Những xa lộ... ôm

Dọc hai bên quốc lộ 1A đi qua huyện Bình Chánh, hay quốc lộ 22, huyện Hóc Môn, xa lộ Đại Hàn, quận Thủ Đức, TP.HCM, “em út” ra tận lề đường chào gọi khách như đang bán hàng “xôn” (hàng giảm giá).

Tại một quán bia ôm.

Vấn nạn “…ôm” không là chuyện mới. Dư luận mãi lên án, công an nhiều phen vất vả truy quét. Nhưng nó vẫn tồn tại. Nguyên nhân? Không chỉ là sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường! Xã hội đang tồn tại thứ “đạo đức thị trường”.

“Trâu già thích gặm… cỏ non”

Tôi vào một quán cà phê không tên trên quốc lộ 1A, thuộc huyện Bình Chánh vào giữa trưa. Cô bé tròn như “hột mít”, cao khoảng 1,4m, da ngăm, khuôn mặt non choẹt bước ra. Sau khi mời khách vào ghế, cô bé vô tư véo ngực tôi, rồi nhỏ nhẹ: “Anh trai uống gì?”. “Cà phê đá!” – tôi đáp. 3 phút sau, ly cà phê được đặt trên bàn. Chưa kịp với tay đến ly cà phê, “hột mít” đã “rơi tự do” và lọt thỏm vào người tôi. “Hột mít” lấy khăn lạnh, lau mặt, lau tay và… hôn tôi một cái… “chóc”. Mặc dù đã phần nào đoán được tuổi của “hột mít”, nhưng sau khi hỏi, tôi phải giật mình khi biết “hột mít” chỉ mới… 16 tuổi, quê ở Long An. Và càng ngạc nhiên hơn khi “hột mít” khai nhận mình đã làm “tiếp viên” hơn 1 năm nay... Sau hồi nói chuyện, “hột mít” thẳng thừng mời tôi đi “dù” với giá 100.000 đồng cho một lần… “Đồ nhà quê!”, “hột mít” thốt ra sau khi tôi từ chối “lời mời”. Liền sau đó, gã đàn ông tuổi trạc ngoài tứ tuần bước vào. “Hột mít” nhảy phốc tới, ôm cổ, đu chân lên người gã và giật điều thuốc gã đang hút, cắm lên môi “hột mít”, rít một hơi tưởng đến cháy cả cổ họng. “Hột mít” chăm sóc cho gã như đã làm với tôi. Sau khi nhỏ to tâm sự, “hột mít” đi ra khỏi quán cùng gã…

Tiếp tục chuyến “thực tế” tại quán karaoke H.V trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận. Vừa bước vào bên trong, “má mì” đã chạy ra niềm nở: “Em vừa tuyển về lớp đào mới. Không “đã”, không lấy tiền, toàn 17, 18 tuổi không à, vừa xinh vừa chịu chơi…!”. Bia và thức ăn được bày la liệt lên bàn. Những Hồng, Lan, Nhung, Huệ… toàn tên của loài hoa đẹp, lần lượt bước vào phòng karaoke với những chiếc váy là… mảnh vải được cột lại và áo xẻ cổ đến gần… rốn. Ánh đèn nê-on nhợt nhạt qua lớp ny-lon màu xanh nhưng cũng đủ nhìn rõ khuôn mặt của “đào”. Và chúng tôi tin “má mì” đã nói thật, đúng như lời quảng cáo… Không có giọng ca nào cất lên. Những bàn tay quờ quạng… không cầm micro… Cả căn phòng chỉ nghe tiếng nhạc disco, thỉnh thoảng vài cái cụng ly…“dzô”…

Vờ say, tôi lựng khựng ra ngoài và bước “nhầm” vào 2 phòng hát gần bên, phát hiện ra những “lão” khách tuổi đã vào độ “chững chạc”, tay cũng… quờ quạng… “Má mì” vội kéo tôi về lại chỗ cũ, giao cho “môi đỏ” tên Huệ. Ghì "má mì" lại, tôi tranh thủ “bốc” vài câu: “Đào chị đẹp lắm!”. “Ừ! Do chị chịu khó, cho mấy đứa xuống dưới quê “săn” mấy em trẻ, đẹp lên. Vừa tạo công việc cho tụi nó làm có tiền, mà quán xá mình cũng có cái mới, cái lạ cho khách đến chơi. Chứ để tụi nhỏ qua thời xuân sắc dưới quê bên mấy đám ruộng thì phí lắm…”. “Sao khách của chị thấy toàn là “lão” không vậy?”. “Trâu già thích gặm cỏ non mà. Tụi thanh niên còn khoái nữa, huống hồ gì mấy “lão”…!”. Dừng một tí, “má mì” tiếp tục “chào hàng”: “… mấy em ở đây được lắm, tụi em thích đứa nào tí hát xong đưa đi “chơi” luôn…”. “Bao nhiêu?”. “Tùy em, thương đào của chị bao nhiêu cho nó bấy nhiêu, nhưng thường là 400.000 đồng một đêm…”….

“Nghé” cũng đi “gặm cỏ”

Chưa hết xót xa trước thân phận của những cô gái trẻ bị dẫn dụ vào những quán cà phê, karaoke ôm…, rồi bị đẩy vào con đường mại dâm; tôi lại bàng hoàng khi chứng kiến những bé trai tuổi chừng 15, 16 đã sớm học đòi, trở thành “khách làng chơi” ở những tụ điểm trên. Giới “đào” gọi “khách làng chơi” độ tuổi này là “nghé”.

Tránh cái nóng giữa trưa, tôi vào quán cà phê “ghế đôi” lụp xụp trên quốc lộ 22, huyện Hóc Môn. Cũng những cô bé bước ra chào mời, đưa vào ghế ngồi. Với cái nóng giữa trưa, tôi đã từ chối sự “chăm sóc” của các em. Các em nguây nguẩy bỏ đi sau cái “nguýt” dài.

 img
Một "nghé" đang úp mặt vào người "đào", "nghé" còn lại ngơ ngác sau khi rời khỏi "đào"

“Nghé vào, nghé vào…!”, giật mình sau tiếng gọi ơi ới của các em “tiếp viên”, tôi nhìn ra cửa quán, hai nhóc trai có khuôn mặt non choẹt, khoảng 15, 16 tuổi bước vào. Hai “đào” chạy ra vồn vã: “Hai công tử vào đây!”. Sau khi yên vị ở bàn gần tôi, hai “nghé” được “chăm sóc” cẩn thận. Hai ly cà phê, 5 điếu thuốc lá đặt lên bàn, hai “đào” khá “đầy đặn” cùng đến và “làm nũng” với hai “nghé”. Vừa hớp một ngụm cà phê đá, châm điếu thuốc, một “nghé” liền dúi mặt vào… ngực “đào”, tay quờ quạng… “Đào” cười ngặt nghẽo. “Nghé” cùng “đào” không chút ngại ngùng trước cái nhìn chòng chọc, hiếu kỳ của tôi… “Lạ lắm sao nhìn dữ vậy ?!”, “đào” nạt. “Coi chừng “nghé” của em bị… chết ngạt đó!”, tôi đáp lại bằng một câu nửa đùa nửa thật và lân la mồi chuyện với hai “nghé”.

Sau hồi “vẽ hươu vẽ vượn”, hai nhóc cho tôi biết hiện đang học lớp 9, ở trường huyện. Khi tôi tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự “sành điệu” của hai nhóc, một “nghé” tên H… ra “dáng”: “Đến mấy quán ôm mà không ôm thì đến làm gì?!”. Không hỏi thêm, tôi cũng đoán chắc rằng, đây không phải là lần đầu tiên hai nhóc đến quán cà phê ôm này. Câu chuyện sau đó được hai “nghé” chuyển sang phần “tranh luận” về đề tài phim… sex. Hai “nghé” thay phiên nhau “bình phẩm” phim sex nước nào hay hơn..., nhưng tay vẫn không ngừng “hoạt náo” trên… ngực “đào”. Trước khi rời khỏi quán cà phê, hai “nghé” còn nhiệt tình chỉ điểm cho tôi “tham khảo” thêm… vài quán cà phê ôm và cà phê phim sex trên khu vực này.

Hãy cứu những đứa trẻ!

Thượng tá Nguyễn Minh Thông, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP.HCM cho biết: hầu hết trẻ em vị thanh niên hoạt động trong các đường dây, ổ mại dâm ở TP.HCM thường từ các tỉnh miền Tây lên. Xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, các em lên thành phố tìm việc làm, nhưng bị kẻ xấu dẫn dụ vào các đường dây môi giới, ổ mại dâm và trở thành nạn nhân.

Sau khi phá án và phát hiện một số trẻ em bị liên quan đến các đường dây mại dâm, ngành công an đã đưa các em về các trung tâm tập trung giáo dục, dạy nghề và cho hồi gia. Mặc dù ngành đã cố gắng, nhưng tệ nạn này vẫn chưa thuyên giảm. Còn làm thế nào để chấm dứt tình trạng này, thì cần có sự đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục từ các gia đình, nhà trường. Sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành và quần chúng nhân dân, ngành công an không thể đơn độc trên mặt trận này.