Phát hiện đột phá về "hành tinh từ cõi chết"
(NLĐO) - "Mắt thần" của kính viễn vọng không gian James Webb đã giúp xác định WD 1856+534 b là ngoại hành tinh lạnh nhất mà nhân loại từng biết đến.
Theo Universe Today, một nhóm khoa học gia đã sử dụng James Webb nhằm tìm hiểu rõ ràng hơn về WD 1856+534 b, một "hành tinh từ cõi chết" to gấp 6 lần Sao Mộc.
Mặc dù được nhận diện lần đầu từ năm 2020, WD 1856+534 b trong hồ sơ thiên văn vẫn là một bóng ma đầy bí ẩn.

"Hành tinh từ cõi chết" WD 1856+534 b hiện ra phía sau một sao lùn trắng bé nhỏ - Ảnh đồ họa: NASA
WD 1856+534 b được phát hiện dưới hình thức một ngoại hành tinh quá cảnh, tức nhờ ngôi sao mẹ đột ngột giảm độ sáng khi hành tinh này vô tình bay ngang hướng quan sát từ kính viễn vọng Trái Đất.
Nói cách khác, người ta chỉ biết nó có mặt ở đó, nhưng chưa thể biết chi tiết về nó.
Ngoài ra, nó được chú ý đặc biệt vì quay quanh một ngôi sao lùn trắng, "thây ma" bé nhỏ của một ngôi sao đã sụp đổ sau khi cạn nhiên liệu.
Giờ đây, một nhóm nghiên cứu đa quốc gia dẫn đầu bởi TS Mary Anne Limbach từ Đại học Michigan (Mỹ) đã đưa ra những mô tả chi tiết đầu tiên về thế giới bí ẩn này nhờ có James Webb.
Ứng dụng một phương pháp mới, "mắt thần" hồng ngoại của kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới này.
Phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trung bình ở hành tinh này là -87 độ C, khiến WD 1856+534 b trở thành ngoại hành tinh lạnh nhất từng được phát hiện.
Họ tiếp tục xác nhận rằng ngoại hành tinh có khối lượng không lớn hơn 6 lần khối lượng của Sao Mộc, trong khi các quan sát trước đây đưa ra ước tính là 13,8 khối lượng Sao Mộc.
Họ cũng đưa ra lời xác nhận trực tiếp đầu tiên rằng sau khi ngôi sao mẹ chết đi và biến thành "thây ma" lạnh hơn nhiều so với lúc còn "sống", các hành tinh của nó có thể dần tìm cách di chuyển về gần sao mẹ hơn, để tìm kiếm một "vùng sự sống" phù hợp mới.
Đây là bước đột phá lớn bởi trước đây, chưa có hành tinh quay quanh sao lùn trắng nào được quan sát chi tiết như thế. Đơn giản là chúng rất tối so với các hành tinh khác, nên không thể nhìn từ khoảng cách quá xa.
Hơn nữa, không có ngoại hành tinh nào có quang phổ phát xạ lạnh hơn 1,85 °C - tương đương với Trái Đất - được quan sát thấy. Giờ đây, nghiên cứu mới đã mở ra một "miền đất hứa" cho giới thiên văn: Thế giới quanh các ngôi sao lùn trắng.