Người Sài Gòn giỗ Tổ
Không hoành tráng, rực rỡ và ấn tượng như lễ hội cấp quốc gia, người dân TP cũng tổ chức giỗ Tổ trang trọng, đầy xúc động. Nhiều người tụ tập quanh ngôi đền do chính họ lập ra để ngồi lại với nhau trong ngày giỗ. Cũng tế lễ, cũng dâng hương và tấm lòng của người dân TP luôn hướng về quốc Tổ.
Đền của nhà giáoĐền quốc Tổ Lạc Hồng ở số 94 Nguyễn Thái Sơn (P.3, Q. Gò Vấp) là ngôi đền riêng của nhà giáo lão thành Phan Công Khâm lập nên vào năm 1963, diện tích khoảng 600 m2. Nguyên khu vực này là đất gò mả được nhạc phụ cắt chia, ông Khâm không dùng vào kinh doanh, không xây dựng nhà ở đồ sộ nguy nga mà dùng toàn bộ diện tích để lập nên đền thờ quốc Tổ. Do thu nhập có hạn, ông tích góp số tiền ít ỏi của mình để xây dựng đền thờ theo phương pháp cuốn chiếu. Vì vậy, cảnh quan kiến trúc của ngôi đền không được liền lạc, bố cục điện thờ hơi chệch choạc nhưng, ông Khâm cho biết, “không sao cả miễn trong tâm mình có tổ tiên ông bà là được”. Là một nhà giáo dạy sử trong các trường trung học trước và sau năm 1975, ông rất bức xúc trước tình trạng thanh niên nam nữ thờ ơ và thiếu hiểu biết lịch sử dân tộc. Vì vậy ông đã trút hết công sức tiền của để thực hiện mục đích của mình, mong muốn các thế hệ luôn nhớ về công khai sáng của cha ông.
Truyền thống gia đình nghệ nhân
Từ nhiều ngày trước lễ, anh Đoàn Văn Tài, một nghệ nhân thêu tay ngụ tại 212/215 Nguyễn Văn Nguyễn (P. Tân Định, Q.1) đã tất bật cho ngày giỗ Tổ. Trên bàn thờ, nhiều vật dùng trong cúng tế đã được lau chùi sạch sẽ. Ngọn giáo, thanh gươm, con hạc, lư đồng... đã được sắp xếp lại một cách trang trọng. Tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền hòa, anh Tài cho biết: “Năm nay nhà xuống cấp quá. Nhiều chỗ đã bị nứt sụt nhưng không cách gì để sửa sang lại được vì đã hơn một năm nay xin giấy phép vẫn chưa xong. Nhưng không phải vậy mà không giỗ Tổ”. Nhiều năm nay, gia đình anh vẫn giữ nguyên truyền thống của cha để lại, đến ngày giỗ Tổ cúng một mâm cơm, có bánh giầy bánh chưng, con cháu họ tộc quây quần về với nhau. Mùng 10-3 âm lịch là một ngày họp mặt của các thành viên trong gia đình. Trong ngày đó, những vui buồn, hờn giận đều được giãi bày dưới ngọn nến thiêng của bàn thờ Tổ. “Lạc Long Quân, Âu Cơ, Vua Hùng là tổ tiên của dân tộc VN trong đó có gia đình chúng tôi. Giỗ Tổ là một hình thức nhớ đến công lao dựng nước của cha ông để chúng ta có ngày hôm nay” - anh Tài nói.
Những năm đầu của thập niên 1940, thân sinh anh - cụ Đoàn Văn Nụ - vốn là một nghệ nhân ngành thêu đã đến ngụ tại vùng này và lập đền thờ quốc Tổ từ năm 1960. Các con của cụ Nụ đã trưởng thành và lập gia đình riêng nhưng vẫn cư ngụ quanh đền trên phần đất của cha để lại.
Không ai quên cội nguồn
Cụ Nguyễn Viên năm nay đã 86 tuổi. Gốc người Quảng Nam vào TP đã lâu, cụ cùng các bậc cao niên khác lập nên đền Hùng Vương tại số 22/93 Trần Bình Trọng (P.1, Q.5) vào năm 1970. Tiếng là ngôi đền nhưng vỏn vẹn chưa đầy 50 m2 với tường gạch mái tôn. Bên trong đền, chánh điện uy nghi với bàn thờ quốc Tổ, trên cao là quốc Tổ Hùng Vương có lạc hầu, lạc tướng đứng hầu hai bên. Bên dưới là tượng của công chúa Ngọc Hoa, vợ Tản Viên sơn thánh (Sơn Tinh) và công chúa Tiên Dung, vợ Chử Đồng Tử. Vì bàn thờ quá hẹp nên các cụ đành phải thờ riêng quốc mẫu Âu Cơ về phía bên phải.
Chúng tôi đến thăm đền vào sáng 17-4 (mùng 9-3 âm lịch). Nhiều cụ ông, cụ bà tụ tập đông đủ đang bận rộn chuẩn bị cho buổi tế yết (mời quốc Tổ về đền) vào lúc 17 giờ. Theo chương trình, lễ hội chính thức sẽ được khai mạc vào sáng 18-4 (mùng 10-3 âm lịch) trong đó có phần dâng hương và sau đó là nam quan tế Tổ tức lễ tế chính thức do ông Huỳnh Ngọc Quý, một Việt kiều xa xứ nhưng vẫn nhớ đến tổ tiên trở về, làm chủ tế.
Cụ Viên rất vui vì năm nay có sự đóng góp công sức rất nhiều của các con em của những người đã từng đến và sinh hoạt với đền hàng chục năm nay và họ sẽ là lực lượng kế thừa nếu mai kia các cụ trăm tuổi. Cụ cho biết ngôi đền này có được là từ tấm lòng của người đạp xích lô già Trần Văn Cậy. Ý nguyện của hai ông bà Cậy trước lúc mất đã làm giấy hiến tặng căn nhà của mình để làm đền thờ quốc Tổ. Từ đó đến nay, thực hiện ý nguyện của người đã khuất cũng như muốn cho con cháu mãi mãi nhớ đến tổ tiên cội nguồn, các cụ đã cố gắng giữ gìn đền thờ, duy trì giỗ Tổ hằng năm đồng thời khuyên răn con cháu: “Uống nước phải nhớ lấy nguồn. Ăn quả phải biết đền ơn người trồng”.