiệp đi “mua” quota tố cáo) dẫn đến “bục” ra vụ Lê Văn Thắng và vụ Mai Thanh Hải, cơ quan chức năng liệu có làm rõ được những dấu hiệu về hàng loạt vụ việc tiêu cực kiểu này, nếu chỉ dựa vào những sự “khập khênh” giữa những quota được cấp với năng lực thực sự của các doanh nghiệp? Câu trả lời là có. Từ tháng 8-2003, Công an TP Hà Nội đã phát hiện ra hàng loạt sự “khập khênh” như vậy. Điển hình là Công ty TNHH VIT Garment được cấp quota 18.800 tá sản phẩm, với “lời khai” trong hồ sơ xin cấp quota là doanh nghiệp này có 2.508 thiết bị và 4.000 công nhân, nhưng thực tế doanh nghiệp này đang xây dựng nhà xưởng và chỉ có 1.658 lao động đang... học việc. Một trường hợp khác, Công ty Việt Pacific Clothing cũng đang xây dựng nhà xưởng, chưa có thiết bị, không một công nhân, nhưng khai khống lên là có 2.786 thiết bị, 3.000 lao động, để được cấp quota 20.800 tá sản phẩm. Hay thư Công ty MSA Unimex Thái Bình, chỉ có 900 thiết bị với 900 lao động có hợp đồng, 870 lao động chưa có hợp đồng, song đã “mạnh dạn” khai khống lên 2.500 thiết bị với 2.500 công nhân để “xin” được quota 26.000 tá sản phẩm...
Những chuyện như trên, còn có để kể... dài dài. Chúng được phát hiện từ cuối quý III/2003 và đến nay đang tiếp tục được “bục” ra. Những vụ việc này có dính dáng đến “sếp” Lê Văn Thắng và “đệ” Mai Thanh Hải không? Ngoài 2 đối tượng này, còn có những ai phải chịu trách nhiệm? Câu trả lời còn phải chờ từ Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an.