Ông thứ trưởng “mạnh tay”

Không chỉ mạnh tay khi gây gổ ở bên ngoài, ông Nguyễn Việt Tiến còn mạnh tay với đồng nghiệp và mạnh tay khi sắp xếp công việc cho người thân quen

Mặc dù bị cấp dưới của mình đăng đàn “sỉ vả” trên báo chí nhưng người đứng đầu Bộ GTVT Đào Đình Bình vẫn thừa nhận ông Nguyễn Việt Tiến là một người quyết đoán, có năng lực. Nhưng đôi khi chính cái sự quyết đoán mang tính bốc đồng ấy dẫn đến những nhiệm vụ “bất khả thi”, lính lác chạy theo không kịp. Nói theo ngôn ngữ của bộ trưởng Đào Đình Bình là đôi khi hơi... “mạnh tay”.

Cái sự “mạnh tay, mạnh chân” mà ông Bình nói, không biết ở khía cạnh nào? Trong công việc, hay trong cuộc sống? Nhưng có điều chắc chắn, ông Tiến là trường hợp duy nhất từ xưa đến nay mà khi chuẩn bị đề bạt lên cấp thứ trưởng phải giải trình về 4 vụ gây gổ đánh nhau. Năm 1993, trong một buổi tiệc, mượn cớ say rượu, ông Tiến đã gây gổ với đồng nghiệp tại Khu Quản lý đường bộ 2. Vụ ầm ĩ nhất mà báo chí đã thông tin nhiều: Năm 1994, ăn uống tại nhà hàng Thu Hằng, sau đó cùng 7 người khác quậy phá, gây rối trật tự công cộng, đấm gãy răng chủ quán, đã bị Công an quận Ba Đình tạm giữ 3 đêm 2 ngày, nhóm gây rối phải đền bù 5 triệu đồng cho người bị hại. Năm 1995, làm việc với địa phương, khi có ý kiến không đồng tình với ý kiến cá nhân, lợi dụng vai trò chủ đầu tư, quản lý vốn, ông đã hắt bia vào người phó giám đốc Sở GTVT Long An. Năm 1996, gây gổ, có hành vi không văn hóa với phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Bắc Mỹ Thuận...

Một vụ ầm ĩ khác cũng được nhắc đến nhiều là vụ gây lộn ở quán phở số 2 Nguyễn Du - Hà Nội vào ngày 23-12-1996. Kết quả là đã xảy ra vụ gây lộn ầm ĩ góc phố khiến CS 113 rồi công an phường phải đến giải quyết.

Tóm lại, ông Tiến một mặt là con người lịch duyệt, chịu chơi nhưng mặt khác cũng sẵn sàng nói chuyện bằng nắm đấm.

Ông Nguyễn Việt Tiến chỉ có một vài hành động nhỏ trái ngược với tính cách dám làm dám chịu của mình: Khi bị Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm, ông đã rũ sạch trách nhiệm. Rằng mình là thứ trưởng có nghĩa cũng chỉ là loại giúp việc cho bộ trưởng chứ có quyền hành gì, có quyết được gì.

Trong cơ quan, không biết có phải “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hay không nhưng nhiều cán bộ Bộ GTVT cho biết khi nóng lên, ông Tiến sẵn sàng nói sỗ với cả cấp trên trực tiếp của mình. Thậm chí trong một cuộc họp, ông Tiến còn nói “xóc” một cách vỗ mặt vị bộ trưởng, đại ý tôi cũng thích làm bộ trưởng. Ở khía cạnh khác, ông Tiến cũng là người biết lo cho người thân thiết theo nghĩa “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Khi về làm tổng giám đốc đầu tiên của PMU 18, ông vụ phó Nguyễn Việt Tiến kéo theo “đệ tử”-chuyên viên Bùi Tiến Dũng theo về làm phó văn phòng. Khi lên làm thứ trưởng, ông tìm mọi cách cho Dũng thế chỗ mình. Thư ký Nguyễn Việt Bắc cũng được ông tác động, kiếm cho chiếc ghế phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư đường cao tốc VN. Còn đối với những người nhà khác, ông lo cho cháu ruột mình là Nguyễn Ngọc Long làm phó tổng giám đốc PMU 18. Để mở đường cho Long, ông đề xuất với bộ trưởng cho phép người cháu khác là Nguyễn Ngọc Thạch đang từ phó tổng giám đốc PMU 18 vào làm phó tổng giám đốc một BQL dự án khác ở phía Nam...

Bộ trưởng Đào Đình Bình nên từ chức

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh “khi để xảy ra tham nhũng, phải có chế tài xử lý buộc thôi chức vụ đối với người đứng đầu”. Người dân cả nước đã bàng hoàng trước những cuộc chơi quá lố của các quan thuộc PMU18 Bộ GTVT, và nay họ lại đang mệt mỏi nhìn quả bóng trách nhiệm đang được bật tường qua lại giữa bộ trưởng Đào Đình Bình và thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến.

Không bàn đến việc ai chịu trách nhiệm chính trước những cuộc chơi quá hớp của Bùi Tiến Dũng, xét riêng về bộ trưởng Đào Đình Bình, tôi cũng thấy nổi lên nhiều vấn đề về hai chữ “trách nhiệm”. Còn nhớ vụ tai nạn tàu E1 ở Lăng Cô ngày 21-3-2005 làm chết và bị thương hơn 80 người. Người thân của nạn nhân và nhân dân cả nước bàng hoàng trước tai nạn thảm khốc này. Trong thời điểm nguy kịch đó, với tư cách là người đứng đầu ngành, bộ trưởng Bình phải có mặt để điều hành xử lý công việc, nhưng rất tiếc là lúc đó bộ trưởng lại bận... tắm bùn ở Nha Trang. Vụ án tiêu cực của Bùi Tiến Dũng nóng từng ngày, người dân ngày càng hoang mang trước những sai phạm và các cá nhân có vai vế “bự” trong ngành GTVT bị “dính chùm” thì bộ trưởng Bình lại biến mất, lẩn tránh công luận. Mãi cho đến ngày 29-3-2006, trước đề nghị liên tiếp của đông đảo phóng viên báo chí, bộ trưởng mới xuất hiện, và sự việc lại càng rối thêm sau những phát biểu của bộ trưởng.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh “xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thủ trưởng phải từ chức”. Như thế là quá rõ ràng. Vấn đề bây giờ là bộ trưởng Bình không nên tìm cách thoái thác trách nhiệm của mình nữa. Trước những gì đã xảy ra, bộ trưởng Đào Đình Bình nên dũng cảm từ chức.

Tạ Tư Vũ (TPHCM)