Tổng giám đốc Trần Văn Khánh bòn rút 3,46 tỉ đồng

Lộ diện hai DNTN móc nối với ông Trần Văn Khánh để rút ruột công quỹ

Sau 22 tháng kể từ ngày khởi tố, bắt giam ông Trần Văn Khánh, tổng giám đốc Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (gọi tắt là tổng công ty), ngày 18-9, VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can này và đồng phạm Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Thành Lợi (gọi tắt là Công ty Thành Lợi), về các tội “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Trước đó, ngày 16-9, ông Hiếu đã được cho tại ngoại chờ xét xử.

img

Ông Trần Văn Khánh lúc bị khởi tố, bắt tạm giam (30-11-2007). Ảnh: T.LÂN


Bán giá thấp, mua lại giá cao


Cáo trạng xác định: Trong hai năm 2002 và 2003, tổng công ty đã ký nhiều hợp đồng nhập khẩu phân urê, toàn bộ số phân nhập về đã được bán hết cho các doanh nghiệp trong nước nhưng để đút túi toàn bộ lợi nhuận, ông Trần Văn Khánh và ông Nguyễn Văn Hiếu đã lập khống các hợp đồng bán phân urê với giá thấp, sau đó lập hợp đồng mua lại với giá cao để tạo chênh lệch, hưởng lợi.


Cụ thể, tháng 8-2003, tổng công ty nhập về 2 tàu 11.000 tấn phân urê, trong đó hơn 6.000 tấn đã bán hết cho 9 doanh nghiệp trong nước. Sau đó ít ngày, ông Khánh ký hợp đồng bán cho Công ty Thành Lợi 11.000 tấn urê với giá hơn 2,66 triệu đồng/tấn, tổng cộng là 29,31 tỉ đồng. Công ty Thành Lợi được mua hơn 4.941 tấn, trị giá 13,1 tỉ đồng. Sau đó, ông Khánh và ông Hiếu ký tiếp hợp đồng, lần này theo chiều ngược lại: Tổng công ty mua của Công ty Thành Lợi 6.000 tấn phân urê với giá 2,79 triệu đồng/tấn. Chỉ bằng thủ thuật đơn giản này, ông Khánh đã chiếm đoạt tiền Nhà nước hơn 749,3 triệu đồng.


Chưa hết, ông Khánh còn rút ruột công quỹ bằng cách ghi lùi thời hạn số 4.941 tấn urê thực bán cho Công ty Thành Lợi để tạo chênh lệch giá. Căn cứ vào sổ theo dõi hợp đồng mua bán phân urê năm 2003 của tổng công ty, tại thời điểm mua bán nói trên (tháng 11-2003), giá bán phân urê của tổng công ty này là 2,85 triệu đồng/tấn nhưng ông Khánh thông đồng với ông Hiếu ghi lùi thời điểm bán là cuối tháng 8-2003 với giá 2,665 triệu đồng/tấn, qua đó hưởng chênh lệch hơn 914 triệu đồng.


Trong hơn 1,66 tỉ đồng “ăn” được kể trên, ông Hiếu được ông Khánh chia cho 5%. Trong quá trình hầu tra, ông Khánh khai ông ta còn thỏa thuận với 2 giám đốc DNTN khác để rút ruột tiền Nhà nước bằng các xảo thuật tương tự. Đó là Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Cường (Hà Nội) và Công ty TNHH Lam Sơn (Hải Phòng). Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ việc, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) đã quyết định tách hành vi này để điều tra, xử lý sau.


Đủ kiểu “ăn” tiền Nhà nước


Cáo trạng xác định: Ông Trần Văn Khánh đã lợi dụng chức vụ để ký hợp đồng cho ông Nguyễn Văn Hiếu thuê khách sạn 120 Quán Thánh và cho ông Hiếu thuê chiếc ô tô Mercedes 420 biển số 29N-6066 với giá “hời”. Cụ thể, ông Khánh thỏa thuận cho ông Hiếu thuê khách sạn 120 Quán Thánh với giá 15.000 USD/tháng (tương đương 225 triệu đồng). Tuy nhiên, trên hợp đồng, ông Hiếu chỉ phải trả 50 triệu đồng/tháng, 175 triệu đồng còn lại ông Khánh đút túi. Lấy lý do khách sạn xuống cấp, Công ty Thành Lợi bỏ tiền sửa chữa, sau đó được tổng công ty thanh toán cho hơn 4 tỉ đồng. Từ tháng 9-2005 đến 3-2006, ông Khánh đã đút túi riêng hơn 1,22 tỉ đồng nhờ cho thuê khách sạn. Tiếp đó, tháng 3-2006, cả hai ông ký bổ sung hợp đồng, nâng giá cho thuê lên 100 triệu đồng/tháng, số tiền ông Hiếu phải trả riêng cho ông Khánh vẫn không đổi, tổng cộng là 500 triệu đồng.


Ngoài ra, năm 2004, ông Trần Văn Khánh lấy 1,9 tỉ đồng của tổng công ty mua chiếc ô tô Mercedes 420 biển số 29N-6066. Để tìm cách hoàn trả số tiền mua xe, ông Khánh lập hợp đồng cho Hiếu thuê chiếc xe nói trên với giá 48 triệu đồng/tháng (chưa kể thuế GTGT). Tiếp đó, nhằm hợp thức hóa, ông Khánh bày ông Hiếu lập công văn với nội dung “Công ty Thành Lợi đề nghị tổng công ty cho vay 1,9 tỉ đồng trong 1 năm với lãi suất 0,85%/tháng”.

Bằng cách này, ông Khánh đã thanh toán hoàn vốn cho tổng công ty số tiền mua ô tô. Sau đó, ông Khánh lại ký hợp đồng thuê lại chiếc xe này cho tổng công ty với giá 1,056 tỉ đồng (từ cuối tháng 10-2004 đến cuối tháng 6-2006). Ông Khánh còn nhờ em rể đứng tên mua lại chiếc xe từ ông Hiếu với giá 1,1 tỉ đồng. Nhờ tân trang lại chiếc xe này trước khi biến thành của riêng, ông Khánh “ăn” thêm 161 triệu nữa. Tổng số tiền tổng giám đốc Trần Văn Khánh đã bòn rút của Nhà nước được các cơ quan pháp luật xác định là 3,46 tỉ đồng.

Nhiều cán bộ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong 2 năm điều tra, một số lãnh đạo và nhân viên của tổng công ty đã được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, như phó tổng giám đốc Phạm Văn Hiền, trưởng Ban Kiểm soát Nguyễn Thế Bậng, trưởng Phòng Kinh doanh XNK Lê Thị Mai Hương, trưởng Phòng Tài chính - Kế toán Phạm Ngọc Sơn. Cơ quan điều tra xác định hành vi phạm tội của những cá nhân này đã rõ nhưng họ là cấp dưới, phải làm theo chỉ đạo của cấp trên (tổng giám đốc Trần Văn Khánh), đồng thời không được hưởng lợi gì.