Việt kiều về Sàigòn may mặc ở đâu?

Thời gian gần đây, trong các trung tâm thương mại, siêu thị ở nước ngoài, không khó tìm thấy hàng Việt Nam. Tuy nhiên, không ít Việt kiều (VK) đã chỉ thích về VN đặt may.

Những điểm hẹn may mặc

Nhìn mát mắt, vào thấy mát lạnh là các trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM như Diamond Plaza, Saigon Square, Thương xá Tax, Zen Plaza, Trung tâm thương mại Saigontourist, Thuận Kiều Plaza,… Hàng may mặc ở đây không được xếp vào “hàng chợ” mà là… hàng hộp (không nói đến hàng nhái). Hàng áo quần thời trang tại Thương xá Tax (Nguyễn Huệ, Q.1) có thể kể đến như Thái Tuấn, An Phước, Việt Tiến, Việt Thắng, Nhà Bè, Thắng Lợi,… Zen Plaza (đường Nguyễn Trãi, Q.1) không chỉ là trung tâm thương mại tổng hợp mà còn được coi như điểm hội tụ của các nhà thiết kế trẻ. Nhãn hiệu thời trang An Phước (đơn vị duy nhất đuợc tập đoàn thời trang Pierre Cardin công nhận là nhà cung cấp độc quyền các sản phẩm thời trang cao cấp của Pierre Cardin tại Việt Nam và Ðông Dương) cũng được Việt kiều khá chuộng với những sản phẩm đa dạng: quần áo trẻ em, áo chemise, quần tây, veston, áo khoác,… Mặt hàng về tơ tằm, lụa,… ở đường Cống Quỳnh có showroom của Công ty cổ phần tơ tằm Á châu. Ở đây có vải lụa tơ tằm cho đến quần áo, phụ liệu đi kèm với đủ loại giá. Khách VK cũng không thể nào không thử ghé tới Miss Áo dài (21 Nguyễn Trung Ngạn, Q.1, TP.HCM) – một thương hiệu nổi tiếng và đặc biệt quen thuộc với khách hàng tại Nhật.

Quần áo may sẵn với các cửa hiệu trưng bày khá bắt mắt có thể thấy một loạt ở các con đường khu vực quận 1 (TP.HCM) như Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Trãi; Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sỹ (quận 3)… Ngoài khu áo cưới ở chợ Tân Bình, còn một dọc những khu bán đồ cưới tập trung, sang trọng, hấp dẫn trên đường 3 tháng 2 (quận 10), Nguyễn Đình Chiểu (Q.3),… Không chỉ là áo dài - mặt hàng đặc trưng, Miss Áo dài còn có giỏ xách với những mẫu thêu độc quyền. Ở những cửa hàng như Khải Silk (Đồng Khởi), Cô Tấm (Lê Thánh Tôn),… không chỉ bán quần áo mà còn bán những món đi kèm như túi xách, giày dép, mũ nón,… Khu đồ cưới, không chỉ bán áo cưới cho cô dâu - chú rể, mà dĩ nhiên còn là tất tật những gì cần có để phục vụ cho đám cưới. Ngoài ra, khách về nước may quần áo vẫn thích ghé đến những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng, hay đơn giản chỉ là vào tiệm may quen.

Nhu cầu xài hàng Việt

Gia đình M - anh bạn tôi thì cứ khoảng 3 tháng lại đặt may veston, quần tây, áo sơ-mi ở tiệm may Huấn (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) để gửi sang Mỹ cho vợ chồng chị gái. M nói: “may ở đây thì vải rẻ, công may cũng rẻ mà cắt may sắc sảo”.

Chị Khánh Dung cho hay: “Gia đình, người thân quen của tôi khi về VN hay mua sắm đồ ngủ, đồ mặc ở nhà, áo dài, quần tây. Đồ ngủ và quần áo mặc ở nhà họ thường mua ở chợ. Còn quần tây và veston thì may ở nhà may Nhật (Q.1, TP.HCM). Cũng nhờ người thân ở Sài Gòn giới thiệu mới biết. Họ may veston cũng đẹp lắm. Dĩ nhiên họ may đẹp thì giá cả phải cao. Giá chỉ rẻ hơn ở Mỹ một tí thôi. Vải quần tây thường là hàng nhập, nên không có vấn đề gì”.

Sinh viên du học thì nhu cầu đơn giản hơn nhiều. Đ.Q, cậu bạn tôi đang du học ở Magdeburg (Đức) kể: ở đây có khá nhiều cửa hàng người Việt, họ có cả khu bán đồ sỉ luôn mà. Như bản thân Q thì mặc đồ gì cũng được. Tuy nhiên thấy một số bạn sinh viên cũng cần nhờ người ở nhà gởi sang, hoặc khi có dịp về nhà thì mua vì tất nhiên size và kiểu dáng sẽ dễ tìm hơn (nhất là con gái).

Mùa đông khách Việt kiều thường là vào thời điểm cuối - đầu năm. Về thăm quê, nhân tiện mua hàng “quê” cho mình hoặc gia đình. Mua vải áo dài, áo khoác, veston… Có tiệm quen thì chỉ việc mang vải tới. Không thì nhờ thợ quen tìm vải giùm. Nếu may kịp thời gian thì mang đi luôn, còn không thì người thân sẽ gửi qua sau. Một số tiệm bán vải nhận may luôn, thế là tiện. Cũng có những Việt kiều không có người thân ở VN thì nhờ tiệm, may xong thì gửi qua nước ngoài cho họ - dĩ nhiên tiền cước phí người đặt hàng trả. Nhiều nhà may, nhà thiết kế có trang web riêng. Vậy là tiện lợi cho khách khi có thể gửi số đo qua e-mail, dặn loại vải, gửi tiền về và sau đó… có hàng. Thân quen hơn thì khách hàng gọi điện thoại dặn dò.

“Chọn mặt đặt tên”

Khách Việt kiều chọn may đồ trong nước, dĩ nhiên là phải “chọn mặt đặt tên”. Mặc dù quần áo mua ở chợ, nhưng chị Khánh Dung cho biết là “chất lượng vải và chỉ, kiểu may cũng rất khá. Tôi mặc cả 3 - 4 năm nay rồi mà không bị đứt chỉ”. May áo dài thì gia đình chị Khánh Dung “chung thủy” với một tiệm may quen ở Tân Hiệp (Kiên Giang) từ bao nhiêu năm nay. Chị nhận xét: “Vải áo dài cũng như kỹ thuật cắt thì không có gì phải nói: đây là bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình, nên không đâu may đẹp bằng những nhà may ở trong nước. Vải vóc cũng phong phú lắm, nhưng hơi mỏng. Người VN ở hải ngoại thường may hai lớp để mặc cho kín và đỡ lạnh. Người ta thường về VN may áo dài khăn đóng cho cô dâu, chú rể, dâu phụ, rể phụ. Đám cưới ở Mỹ thường mặc áo dài khăn đóng truyền thống khi làm lễ lạy Tổ tiên ông bà”.

Chị Thanh Thao - một nhân viên của Miss Áo dài nói với chúng tôi: “Người ta cứ nghĩ Miss Áo dài là đắt đỏ nhưng ở đây có nhiều mặt hàng với nhiều giá cả. Khách VK ghé tới còn thích mua áo sơ-mi, hoặc áo kiểu đơn giản nhưng áo dài vẫn là lựa chọn số 1. Khách tới có thể mua đồ may sẵn, hoặc gọi điện thọai trước để đặt hàng, giá từ 400.000 - 1.200.000 đồng/bộ”. Những tiệm may lâu năm, khách biết tiếng vẫn thường chọn tới như Cao Minh (148 Pasteur, Q1, chuyên may đo veston, suit, quần và áo sơ-mi), hay veston Huy Hoàng (188 Hai Bà Trưng, Q.1), Tailor Sơn (226 Trần Quang khải, Q.1),…

Hoạt động từ năm 1978 và chỉ chuyên may veston, nhà may Sơn đã từng có nhiều khách quen là những lãnh đạo cao cấp thủ tướng Phan Văn Khải, hoặc các ông Trương Tấn Sang, Mai Quốc Bình, bộ trưởng Trần Xuân Giá,… Vải vóc thì đa dạng và ở đây luôn có sẵn những loại vải xịn như Cerruti, Ermenegildo zegne, Dormeul, Vitale Barberis Canonico, v.v… “Thời gian giao hàng trung bình khoảng mười mấy ngày, nhưng nếu khách yêu cầu gấp thì mình cũng phải làm cho khách. Mẫu mã cũng phải cập nhật theo xu hướng thời trang nước ngoài. Nếu khách ở xa, cho số đo 3 vòng và chiều cao, cân nặng, chiều dài tay thì có thể may một bộ veston hoàn chỉnh cho khách được”, anh Sơn kể với chúng tôi.

Thợ làm áo cưới

May cho khách VK quen, nhà thiết kế Ngô Nhật Huy còn được một nữ khách hàng “làm mai” với lời rủ rê: “đồng ý thì chị giới thiệu em gái rồi mai mốt em qua Mỹ mở tiệm may cho… mau giàu”. Nhiều năm tính đóng cửa nghỉ tết sớm nhưng đến 26 tết, đơn đặt hàng qua e-mail vẫn còn gửi tới cho Huy. Huy cũng cho biết, nếu khách đặt may theo ý thì giá cao hơn, nhưng cũng chỉ chênh lệch khoảng 100 - 200.000 nghìn. Giá bình thường một bộ áo dài ở đây là 1.800.000 đồng đổ lại.

Về mặt giá cả, hầu hết các Việt kiều và thợ may đều thấy rằng giá ở VN rẻ hơn nhiều so với may ở nước ngoài. May veston giả cho nữ, ở Bảo Ngọc Fashion giá khoảng 150 - 200.000 đồng/bộ, veston hai lớp giá khoảng 350.000 - 400.000 đồng/bộ, tùy loại vải. Như ở Tailor Sơn thì “loại vải nhập ở các hãng nước ngoài, giá không dưới 2.000 USD/bộ, nhưng ở mình thì chỉ khoảng 600 - 800 USD/bộ”. Hay trên khu đồ cưới Tân Bình, giá cả ở đây có nhiều loại từ 2,3 trăm nghìn đến cả triệu. Giá cả mắc rẻ là do vải cao cấp hoặc vải thường. Như cửa hiệu Đức Huy, từ áo dài thường cho đến áo dài cưới giá rẻ… bất ngờ: 100 - 200.000 đồng/áo.

Nhu cầu đi cùng yêu cầu

Thích đẹp là dĩ nhiên, nhưng vì xa xôi nên khách VK cũng không kèo nèo như người trong nước. Chị Bảo Ngọc nhận xét: “VK bận đồ không sát sao như người Việt. Chỉ cần đường kim mũi chỉ sạch sẽ, đường bẻ góc gọn gàng là OK rồi. Họ bận theo size mà”. Mặc dù nhiều khách hàng yêu cầu đơn giản, nhưng chị Ngọc cũng xác định là phải “uy tín chất lượng, chứ không ăn xổi ở thì, không có chặt chém gì đâu”.

“Một điều quan trọng mà những nhà may ở VN cần để ý đến đó là: khí hậu ở Úc, Mỹ… rất lạnh nên quần áo thường phải may thêm lớp lót bên trong. Quần áo ngủ bằng vải soa, suit lanh thường không mặc được vào mùa đông. Chỉ thích hợp vào mùa hè thôi. Còn style thì thường những người Việt kiều không thích mặc quần áo màu sặc sỡ. Vải thì cần phải dày, để khi mặc vào sẽ không thấy được quần áo trong (quần áo nhỏ). Mặt khác thì họ có thể thích vải thật mỏng như vải musselin để họ có thể show off cái áo đẹp mặc bên trong. Áo đầm hoặc váy may ở VN thường mặc không đẹp vì may vải thẳng. Thường nó cần phải được may vải xéo”, chị Khánh Dung góp ý.

Hàng nước ngoài đâu có thiếu, nhưng VK vẫn thích xài hàng Việt. Ngoài việc “liệu cơm gắp mắm”, người Việt - mang hàng Việt cũng còn là niềm hãnh diện ngầm. Tâm lý “tắm ao ta” vẫn khó mà mờ phai trong cách hành xử, ăn mặc của người VN ở nước ngoài. “Đất nước mình phát triển, bà con mình mau giàu”, đó còn là sự “vui lây” của người trong nước với sự xôm tụ của thị trường may mặc.