Một lần say rượu lái xe

Cuối năm, ông P.V.Đ (ngụ Củ Chi - TPHCM) được chỗ này chỗ kia mời dự tất niên. Chuếnh choáng say nhưng vẫn phải về nhà. Chiếc xe máy không tuân theo sự điều khiển của người say, tai nạn xảy ra. Ông Đ. tỉnh dậy trong bệnh viện với xương vai bị gãy, tỉ lệ thương tật 29%. Riêng nạn nhân của ông đã tử vong do chấn thương sọ não.

Điều trị trong bệnh viện một thời gian, trở về, ông nhận được giấy mời của CQĐT. Vụ án được khởi tố, truy tố và xét xử, ông bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, khi vết thương vẫn còn đau nhức.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông tha thiết xin HĐXX khoan hồng, xem xét để được hưởng án treo vì gia cảnh quá khó khăn: cha mẹ già nằm một chỗ do tai biến, người vợ nay ốm mai đau, các con đã có gia đình riêng nhưng đều ở xa và khó khăn, gần 60 tuổi, ông vẫn là lao động chính. Trong thời gian được tại ngoại, ông cũng đã cố gắng bồi thường cho gia đình người bị hại và được họ bãi nại. “Tôi biết mình có tội vì đã vô tình gây nên cái chết của một người, tôi chấp nhận bị pháp luật trừng phạt. Nhưng quả thật, hoàn cảnh quá khó khăn, nếu được ở ngoài, tôi có thể đi làm nuôi gia đình và bồi thường thêm cho gia đình người bị hại…’’- ông Đ. nói.

Tuy nhiên, HĐXX nhận định trong vụ án này, lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo: Không giấy phép lái xe, chuyển hướng không quan sát, không nhường đường, nồng độ rượu vượt quá mức cho phép. Cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt bị cáo 1 năm 6 tháng tù (dưới khung hình phạt) là thỏa đáng. Theo thông tư của TAND Tối cao, những vụ tai nạn giao thông mà lỗi chính thuộc về bị cáo, gây hậu quả chết người thì không được hưởng án treo. Nếu hoàn cảnh gia đình bị cáo quá khó khăn, có thể làm đơn xin hoãn thi hành án.

Với nhận định trên, HĐXX đã bác kháng cáo, y án sơ thẩm 1 năm 6 tháng tù. Ông Đ. ra về với bước chân nặng trĩu. Mấy hôm trước, vợ ông phải nhập viện vì bệnh tim tái phát.