Sự im lặng chết người
Nhà nghèo, mỗi tháng, cha mẹ N.V.Q.Đ (sinh viên một trường cao đẳng) chỉ gửi đủ tiền ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Vì thế, ngoài việc học, Đ. còn tranh thủ đi làm thêm để trang trải cuộc sống nhưng vẫn cố gắng hoàn thành tốt bài vở.
Trong một tiết thực hành tại khoa, thấy có cây tuốc-nơ-vít nằm trên bàn L.V.T giống với cây của Đ. mới mua hôm qua, nghĩ là của mình, Đ. yêu cầu T. trả lại nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng.
Vì vậy, Đ. càng cho rằng cây tuốc-nơ-vít trên bàn T. là của mình nên 3 ngày tiếp sau đó, Đ. tiếp tục đòi và T. vẫn lại không nói gì. Bực mình, Đ. gay gắt: “Có cây tuốc-nơ-vít mà cũng tham”. Vừa dứt lời, Đ. bị T. dùng ghế đánh vào đầu.
Vừa đau vừa giận, Đ. gọi điện thoại cho người bạn tên H. kể lại sự việc. Bênh bạn, H. chạy lên phòng học, thấy Đ. bị thương nên xông tới hỏi T. vì sao đánh Đ. Vẫn không thèm trả lời, T. lăm lăm cây tuốc-nơ-vít quơ qua quơ lại, H. xấn tới chỗ T.
Cả hai giằng co. Thấy vậy, Đ. chụp cây tuốc-nơ-vít khác chạy đến định giải vây cho H.
“Bị cáo đâm một nhát vào hông để dọa T. nhưng thấy T. bật dậy định tấn công, hoảng quá, bị cáo đâm tiếp một nhát vào đầu T.”. Đ. líu ríu khai trước tòa. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong tại bệnh viện do chấn thương sọ não.
Sau khi đâm T., Đ. sững người, ném cây tuốc-nơ-vít xuống đất, chạy theo H. ra khỏi cổng trường. Một năm sống lang thang khắp nơi, Đ. bị bắt sau đó, riêng H. vẫn đang bị truy nã. Bào chữa cho bị cáo, luật sư cho rằng: “Đó là một sự việc hoàn toàn không do chủ ý của Đ., hành vi ấy chỉ là bộc phát”.
Tại tòa, mẹ T. nhỏ nhẹ xin khoan hồng cho Đ.chỉ vì thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của gia đình Đ. và vì “gia đình Đ. đã ra tận quê thắp cho T. một nén nhang thay con trai nói lời xin lỗi”.
Hôm ấy, dù đã thật trưa nhưng hàng trăm người dân tham dự phiên tòa lưu động của TAND TPHCM vẫn nán lại đến giờ tuyên án. Mức án 20 năm tù về tội giết người đã dành cho Đ. cơ hội để có thể làm lại cuộc đời, dù muộn.