Vứt bỏ con mới đẻ, chịu trách nhiệm ra sao?

Bạn đọc Nguyễn Thị Tâm (TP HCM) hỏi: Thời gian gần đây xảy ra khá nhiều trường hợp mẹ vứt bỏ con vừa sinh ra. Hành vi này phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam - trả lời: Đây là thực trạng đáng báo động về chuẩn mực đạo đức xã hội đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Việc vứt bỏ con mới đẻ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí khiến đứa trẻ mất mạng. Hành vi này vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, hành vi vứt bỏ con mới đẻ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt vi phạm hành chính: Căn cứ điểm a khoản 1 điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP thì người nào bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh, bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm nêu trên.

Về trách nhiệm hình sự: Căn cứ khoản 2, điều 124 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.