Tử tù trước ngày xử bắn

Con người ta sinh ra ai cũng có quyền được sống nhưng tử tù là những kẻ đã tự tước đi quyền được sống của chính mình. Những ngày sống để chờ chết đối với họ là những ngày đầy nuối tiếc và ân hận. Có lẽ, trong khoảnh khắc gần kề với cái chết, hơn bao giờ hết, kẻ tử tội thèm được sống cuộc sống của con người mà chính họ đã tự đánh mất.

Ở khu biệt giam dành riêng cho các tử tù, ban ngày thường im ắng đến kỳ lạ. Ban đêm, ở đây là một núi những âm thanh hỗn độn. Đối với các tử tù, bình minh của họ là khi mặt trời lặn. Họ ngủ ban ngày và thức ban đêm. Bởi lẽ, các cuộc thi hành án tử hình bao giờ cũng bắt đầu vào lúc tờ mờ sáng và kết thúc vào trước lúc mặt trời mọc. Thời gian kể từ lúc bản án tử hình có hiệu lực pháp luật đến khi kẻ tử tù bị đưa ra trường bắn là quãng thời gian cuối cùng kẻ tử tù được sống, sống để chờ đợi cái chết, chờ đợi ngày được đền tội. Cho nên, dù được ăn uống đầy đủ và được chăm lo kỹ càng về sức khỏe nhưng đa số các tử tù trong những ngày chờ thi hành án đều sống trong hoảng loạn. Nỗi sợ hãi về một cái chết được báo trước khiến họ trở thành những con người bất bình thường. Có khi thoắt vui rồi lại thoắt buồn. Có khi vừa cười nói vui vẻ bỗng ôm mặt khóc hu hu như một đứa trẻ. Có khi lại vô cớ trút giận dữ bực tức cả vào quản giáo - những người duy nhất phải tiếp xúc thường xuyên với các tử tù. Có tử tù chẳng ốm đau gì, vừa mới hát ông ổng lại gào lên kêu cứu làm các đồng chí quản giáo suốt đêm nhấp nhổm không yên. Còn chuyện tử tù nổi cơn khùng hắt cả bô nước tiểu vào người quản giáo và các phạm nhân phục vụ thì đã xảy ra ở nhiều trại giam. Thế cho nên ở các trại giam mới lưu truyền một câu vè nói về sự thất thường trong tính khí của các tử tù như sau: “Tử tù - sớm nắng, chiều mưa, trưa giở mặt”. Trong những ngày chờ thi hành án, để quên đi nỗi sợ hãi, các tử tù đã nghĩ ra một ngàn lẻ một trò quái chiêu mà trong tình trạng bình thường khó ai có thể tưởng tượng nổi. Nguyễn Hồng Kỳ, một kẻ cướp khét tiếng ở Hải Phòng, bị tuyên án tử hình khi mới vừa bước qua tuổi hai mươi. Hắn nổi tiếng một thời trong giới giang hồ ở thành phố cảng bởi sự liều lĩnh và rất mê... súng. Sau khi bị bắt và bị tuyên án tử hình, trong những ngày chờ thi hành án, Kỳ chỉ tối ngày cần mẫn làm mỗi một việc, đó là bớt mỗi bữa chút ít cơm tù nhào nặn thành hình các khẩu súng nhỏ để bên cạnh người cho đỡ nhớ (?!).

Một cán bộ của Trại tạm giam Hà Nội, người đã từng làm quản giáo buồng giam tử hình nhiều năm, ở nhiều trại giam khắp trong Nam ngoài Bắc còn kể cho tôi nghe một môn thể thao đặc biệt của các tử tù mà không thể tìm thấy môn này ở bất cứ nơi nào ngoài trại giam. Đó là “chơi cờ mồm”. Không có quân cờ, không có bàn cờ, hai kẻ tử tù ở hai buồng giam cạnh nhau thậm chí còn không biết mặt nhau, chỉ hoàn toàn đấu cờ với nhau bằng mồm. Ấy thế mà, với trò chơi kỳ dị này, các tử tù có thể chơi với nhau thâu đêm đến sáng. Nhiều tử tù còn tự làm lịch để đếm ngày đếm tháng. Có một tử tù ở Trại tạm giam Hà Nội do có chút vốn liếng về tử vi số má nên suốt ngày lẩm nhẩm tính ngày tính tháng để đoán định ngày ''đi''. Anh ta tuổi Hợi nên cứ nhằm ngày Dần là anh ta sợ run cầm cập. Nỗi sợ đeo đẳng suốt từ lúc lặn mặt trời hôm trước cho đến sáng ngày hôm sau. Nhưng vất vả nhất đối với các quản giáo buồng giam tử hình có lẽ là việc vãn hồi trật tự đối với những tử tù lắm lời. Có những tử tù ngủ thì thôi chứ cứ hễ thức là lại gào thét chửi rủa những người có tư thù với mình đang giam ở các buồng giam khác hoặc đang ở ngoài xã hội mãi tít tận đẩu tận đâu. Những ngày chờ thi hành án, Lại Thị Ngấn, một mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy Vũ Xuân Trường, đã từng ròng rã chửi rủa Tạ Thị Hiển, bồ ruột của Vũ Xuân Trường, suốt mấy tháng ròng vì cho rằng Hiển đã cung khai ra mình. Sự hoảng loạn, nỗi muộn phiền, những gào thét, la lối, căng thẳng... tất cả chung quy lại đều xuất từ sự nuối tiếc và ân hận.

Để làm dịu đi những cơn bất bình thường ấy của các tử tù, những người quản giáo ở đây, ngoài thần kinh thép được tôi luyện còn có một tấm lòng nhân hậu. Các quản giáo đã gần gũi, quan tâm đến tử tù từng ly từng tí một, động viên an ủi họ để những con người tội lỗi này ra đi một cách thanh thản. Một quản giáo có thâm niên trong nghề đã kể cho tôi nghe câu chuyện về một tử tù nữ mà nước mắt chứa chan. Chị kể rằng, đêm đêm, trong những ca trực, chị đã thắt lòng khi nghe tiếng người đàn bà này nức nở gọi mẹ và sám hối với con. Nữ tù này người Hà Nội phạm tội lừa đảo. Chồng cũng phạm tội cùng với vợ và bị kết án chung thân. Chị ta còn mẹ già và hai đứa con. Đêm nào nữ tử tù này cũng khóc mẹ và lạy hai con tha tội cho mình vì bản thân đã không làm tròn bổn phận. Cứ thế, những lạ lùng trong cuộc sống về đêm ở các khu giam tù tử hình bắt đầu từ mờ tối ngày hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau. Chỉ cần tới tờ mờ sáng mà không nghe thấy tiếng khóa mở lách cách, tiếng cánh cửa nhà giam nặng nề mở ra, khép lại là các tử tù biết rằng ngày hôm ấy chưa có một bản án nào phải thi hành cả. Tất cả chờ đợi bữa ăn sáng để rồi sau khi no nê các tử tù mù bắt đầu ngủ vùi để đêm mai  lại tiếp tục chờ đợi...

Trước giờ thi hành án, cùng với những thủ tục bắt buộc đã được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự về trình tự thi hành một bản án tử hình, với chính sách nhân đạo, tử tù bao giờ cũng được mặc quần áo mới, được ăn một bữa ăn thịnh soạn cuối cùng và được viết thư về cho cha mẹ, người thân. Khi ra đi, mỗi tử tù một tâm trạng. Có tử tù sợ hãi đến không bước nổi, trong khi có tử tù lại bình tĩnh đón nhận cái chết như một cách để gột rửa tội lỗi khi vào cõi vĩnh hằng. Người nữ quản giáo từng báo tin thi hành án cho tử tù Lại Thị Ngấn kể lại rằng, tờ mờ sáng hôm ấy, chị vào mở cửa buồng giam, tháo cùm cho Ngấn và báo tin thi hành án. Người Ngấn mềm nhũn, chân tay run lẩy bẩy. Ngấn không bước được, không tự làm được gì hết. Người nữ quản giáo này đã phải đánh răng, rửa mặt, chải đầu cho Ngấn rồi động viên an ủi. Còn tử tù Nguyễn Thị Thủy, kẻ đã bỏ thuốc độc vào chai nước ngọt để giết đứa con gái riêng mới 7 tuổi của người tình, thì lại rất bình tĩnh khi đi thi hành án. Thủy tự mặc quần áo, tự chải đầu gọn ghẽ và còn bình tĩnh ăn hết khẩu phần xôi gà đã được trại chuẩn bị. Có một điều là, dù thái độ đón nhận sự đền tội của các tử tù có thể không giống nhau: kẻ sợ hãi, người bình tĩnh, thanh thản nhưng tất cả đều rất ân hận. Nguyễn Văn Dũng ở Bồ Đề, Gia Lâm - Hà Nội, kẻ đã giết chết người bạn già của chính mẹ mình để cướp tài sản khi bà tình cờ tới chơi nhà hắn, đã viết thư gửi về cho mẹ: ''Trại giam, ngày cuối cùng của đời con. Mẹ kính mến của con. Nếu con nghe lời bố mẹ dạy bảo thì con sẽ trở thành đứa con ngoan, học hành nên người có ích cho xã hội. Con ân hận quá mẹ ơi...  Mẹ hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu này. Vì nghiện ngập mà con u mê, mất hết nhân tính: trộm cấp, lừa dối và giết người. Cho con gửi lời xin lỗi tới gia đình người bị con giết hại... Một lần nữa hãy tha thứ cho con... 5 giờ 38 phút ngày 6-7- 2001. Con: Phạm Xuân Dũng”.