Vẫn chưa cấm được xe ba bánh và xe bán hàng rong
AN TOÀN GIAO THÔNG.- Hiệu lực nhất là khi có cảnh sát giao thông. Nhiều người chưa có vốn để chuyển nghề l Kho chứa xe tịch thu đã quá tải...Sau 1 tháng thực hiện Quyết định 1413 cấm xe ba bánh và xe bán hàng rong lưu thông 24/24 giờ trên 60 tuyến đường, 15 chiếc cầu và 148 tuyến đường khác trong giờ cao điểm, tình hình trật tự giao thông TP đã có nhiều chuyển biến tích cực.
“Tranh thủ” giờ nghỉ trưa và buổi tối
Trong những ngày đầu tháng 6-2002, tại các tuyến đường cấm xe ba bánh như: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Tôn Đức Thắng, Cộng Hòa..., lượng xe ba bánh, xe bán hàng rong đã giảm đáng kể. Riêng tại khu vực trung tâm TP, dù lực lượng công an truy quét khá gắt gao nhưng xe xích lô vi phạm vẫn còn nhiều. Tại khu trung tâm quận 1 vào ngày chủ nhật (2-6), quyết định cấm xe ba bánh của TP hầu như không có hiệu lực vào... buổi trưa. Tại các tuyến đường như: Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thị Nghĩa..., các xe xích lô chở khách và chở hàng vẫn lưu thông bình thường. Trên đường Nguyễn Huệ, đoạn trước Nhà sách FAHASA, một số xe bán hàng rong tràn ra cả lòng đường, gần đó, nhiều chiếc xe xích lô vẫn chờ khách ven đường.
Qua trao đổi với một số người chạy xích lô, chúng tôi được biết những người chạy xích lô đều biết rõ lệnh cấm. Anh Nguyễn V. H. có hơn 10 năm hành nghề xích lô than thở: “Ngoài chạy xích lô ra chúng tôi không còn biết phải làm nghề nào khác.” Với suy nghĩ trên mà những người chạy xích lô tại khu vực này đã đối phó với các cơ quan chức năng bằng cách chỉ hoạt động vào giờ nghỉ trưa hoặc buổi tối.
Tại một số chiếc cầu dễ kẹt xe như: Nhị Thiên Đường, Chà Và, Tân Thuận, Bình Triệu..., việc cấm xe ba bánh lưu thông và dừng đậu trong giờ cao điểm được thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, theo một số người dân tại khu vực những cây cầu trên, lệnh cấm chỉ được chấp hành tốt khi có cảnh sát giao thông.
Mong sao đổi nghề mà không ảnh hưởng đời sống
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ khi quyết định có hiệu lực, lượng xe ba bánh lưu thông trên đường phố đã giảm một cách rõ rệt. Ngoài lượng xích lô bị tạm giữ, nhiều người chạy xích lô còn tự chuyển nghề khác để sinh sống. Anh Nguyễn Văn H. ở phường Cô Giang (quận 1) vừa mua 1 chiếc xe Dream Trung Quốc từ tiền dành dụm 15 năm hành nghề xích lô để chuyển nghề xe ôm.
Còn đối với các cơ sở kinh doanh xe ba bánh, đẩy tay... cũng gặp không ít khó khăn. Tiếp xúc với chúng tôi, ông T. - chủ một cơ sở sản xuất xe ba bánh ở quận Bình Thạnh - tỏ ra đồng tình với lệnh cấm của TP, vì theo ông đây là cách tốt nhất để giải quyết nạn kẹt xe. Ông T. cho biết, sắp tới ông sẽ chuyển sang nghề sửa xe gắn máy. Ông T. tâm sự: “Mong rằng chính quyền địa phương có những chính sách ưu đãi để các cơ sở như chúng tôi chuyển đổi nghề mà không ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại”.
Liệu có “đánh trống, bỏ dùi”?
Tuy nhiên, theo một cán bộ công an TP, cái khó trong công tác xử lý là hầu hết các chủ phương tiện đều là dân nhập cư nghèo, không có tiền để nộp phạt. Với những người có xe ba bánh tự chế, xe không có giấy tờ thì khi bị bắt, đa số họ bỏ luôn phương tiện hành nghề, rồi đi vay tiền mua lại xe khác... Người dân TP đang bắt đầu lo lắng liệu có việc “đánh trống bỏ dùi?”. Vì thực tế, đây không phải là lần đầu tiên TP cấm các loại xe ba bánh lưu thông trên các tuyến đường. Từ năm 1997, TP đã có quyết định cấm các loại xe có động cơ và xe thô sơ buôn bán hàng hóa lưu động trên các tuyến đường thuộc các quận 1, 3 và 51 tuyến đường chính có lưu lượng xe lưu thông lớn. Nhưng quyết định này chỉ được thực thi nghiêm chỉnh lúc ban đầu, sau đó đâu lại vào đấy.
Mỗi ngày 100 vụ vi phạm Qua gần một tháng thực hiện Quyết định 1413, trên địa bàn TP tình hình giao thông đã có những chuyển biến khả quan, giải quyết được phần nào nạn kẹt xe tại một số tuyến trọng điểm, giảm quá tải tại một số cây cầu. Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã hướng dẫn, thuyết phục các chủ phương tiện ba bánh hiểu và tuân thủ quyết định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Trở ngại lớn nhất hiện nay là lượng xe vi phạm tăng nhanh và thiếu kho bãi giam, giữ xe. Chúng tôi đã đề xuất UBND TP cấp thêm bãi giữ xe hoặc giao cho Sở Tài chính Vật giá thanh lý những xe tịch thu để giảm bớt lượng xe. Đây là việc làm lâu dài của các cơ quan chức năng cho nên cần phải tập trung giải quyết căn cơ, đồng bộ để có thể đạt hiệu quả cao hơn. Tính đến ngày 23-5, CSGT đã lập biên bản 1.293 trường hợp xe xích lô, ba bánh lưu thông trên 17 tuyến đường trọng điểm (trung bình mỗi ngày có khoảng 100 vụ vi phạm) bao gồm: 294 xe ba bánh gắn máy, 999 xe thô sơ, xe đẩy tay, xích lô đạp. Đáng chú ý là các xe tự chế, không giấy tờ chiếm hơn nửa số trường hợp vi phạm (651/1.293 trường hợp).
Thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ Công An TPHCM: