Sai phạm tại CNS: Đổ lỗi "kế thừa tiền nhiệm"

Cựu tổng giám đốc CNS khai việc chi khen thưởng cho người bên ngoài đã được các đời lãnh đạo trước thực hiện

Ngày 29-5, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm 10 bị cáo từng là các lãnh đạo, cán bộ thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (CNS) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Thất thoát hơn 20 tỉ đồng

Cáo trạng thể hiện CNS là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP HCM. Từ năm 2015 - 2018, các bị cáo quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng của CNS gây thất thoát 17,3 tỉ đồng; thoái vốn sai quy định tại Công ty CP TIE (công ty con của CNS) gây thất thoát gần 4,7 tỉ đồng.

Về sai phạm trong quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng của CNS, các bị cáo đã lập 101 hồ sơ chi khen thưởng nhưng không có danh sách ký nhận từ các cá nhân (người bên ngoài CNS) được khen thưởng. Đồng thời, danh sách nhận khen thưởng cũng không nêu rõ thành tích hỗ trợ, đóng góp của những người này cho CNS theo quy định.

Trước tòa, bị cáo Đỗ Văn Ngà (cựu kế toán trưởng CNS) khai việc chi khen thưởng được thực hiện theo "lệ" mà các lãnh đạo tiền nhiệm của CNS đã thực hiện từ khi thành lập CNS vào năm 2006. Bị cáo Chu Tiến Dũng (cựu Tổng Giám đốc CNS) thừa nhận cách chi khen thưởng như bị cáo Ngà đã nêu và xác nhận quỹ khen thưởng được trích từ lợi nhuận sau thuế.

HĐXX hỏi tại sao bị cáo nhận thức được đây là cách làm không phù hợp pháp luật mà vẫn làm, ông Dũng trả lời việc chi như trên đã được các đời lãnh đạo trước thực hiện. "Không ai chỉ cho các bị cáo thấy cái sai, lãnh đạo trước vẫn làm như thế nên cứ nghĩ là đúng nên làm theo" - bị cáo Dũng trần tình.

Chủ tọa phiên xử nhận định rằng bị cáo kỳ vọng sẽ chi cho các đơn vị, cá nhân ở ngoài để họ giúp CNS phát triển nhưng rồi tiền không đến tay họ. Đáng lẽ phải kiểm tra xem họ mang lại hiệu quả gì cho CNS thì mới chi, thậm chí phải kiểm tra giấy tờ cá nhân của họ, tránh trường hợp tiền không đến đúng người. Theo chủ tọa, đây chính là lỗ hổng làm thất thoát tiền của nhà nước.

Sai phạm tại CNS: Đổ lỗi kế thừa tiền nhiệm - Ảnh 2.

Bị cáo Đỗ Văn Ngà (bìa phải) và Chu Tiến Dũng (giữa)

"Thoái vốn để chặn rủi ro"

Nghe HĐXX phân tích, bị cáo Dũng nói rất đau lòng, ân hận vì chưa sâu sát trong công tác quản lý, hiểu biết về pháp luật chưa đầy đủ nên mới để xảy ra những sai phạm như vậy. Tuy nhiên, cựu tổng giám đốc CNS cho rằng việc cáo trạng quy kết mình chủ mưu trong vụ án là rất nặng nề.

Luật sư bào chữa cho bị cáo tham gia xét hỏi đã nêu nội dung cơ quan điều tra đi xác minh 29/101 tờ trình ghi rõ nơi nhận tiền thưởng nhưng những nơi này đều trả lời là không nhận được tiền thưởng. Về điều trên, ông Dũng lý giải việc chi thưởng là hình thức tri ân những người ngoài CNS đã đóng góp cho công ty. "Trên thực tế của xã hội thì những việc này rất khó để bắt người ta ký nhận vì đây là hành động tự nguyện của CNS. Mong HĐXX xem xét".

Về lý do tại sao từ năm 2016-2018 mà CNS vẫn chưa ban hành quy chế mới theo Nghị định 91/2015, ông Dũng cho rằng Nghị định 91 có khác biệt so với Nghị định trước đó là phải quy định mức thưởng dựa vào quy chế sử dụng quỹ. Trong khi đó, vì nhiều lý do, CNS chưa ban hành quy chế chứ không phải cố tình không chịu ban hành quy chế.

"Trong điều kiện tổng công ty chưa ban hành quy chế thì vẫn tiếp tục thực hiện như thường lệ, đó là hoạt động công khai, minh bạch... Do nhiều điều kiện khách quan, chủ quan nên bị cáo cũng chưa trình HĐTV để ban hành quy chế mới bởi vì còn đang chờ yếu tố để bảo đảm tính đồng bộ" - ông Dũng phân trần.

Về sai phạm thoái vốn, cáo trạng cáo buộc lãnh đạo CNS đã chỉ đạo người đại diện góp vốn xây dựng phương án thoái vốn tại TIE vào ngày 21-3-2016 và 27-12-2016. Tuy nhiên, các cá nhân lãnh đạo CNS đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND TP HCM trong việc quản lý vốn tại TIE.

Cựu Tổng Giám đốc CNS cho rằng một trong những lý do khách quan CNS thoái vốn tại TIE trong bối cảnh báo cáo tài chính năm 2015 của TIE thể hiện hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty này rất thấp, giá cổ phiếu trên thị trường liên tục giảm. Do đó, việc thoái vốn là hành động bảo vệ nguồn vốn của chủ sở hữu, là cách làm tốt nhất để ngăn chặn rủi ro, chặn giá cổ phiếu đi xuống đồng thời ngăn chặn nguy cơ công ty này thua lỗ. Bằng chứng năm 2016, TIE thua lỗ. Đến 2019, giá cổ phiếu của TIE sập sàn, không thể bảo đảm niêm yết. Điều đó cho thấy chủ trương thoái vốn là đúng.

"Những hành động mà bị cáo tham mưu cho HĐTV là để được quyền lợi, lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp" - ông Dũng nói.

Phiên xét xử dự kiến kéo dài đến ngày 31-5.

Nhiều dấu hiệu vi phạm khác

Ngoài 2 hành vi vi phạm pháp luật trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn điều tra một số hành vi vi phạm pháp luật khác xảy ra tại CNS và 4 công ty con.

Trong đó, có các hành vi như CNS mở thẻ tín dụng và chi tiền thanh toán chi phí sử dụng thẻ cho 9 lãnh đạo; CNS chi tiền thanh toán chi phí chuyến đi công tác nước ngoài của ông Chu Tiến Dũng; ông Chu Tiến Dũng nhận 3,6 tỉ đồng "chăm sóc khách hàng" từ Công ty Bảo hiểm thông qua việc chỉ đạo mua bảo hiểm nhân thọ trái pháp luật cho người lao động tại CNS.