Sống cùng tử thi

Tất cả họ đều là bác sĩ, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ y khoa, nhưng hầu như cả đời hành nghề y, họ toàn phải làm việc với các tử thi mà kinh khủng hơn phần nhiều lại là những tử thi đã ở vào giai đoạn phân hủy, tức là đã trương hay thối rữa. Nơi làm việc của họ là những nơi không ai muốn tới, chỉ có máu và lúc nào cũng lạnh lẽo khói nhang. Nhưng kỳ lạ là chẳng có ai bỏ nghề cả và tất cả họ đều nói về công việc với một thái độ say sưa đến nể phục...

Làm cho các tử thi lên tiếng- Một hành trình đầy khó nhọc

Pháp luật đã giao cho các bác sĩ pháp y một nhiệm vụ nặng nề và cực kỳ khó khăn, đó là phải làm sao để các tử thi lên tiếng. Tiếng nói của các tử thi sẽ tố cáo kẻ phạm tội, xóa bỏ các nghi hoặc và trong nhiều trường hợp còn minh oan cho người vô tội. Trung tá - bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, giám định viên cao cấp, tổ trưởng tổ giám định pháp y Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Hà Nội, đầy tự hào nói với tôi rằng tổ giám định của ông đã giám định hàng ngàn tử thi mà chưa có trường hợp nào kết luận nhầm hoặc có sai sót, dù là rất nhỏ.

Còn nhớ một vụ án đã từng gây xôn xao Hà Nội cách đây một vài năm, đó là vụ giết người đốt xác ở thị trấn Sóc Sơn. Hôm đó là ngày 7-3-2002, vào buổi chiều muộn, khi các sĩ quan thuộc tổ giám định pháp y Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP Hà Nội đang chuẩn bị ra về thì nhận được tin báo phải đi... khám nghiệm tử thi. Hiện trường là một ngôi nhà cấp 4 ở tổ 12, thị trấn Sóc Sơn, chủ nhà là ông Phan Văn Lương. Theo ghi nhận ban đầu của công an địa phương, vào khoảng 15 giờ chiều, những người dân sống quanh khu vực nhà ông Lương phát hiện nhà ông phát hỏa, khói đùn lên thành từng đụn và lửa đã bắt đầu sém đến mái. Dân chúng đã hò nhau cứu hỏa, đồng thời báo với chính quyền địa phương. Khi đội khám nghiệm hiện trường đến thì hầu hết các đồ đạc trong nhà ông Lương đã bị thiêu rụi, trong đó có một chiếc thùng đựng thóc. Không gian đặc quánh mùi khói và nồng nặc mùi khét lẹt của... thịt cháy. Quả đúng là bên trong thùng thóc đó, ngoài rất nhiều chăn màn đã thành tro là xác một người con gái cởi trần, thi thể đã bị cháy nhiều chỗ. Tuy vậy, gia đình ông Lương vẫn nhận diện được cô Trần Thị Vui, sinh năm 1980, là cháu họ của ông Lương từ trên Phổ Yên, Thái Nguyên xuống ở cùng gia đình. Bốn bác sĩ pháp y đã cùng nhau kéo tử thi ra khỏi thùng và công việc khám nghiệm được bắt đầu. Họ tỉ mỉ, cẩn trọng với từng dấu vết để lại bên ngoài và bên trong tử thi, kể cả những vùng da thịt đã bị cháy. Kết quả khám ngoài và giải phẫu tử thi cho thấy, vùng sinh dục của tử thi bị tổn thương, màng trinh bị rách, vùng cổ có những vết tụ máu, trong khí quản không có bụi than... Cuối cùng sau 4 giờ khám nghiệm, những bác sĩ pháp y đã nói được tiếng nói của người chết rằng, Vui đã bị hiếp, sau đó bị bóp cổ cho đến chết, rồi mới bị đốt. Bởi nếu cô bị chết cháy thì trong khí quản phải có bụi than. Từ kết luận của pháp y, cơ quan điều tra đã khoanh vùng được thủ phạm trong số những đối tượng thân thiết hoặc có quen biết với cô Vui hoặc gia đình ông Lương. Sau này, khi Trần Trung Nghĩa - cháu họ ông Lương - bị bắt, y đã thú nhận quá trình hiếp, giết và đốt xác cô Vui đúng như kết luận của các bác sĩ pháp y. Ấy là vào trưa hôm 7-3, y đến chơi nhà ông Lương nhưng cả nhà đi vắng chỉ một mình Vui ở nhà. Thấy cô xinh xắn, mỡ màng nên y nảy sinh ý định tà dâm. Bị Vui phản úng quyết liệt nên y đã bóp cổ cô cho đến chết, rồi sau đó vùi xác cô vào thùng đựng thóc để ở góc nhà và chất đầy chăn màn lên để đốt xác nhằm phi tang.

Nhưng vụ án đáng nhớ nhất đối với đội pháp y Công an Hà Nội có lẽ vẫn là vụ giết người cướp tiệm vàng Kim Sinh. Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn và thạc sĩ Nguyễn Quốc Hải là người trực tiếp khám nghiệm tử thi vụ này. Bác sĩ Tuấn còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy. Đó là một ngày hè nóng như thiêu như đốt. Ông và thạc sĩ Hải khi đến hiện trường thì mùi tanh nồng của máu và mùi thối của tử thi đã nồng nặc căn nhà, dù rằng các nạn nhân mới bị giết hồi đêm nhưng do thời tiết quá nóng nên mới dậy mùi khủng khiếp như vậy. Và, mặc dù đã nhiều năm làm pháp y, thường xuyên tiếp xúc với xác chết nhưng lần này bác sĩ Tuấn vẫn sởn da gà khi thấy nhiều tử thi ở trong một căn phòng nhỏ. Có đến 4 xác chết nằm cách nhau không bao xa, mà xác nào cũng bê bết máu và chi chít các vết đâm chém. Một nhiệm vụ nặng nề mà Ban Chuyên án đặt ra cho bộ phận pháp y là căn cứ các dấu vết trên tử thi để xác định xem 4 nạn nhân bị chết vì nguyên nhân gì và các vết thương trên người họ do những loại hung khí nào gây ra. Sau khi khám nghiệm, xem xét, đo đạc tỉ mỉ hàng trăm vết thương trên 4  nạn nhân, kết luận pháp y đã chỉ ra rằng cả 4 nạn nhân đều chết do mất máu và tất thảy các vết thương trên thi thể họ đều do cùng một loại hung khí gây ra, đó là con dao nhọn một lưỡi. Từ kết luận pháp y này, cơ quan điều tra đã đi đến một nhận định rất đúng hướng rằng, đây là một vụ án cướp của giết người và thủ phạm chỉ có một tên chứ không phải một nhóm. Sau này, tên Nguyễn Văn Châu - hung thủ gây ra ra chết của 4 nạn nhân - đã khai nhận đúng như vậy.

Chuyện xảy ra tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Trong một khu rừng rậm, cách bản người Thái trắng một ngày đường, có một con gấu rất hay xuất hiện khiến dân bản rất sợ đi rừng mà oái oăm ở chỗ rừng lại là nguồn sống chính của họ. Một cụ già trong bản đã quyết tâm vào rừng bẫy gấu và cụ không hề biết rằng có hai chàng trai khác, trong đó có một người là cháu họ của cụ già cũng vào rừng với mục đích như cụ. Hai chàng trai ở trên đỉnh núi, thấy bụi cây phía trước có vật gì đó động đậy. Tưởng là con gấu, họ đã giương súng lên bắn mà không ngờ được đó chính là cụ già đang trên đường tới đỉnh núi như họ. Cái chết của cụ già đã làm họ vô cùng hốt hoảng. Hai chàng trai đã bàn nhau cử người cháu họ ở lại trông xác cụ già còn người kia thì chạy về bản báo cho dân làng đến giúp. Nhưng sáng hôm sau khi dân bản tới nơi thì người cháu họ cũng đã chết bởi một phát đạn xuyên từ cằm đến đỉnh đầu. Một câu hỏi đặt ra nhưng không có lời đáp: Ai đã bắn chết anh ta nếu không phải chính là người đồng hành nọ? Và, người thanh niên còn sống sót trong 3 người vào rừng săn gấu đã phải sống rất khổ sở trong nỗi nghi hoặc chết người ấy suốt 5 năm ròng cho đến khi các bác sĩ pháp y của Viện Khoa học Hình sự tìm đến hiện trường và khai quật tử thi. Bằng kiến thức nghiệp vụ, các giám định viên đã kết luận người thanh niên nạn nhân đã tự sát bằng cách tự dùng súng bắn vào cằm mình, căn cứ vào những dấu vết thương tích do đường đạn còn để lại trên bộ xương. Có thể sau khi bắn nhầm vào chú mình, anh ta đã quá ân hận và sợ hãi nên đã tự tìm đến cái chết. Và như vậy, sau 5 năm, nỗi hàm oan của người bạn đồng hành với nạn nhân mới được gỡ bỏ nhờ vào kết luận của các giám định viên pháp y.

Những nỗi khổ không dám tỏ cùng ai...

Nơi làm việc của các bác sĩ pháp y Phòng Khoa học Hình sự Công an TP Hà Nội là một căn phòng rộng chừng 20 m2, thấp lè tè ở tầng trệt trụ sở cảnh sát của Công an TP, số 40 Hàng Bài. Quả thực là điều kiện làm việc của họ thực sự khó khăn và nguy cơ bị lây nhiễm bệnh tật từ tử thi là một mối lo có thực. Thiếu tá - bác sĩ Ngô Minh Chính bảo: "Khám nghiệm tử thi thối rữa là chuyện thường ngày, anh em ở đây sống chung với tử thi nên quá quen với các loại mùi hôi thối''. Mới đây, nhất là vụ khám nghiệm một tử thi chết dưới cống ngầm ở thôn Ái Mộ, Gia Lâm hồi cuối tháng 1-2004. Khi bị phát hiện, tử thi đã ở vào giai đoạn phân hủy, xác trương phềnh lên to gấp mấy lần bình thường, ong ỏng nước và thi thể hoàn toàn biến dạng. Mấy bác sĩ pháp y đã cùng với lực lượng công an địa phương phải chui vào lòng cống, kéo cái tử thi đã thối rữa ấy lên mà khám nghiệm xem chết vì nguyên nhân gì, bị giết hay tự tử... Mỗi ca khám nghiệm như thế ít nhất phải mất vài giờ, có khi kéo dài cả nửa ngày và ngần ấy thời gian họ phải làm việc trong mùi hôi thối, trong ruồi bu kiến đậu mà người nào không quen hoặc mới vào nghề có khi sau đó phải bỏ ăn đến cả tuần... Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn bảo, hồi đi khám nghiệm vụ giết người cướp của ở Từ Liêm, tử thi bị giết đến hằng tháng sau mới được phát hiện nên giòi làm tổ nhung nhúc trong đó. Mấy anh em đi khám nghiệm về, dù đã tắm rửa thay quần áo, tân trang xong xuôi mà vẫn thấy mùi thối lẩn quất quanh mình. Tìm mãi, cuối cùng mới phát hiện ra căn nguyên, thì ra họ quên chưa làm vệ sinh lỗ mũi và mùi thối trú ngụ ở trong đó. Một người bạn tôi có thâm niên trong nghề kỹ thuật hình sự đã quả quyết rằng, chuyện nhiều anh làm pháp y bị vợ bỏ là có thật và không phải quá hiếm. Có anh làm pháp y nhưng đã phải nói dối vợ là mình làm ''săn bắt cướp''. Cho đến một lần anh này đi khám nghiệm bị một người quen của vợ tận mắt nhìn thấy về kể lại, cả vợ anh lẫn cha mẹ xúm lại bắt anh phải... bỏ nghề. Chung quy cũng chỉ tại nghề này điều kiện làm việc độc hại quá mà lại nghèo. Một lần khám nghiệm tử thi hôi thối thế, độc hại thế, trách nhiệm nặng nề thế mà bồi dưỡng theo chế độ chung chỉ vẻn vẹn có 80.000 đồng.

Nhưng anh em pháp y của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Hà Nội bảo, họ không sợ hôi thối bằng lây nhiễm HIV từ tử thi. Mấy năm gần đây, pháp y Hà Nội phải khám nghiệm quá nhiều những xác chết do sốc ma túy mà nạn nhân phần nhiều là bị nhiễm HIV. Trong khi ở các bệnh viện lớn, các bác sĩ khi tiếp xúc với tử thi bị nhiễm HIV được trang bị áo giấy, khẩu trang, kính mắt, 3-4 lần găng tay để đề phòng lây nhiễm thì các bác sĩ pháp y của Công an Hà Nội chỉ tự bảo vệ mình bằng mỗi găng tay. Mà lượng găng tay cấp phát cũng không đủ dùng, nhiều khi họ phải đi mua hoặc đi xin đồng nghiệp ở các bệnh viện. Quần áo mặc khi khám nghiệm thay vì  phải hủy bỏ thì họ lại phải giặt đi để dùng lại. Họ không được cấp phát áo giấy, khẩu trang giấy mà chỉ được cấp phát áo blouse vải, khẩu trang vải mỗi năm 2 bộ, nếu cứ khám nghiệm xong rồi hủy thì lấy đâu ra mà mặc?

Thế nhưng có một điều đáng nể là không ai trong số các bác sĩ pháp y mà tôi tiếp xúc có ý định thuyên chuyển công tác. Họ bảo họ quen nghề rồi và dù vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng những gì họ làm được đã góp phần đáng kể trong cuộc hành trình tìm ra sự thật của các vụ án. Đây chính là niềm vui của họ, là niềm tự hào của họ và là ngọn lửa của sự đam mê khiến họ gắn bó với nghề...