Vẫn chưa làm rõ người nhận tiền hối lộ

Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2006 và bàn phương hướng công tác năm 2007 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ngày 10-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm, nghiêm minh theo hướng công khai, minh bạch các vụ án tham nhũng lớn.

Trong đó, đặc biệt là 3 vụ án phức tạp, gây hậu quả và tổn thất nặng nề: PMU 18, tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn và vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Khánh Hòa.

Một số bị can phản cung

Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án PMU 18 là cơ quan điều tra (CQĐT) đã kết thúc điều tra mảng “chạy” tội đánh bạc của một số con bạc nguyên là quan chức, cán bộ PMU 18. Đây là mảng tội phạm được tách ra để nhập vào vụ án tổ chức đánh bạc và đánh bạc do cựu sĩ quan cảnh sát Bùi Quang Hưng cầm đầu.

Tuy nhiên, nhiều khả năng hồ sơ vụ chạy án này sẽ bị cơ quan công tố trả lại để CQĐT tiến hành điều tra bổ sung nhằm làm rõ những đối tượng nào đã nhận hối lộ của Bùi Tiến Dũng. Mặt khác, việc trả hồ sơ này cũng nhằm giúp CQĐT có thêm thời gian để tiếp tục đấu tranh với các bị can nhằm củng cố chứng cứ vì trong trại giam, một số bị can đã phản cung, thay đổi lời khai nhằm làm thay đổi bản chất hành vi phạm tội.

Trong vụ án PMU 18, một mảng tội phạm quan trọng khác đã được khởi tố trong vụ án “cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ở nhóm tội “cố ý làm trái”, đến thời điểm này, CQĐT đã khởi tố 3 bị can là Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và Phạm Tiến Dũng (riêng Nguyễn Việt Tiến bị khởi tố thêm tội thiếu trách nhiệm).

Cũng theo kết quả điều tra, đến thời điểm này các bị can Bùi Tiến Dũng và Phạm Tiến Dũng còn có hành vi ép nhà thầu dự án cầu Bãi Cháy mua 3 ô tô trị giá 3,7 tỉ đồng sau đó đem sử dụng sai mục đích. Về phần bị can Nguyễn Việt Tiến, khi còn là tổng giám đốc PMU 18, đã cho nhập 7 ô tô theo diện tạm nhập tái xuất nhưng không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế 4,8 tỉ đồng. Ngoài ra, hành vi ký văn bản hỗ trợ xã Văn An (Chí Linh, Hải Dương) gần 270 triệu đồng để xây dựng chợ còn có biểu hiện của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vấn đề này đang được CQĐT tiếp tục làm rõ.

Vụ Rusalka: Đã làm rõ hành vi phạm tội của các bị can

Vụ án siêu lừa Nguyễn Đức Chi sẽ được CQĐT kết thúc điều tra để chuyển VKS truy tố trong tháng 1-2007. Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án này là việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 11/QĐ-TTg phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đối với ông Nguyễn Trọng Hòa.

Theo kết quả điều tra đến thời điểm này, ngoài hành vi lừa đảo của bị can Nguyễn Đức Chi, CQĐT cũng đã làm rõ được hành vi phạm tội của các bị can Nguyễn Thọ Trí (nguyên giám đốc Công ty XNK và Lương thực Trà Vinh) trong việc đã ký hợp đồng bán gạo cho Nguyễn Đức Chi mà không kiểm tra năng lực tài chính, tư cách pháp nhân của Công ty Arabella (Mỹ).

Đối với 2 bị can Mai Đức Chính (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Khánh Hòa) và Vũ Xuân Thiềng (nguyên trưởng Phòng Quy hoạch Sở Tài nguyên-Môi trường Khánh Hòa), CQĐT cũng đã làm rõ hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của bị can Trần Minh Duân, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng đã được CQĐT kết luận. Ông Duân chỉ căn cứ vào tờ trình của Sở Địa chính mà không kiểm tra hồ sơ đã ký cấp sổ đỏ cho dự án. Ông Duân còn tự ý thay đổi điều kiện ràng buộc của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc thu tiền bồi thường con đường đi qua dự án, để cho Chi chiếm đoạt quyền sử dụng 43,8 ha đất.