Phát hiện cấu trúc “không thể giải thích” giữa dải Ngân Hà
(NLĐO) - Khi nghiên cứu bong bóng Fermi ở trung tâm Ngân Hà, kính viễn vọng Green Bank của Mỹ đã phát hiện điều bất thường.
Theo Live Science, hai trong số những cấu trúc kỳ lạ nhất trong thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) vừa trở nên kỳ lạ hơn nữa.
Hai cấu trúc kỳ lạ đó là "bong bóng Fermi" khổng lồ, phình lên từ trung tâm Ngân Hà và mở rộng ra hai phía của mặt phẳng thiên hà, tạo thành một chiếc đồng hồ cát dài tới 50.000 năm ánh sáng, tương đương một nửa đường kính Ngân Hà.
Chúng là hai quả cầu plasma siêu nóng, dường như đã phun trào ra từ trung tâm thiên hà trong hàng triệu năm. Cơ chế tạo ra chúng vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Bong bóng Fermi nóng bỏng chứa đựng bên trong nó những đám mây lạnh "không thể giải thích" - Ảnh: NSF/AUI/NSF NRAO
Trong quá trình tìm hiểu thêm về những bong bóng kỳ lạ này bằng kính viễn vọng Green Bank của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ tại Tây Virginia, các nhà khoa học đã phát hiện ra điều gây sốc: Ẩn sâu bên trong những bong bóng siêu nóng là những đám mây khí hydro lạnh khổng lồ.
Sự tồn tại của chúng được mô tả là "không thể giải thích", như những viên nước đá nằm trong nước sôi.
Tuy nhiên họ cũng đưa ra một cách lý giải khả dĩ: Những đám mây kỳ lạ này có thể là tàn tích của những cấu trúc lớn hơn nhiều hình thành từ trung tâm thiên hà cách đây vài triệu năm.
Chúng từng lớn đến nỗi sự xói mòn gây ra bởi khí nóng trong bong bóng Fermi chưa kịp làm tan hết.
"Hãy tưởng tượng việc này giống như thả một viên đá vào nước sôi: Viên đá nhỏ tan nhanh, nhưng viên đá lớn hơn tồn tại lâu hơn, ngay cả khi nó tan ra" - tác giả chính Rongmon Bordoloi từ Đại học Bang North Carolina (Mỹ) nói với Live Science.
Phát hiện này có thể chỉ ra rằng lỗ đen trung tâm của thiên hà chúng ta đã trải qua một vụ bùng nổ vật chất dữ dội gần đây hơn so với suy nghĩ trước đây, theo bài công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters.