Trở về từ hai bản án tử hình

Nhiều người trong nhà chạy ra rồi sững lại, không ai tin vào mắt mình. Mẹ Hải thốt lên: “Con được tha hay vượt ngục?”. Hải nấc nghẹn: “Con được tự do rồi, con không giết người. Con được giải oan rồi!”

Chiều 15-6, tử tù Nguyễn Thanh Hải được gọi ra khỏi nơi giam giữ với tâm trạng lo âu. Khi nghe cán bộ quản giáo thông báo “Hôm nay anh được tự do”, nước mắt vui sướng đã lăn dài trên má người từ cõi chết trở về.

Ngày về lặng lẽ

Bước ra khỏi cửa trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang, Hải chưa thể định hướng đâu là đường về nhà mình và phải về bằng cách nào, khi trong túi không có một xu. Hải đưa giấy ra trại cho một người chạy xe ôm, nhờ chở đến địa chỉ ghi trong đó vì anh không còn nhớ nhà mình ở đâu, cũng không biết chữ để đọc.

Chiếc xe ôm dừng lại trước cổng nhà số 36 Lý Thường Kiệt B, phường 5, TP Mỹ Tho. Hải không dám bước vào vì không biết có phải là nhà mình hay không. Người chạy xe ôm gọi lớn: “Ở nhà này có người nào tên Hải, bị ở tù không?”. Nhiều người trong nhà chạy ùa ra, sững lại, không ai tin vào mắt mình. Mẹ Hải thốt lên: “Con được tha hay vượt ngục?”. Hải nấc nghẹn: “Con được tự do rồi mẹ ơi. Con không phạm tội giết người, con được giải oan rồi!”. Bà mẹ nửa tin nửa ngờ: “Sao công an không đưa con về như lúc bắt đi vậy?”. Để mẹ tin, Hải đưa cho vợ những giấy tờ cần thiết. Sau khi đọc cho mọi người cùng nghe, chị Vân, vợ Hải, và cả nhà chạy đến ôm choàng lấy anh, tất cả đều sụt sùi.

Nỗi oan từ vụ án bí ẩn

Lúc 21 giờ đêm 10-1-2002, cô gái bán vé số dạo Huỳnh Thị Ngọc Hằng bị mất tích. Ba ngày sau, người ta phát hiện xác Hằng trong một cái ao gần căn nhà hoang ở phường 6, TP Mỹ Tho. Ba ngày sau nữa, cơ quan điều tra bắt khẩn cấp Nguyễn Thanh Hải vì cho anh là thủ phạm giết chết Hằng. Ngày 24-2-2004, Hải bị TAND tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm, tuyên tử hình về các tội giết người, giao cấu với trẻ em và cướp tài sản. Tòa còn buộc Hải bồi thường cho gia đình nạn nhân 13,8 triệu đồng. Ngày 10-6-2004, TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm, cho rằng những lời kêu oan của Hải không có căn cứ.

Theo hai bản án, Hải tuy có vợ nhưng vẫn lén lút quan hệ tình cảm với Hằng từ năm 2001. Đêm xảy ra vụ án, Hải và Hằng hẹn gặp nhau tại một quán giải khát. Hải trả cho Hằng 20.000 đồng tiền nợ vé số và cho cô 50.000 đồng để tiêu xài. Hải rủ Hằng đến căn nhà hoang để giao cấu. Xong việc, Hằng dọa đem chuyện này về mách với mẹ. Vì sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nên Hải dùng hai tay bóp cổ Hằng cho đến chết. Hải còn lấy của Hằng một số nữ trang, tiền mặt... Sau đó, Hải bế xác Hằng cùng quần áo, xe đạp... ném xuống ao.

Công lý chiến thắng

Sau hai lần bị tuyên án tử hình, Hải tiếp tục xin gặp cán bộ trại giam để nhờ làm đơn kêu oan gởi lên Chủ tịch nước. Nghe Hải trình bày, người cán bộ quản giáo không chấp nhận giúp anh làm đơn kêu oan, mà chỉ giúp làm đơn xin tha tội chết! Vài ngày sau, đơn xin tha tội chết của Nguyễn Thanh Hải được gởi đi, nhưng tác giả là một người tù khác. Xét thấy có gì đó không bình thường trong lá đơn này, TAND Tối cao cử cán bộ về Tiền Giang thẩm tra, làm rõ.

Tối 15-6, Công an tỉnh Tiền Giang cùng chính quyền địa phương tổ chức họp dân, công bố quyết định đình chỉ điều tra, trả tự do cho Nguyễn Thanh Hải vì không đủ chứng cứ buộc tội anh giết người.

Ngày 1-10-2004, TAND Tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại do có dấu hiệu vi phạm Bộ Luật Tố tụng hình sự về thu thập vật chứng. Đầu năm 2005, TAND Tối cao tiến hành xử giám đốc thẩm, tuyên hủy án, trả hồ sơ về cơ quan điều tra để điều tra lại từ đầu. Sau hơn 2 năm điều tra bổ sung vẫn không tìm ra chứng cứ buộc tội, cuối cùng, cơ quan điều tra Công an Tiền Giang ra quyết định đình chỉ điều tra, trả tự do cho Nguyễn Thanh Hải sau 5 năm 5 tháng ở tù.