Anh hùng như đời mẹ
Mẹ bị giặc giết, cha ở tù Côn Đảo, sáu người anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chồng và hai con trai cùng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ..., tiếp “lửa” cách mạng của gia đình, Nguyễn Thanh Tùng sớm tham gia biệt động thành ở Sài Gòn, lập nhiều chiến công lẫy lừng và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân
Anh hùng - thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng thường được gọi bằng cái tên trìu mến: Má Mười Tùng. Nhìn gương mặt hiền từ, phúc hậu của má, có lẽ ít ai nghĩ rằng má đã từng là một nữ chiến sĩ biệt động gan góc. Má có tới 11 bí danh, nhưng “má thích nhất là biệt danh “Sóc nhỏ” do chú Mai Chí Thọ đặt cho” - bà nói.
Nữ biệt động thành mưu trí, gan dạ
Vào một chiều tối cuối tháng 4-1964, có một đôi tình nhân đứng tâm sự bên lề đường gần ngã tư Bảy Hiền. Họ mải chuyện trò nhưng đôi mắt không rời chiếc ô tô của địch đang tiến đến. Chàng trai cầm một “món quà” đưa tặng cô gái, cô gái “giận” không thèm nhận, bực mình và ngồi phắt lên xe, nổ máy. Anh chàng vội nhảy theo. Khi chiếc xe ngang qua ô tô của địch, chàng trai nhanh như chớp ném thẳng “món quà” vào đó. Tiếng lựu đạn chát chúa vang lên, ô tô địch bốc cháy, 1 tên trên xe bị chết, 2 tên còn lại bị thương. Cô gái ấy chính là “Sóc nhỏ” và chàng trai đó là Bảy Đức (cùng tổ biệt động) với cô.
![]() |
Má Mười Tùng hôm nay |
Là con gái Sài Gòn thứ thiệt nhưng “Sóc nhỏ” không ngại cải trang làm người buôn bán hoặc cô thôn nữ ngờ nghệch để qua mắt địch. Một lần, khi chiến sự ác liệt, cấp trên giao nhiệm vụ cho Tùng phải theo dõi từng hành động của tên ác ôn Nguyễn Văn Nhạn. Hắn làm cảnh sát tổng nha, có vợ tên là Út Lan, nhà ở quận 3. Tùng đã tìm cách lọt vào ở nhà tên Nhạn với “vai” người giúp việc. Có hôm không thấy tên Nhạn về, cô vờ hỏi: “Sao giờ này cậu Nhạn không về ăn cơm, Lan há?”. Út Lan chép miệng: “Mình coi nó (đồng chí Bảy Đức) như em út trong nhà. Vậy mà nó nghe lời đám sinh viên làm loạn. Ổng đi theo dõi chưa về...”. Nghe rồi, Tùng giả vờ nhăn nhó, bảo đau bụng và xin đi mua thuốc, nhân đó kịp thời báo cáo cho cơ sở của ta tránh được tổn thất lần ấy. Tùng khéo léo đến nỗi hai tên Lộc và Lộ (cảnh sát) lúc đầu theo dõi cô nhưng về sau cứ tưởng cô là chị vợ của tên Nhạn nên rất yên tâm. Bọn chúng còn thông báo cho cô một tin hết sức thú vị là cảnh sát đã treo thưởng 1 triệu đồng cho ai bắt được Nguyễn Thị Tiến (bí danh của Nguyễn Thanh Tùng trong thời gian đó) và bảo cô nếu biết Tiến ở đâu thì chỉ cho bọn hắn biết để lĩnh thưởng!
Nhưng có lẽ, ở cô “Sóc nhỏ” này có một “biệt tài” mà hiếm người có được, đó là tài thuyết phục đối phương để giành thắng lợi mà không tốn một viên đạn nào. Móm mém cười, má Mười Tùng kể lại trận đánh bót Trần Văn Châu (quận 8) ngày 11-11-1960. Khi trời vừa sẫm tối, tổ của Nguyễn Thị Điểm (bí danh của Nguyễn Thanh Tùng lúc này) chỉ có 3 người (2 nam, 1 nữ) tiếp cận sát bót và dùng loa phóng thanh kêu gọi địch đầu hàng. Lúc đầu, địch còn giằng co. Tùng liền chạy đi huy động 20 thanh niên đến tiếp sức. Bị áp đảo, chúng phải đầu hàng và giao bót cho tổ của Tùng. Lần ấy, Tùng và đồng đội bắt sống 37 tên, có cả đồn phó và đồn trưởng, thu 25 súng, riêng Tùng được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Anh hùng giữa một gia đình anh hùng
Tôi đã không kìm nổi xúc động khi được nghe chuyện gia đình của má. Sáu anh trai của má hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Người mẹ bị giặc giết khi bé Tùng mới 4 tuổi, người cha vừa nuôi hai con nhỏ vừa hoạt động cách mạng, rồi bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Sợ bị lộ, cả hai anh em Tùng phải đổi sang họ mẹ... Cả hai cùng tham gia cách mạng và một thời gian sau, anh của Tùng hy sinh.
Một chiến sĩ biệt động thành dũng cảm, ngoan cường tên là Phạm Văn Tám đã mang tình yêu đến sưởi ấm cuộc đời Nguyễn Thanh Tùng. Tưởng rằng nguồn thương yêu ấy sẽ ngày càng lớn hơn khi họ sinh được hai cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng vì nhiệm vụ, vợ chồng “Sóc nhỏ” đành phải gửi con cho cơ sở nuôi để cùng vào trận chiến. Thế rồi, tại trận chiến ở cánh Nam Nhà Bè vào ngày 25-10-1967, người bạn đời của “Sóc nhỏ” đã dũng cảm hy sinh.
Nỗi đau của người vợ mất chồng cũng dần nguôi ngoai. Bao nhiêu thương yêu, “Sóc nhỏ” dồn hết cho hai con trai yêu quý. Được cơ sở cách mạng nuôi dưỡng, họ đã trở thành giao liên, trinh sát của Đội biệt động 59 thuộc lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Năm 1968, cơ sở bị lộ, một số anh chị em bị địch bắt, các anh lui về tuyến sau. Tháng 2-1975, hai đơn vị đặc công gồm Tiểu đoàn 316 và Tiểu đoàn 1 phối hợp chiến đấu tại trận cầu Rạch Chiếc. Và hai anh (ở hai tiểu đoàn) đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ...
Cùng lúc mất đi hai người con thân yêu, nỗi đau như cào xé tâm can của người mẹ. Má Tùng nhớ lại, từ khi hai anh vào đặc công cho đến ngày hy sinh, má không được gặp các anh thêm lần nào nữa, chỉ nhận được một lá thư của anh lớn gửi về, có câu: “Chúng con hẹn gặp lại má khi nước nhà thống nhất...”. Hơn 30 năm qua, má Tùng vẫn thuộc lòng từng dòng chữ trên trang thư ấy, như một động lực giúp má vượt qua bao khó khăn để sống đến hôm nay.
Với những công lao to lớn đó, má Mười Tùng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (năm 1978) và danh hiệu mẹ VN anh hùng (năm 1994).
Sống cùng đồng đội
Ngày hòa bình lập lại, má Mười Tùng sống một mình tại phường Nguyễn Thái Bình (quận 1-TPHCM). Mỗi khi trái gió, trở trời, những vết thương cũ lại tái phát. Bảy mảnh M79 trên đầu và một mảnh đạn ở đùi cứ hành hạ má. Vì thế mà cách đây 5 năm, bà Nguyễn Thị Trâm, một đồng đội cũ trong đội biệt động với má, đã đón má về ở cùng nhà để sớm tối có nhau, chia sẻ vui buồn lúc tuổi già.