Phát huy giá trị di sản liên biên giới

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được biết đến như "vương quốc hang động" với 404 hang động đã được khảo sát

Việc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn Quốc gia Hin Nam Nô được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới sẽ giúp củng cố các nỗ lực bảo tồn, mở ra nhiều cơ hội về du lịch bền vững, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…

Tại kỳ họp Ủy ban Di sản Thế giới lần thứ 47 vừa diễn ra ở Paris - Pháp, UNESCO đã chính thức phê duyệt điều chỉnh ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị) mở rộng sang VQG Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn - Lào). Từ đây, di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới đầu tiên giữa 2 quốc gia Đông Nam Á được xác lập với tên gọi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và VQG Hin Nam Nô.

Chương mới cho "anh em song sinh"

Trong tiếng Lào, "Hin Nam Nô" có nghĩa là "núi đá vôi với những đỉnh nhọn như chồi cây" - mô tả chính xác hình ảnh địa hình rừng karst hùng vĩ của khu vực này. Tương đồng về địa chất, hệ sinh thái và sinh học với Phong Nha - Kẻ Bàng, Hin Nam Nô được xem như "anh em song sinh" phía bên kia dãy Trường Sơn.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh đây là cột mốc lịch sử, minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai quốc gia, đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực theo tinh thần UNESCO. Việc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và VQG Hin Nam Nô được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt - Lào, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn ở cấp độ hợp tác đa ngành, toàn diện.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, cho rằng việc 2 VQG được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới không chỉ giúp củng cố các nỗ lực bảo tồn mà còn mở ra nhiều cơ hội về du lịch bền vững, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Chính quyền hai tỉnh Quảng Trị và Khăm Muộn cũng đã tiến hành rà soát, thống nhất các dữ liệu đường biên giới và mốc giới, từ đó thiết lập quy chế quản lý vùng đệm chung cho di sản.

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục triển khai các nghiên cứu khoa học, đánh giá sức tải du lịch, hỗ trợ pháp lý và tăng cường năng lực cho lực lượng bảo tồn tại cơ sở.

Phát huy giá trị di sản liên biên giới- Ảnh 1.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được đánh giá là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam Ảnh: Hoàng Phúc

Phát huy giá trị di sản liên biên giới- Ảnh 2.

Vườn Quốc gia Hin Nam Nô Ảnh: Ryan Deboodt

"Kho báu" đa dạng sinh học của Trường Sơn

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và VQG Hin Nam Nô trở thành Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới đã tạo nên một vùng karst nhiệt đới ẩm liền mạch, nguyên vẹn bậc nhất thế giới, với tổng diện tích vùng lõi và vùng đệm hơn 200.000 ha. Đây là khu vực địa chất cổ đại hình thành từ hơn 400 triệu năm trước - một "kỷ yếu sống" của lịch sử trái đất châu Á.

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được biết đến như "vương quốc hang động" với 404 hang động đã được khảo sát. Trong đó, đáng chú ý là Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới.

Với diện tích vùng lõi rộng hơn 125.700 ha, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được đánh giá là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam. Đây là nơi cư trú của hơn 2.700 loài thực vật bậc cao, khoảng 800 loài động vật có xương sống, cùng hàng trăm loài côn trùng, cá và bò sát. Trong đó, nhiều loài được xếp vào danh sách đặc hữu hoặc nguy cấp quý hiếm, tạo nên giá trị bảo tồn đặc biệt cho vùng di sản này.

Bên kia biên giới, VQG Hin Nam Nô với hơn 82.000 ha rừng nguyên sinh đã ghi nhận 536 loài động vật và hơn 1.500 loài thực vật, trong đó có loài nhện săn khổng lồ đặc hữu chỉ tìm thấy duy nhất ở Khăm Muộn. Hang động Xe Bang Fai với dòng sông ngầm dài hơn 7 km và trần hang cao vút là một kỳ quan ngầm được các nhà thám hiểm phương Tây ví như "Sơn Đoòng của Lào". Một số hang động nổi bật khác như: Nangen, hang Trời, hang Vua... cũng đang được đánh giá để khai thác du lịch bền vững.

Người dân địa phương hai bên biên giới vốn có sự tương đồng sâu sắc về lối sống, văn hóa và tập tục. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng mô hình phát triển cộng đồng cùng gìn giữ di sản.

Ông Phạm Hồng Thái cho biết không chỉ là nơi trú ngụ của các loài sinh vật quý hiếm, Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô còn mang nhiều giá trị về mặt cảnh quan, với hàng trăm đỉnh đá vôi hùng vĩ, thung lũng, rừng rậm, sông ngầm, thạch nhũ… Tất cả hội tụ để tạo nên một tổ hợp tự nhiên đặc biệt, đạt đầy đủ 3 tiêu chí của UNESCO: địa chất, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Theo Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, ngay sau khi được công nhận là di sản liên biên giới, 2 VQG đã bắt tay vào việc thiết lập cơ chế phối hợp quản lý một cách chặt chẽ. Một nhóm công tác liên quốc gia đang được xây dựng, gồm đại diện ban quản lý 2 VQG, chính quyền địa phương, tổ chức khoa học và cộng đồng cư dân. Mục tiêu là bảo tồn rừng nguyên sinh, giám sát sinh cảnh, kiểm soát phát triển du lịch và tăng cường năng lực cho người dân địa phương.

"VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và VQG Hin Nậm Nô nằm liền nhau nên sắp tới, công tác quản trị trong quá trình bảo tồn và phát triển 2 khu vực này sẽ được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả nhất" - ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh. 

7 năm chuẩn bị hồ sơ

Việt Nam và Lào đã mất gần 7 năm chuẩn bị, phối hợp và đồng hành để Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới này được UNESCO công nhận.

Từ năm 2018, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ đưa Hin Nam Nô vào hồ sơ đề cử mở rộng di sản thiên nhiên thế giới. Hàng chục đoàn chuyên gia hai bên đã khảo sát thực địa, làm việc trực tuyến và trực tiếp để cùng xây dựng hồ sơ chuẩn quốc tế. Đến tháng 2-2024, hồ sơ đề cử chính thức được nộp lên UNESCO. Đến tháng 7-2025, hồ sơ được thông qua gần như tuyệt đối.