Cần Giờ hướng tới một đô thị sinh thái

Khi có hệ thống giao thông thuận tiện, Cần Giờ sẽ thu hút các nhà đầu tư, tạo thuận lợi hơn nữa cho TP tập trung đầu tư giáo dục, văn hóa, y tế, cung cấp nước sạch..., nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân huyện đảo ngang bằng các quận – huyện khác của TP

Những chiếc phà của bến phà Bình Khánh (nằm giữa huyện Nhà Bè và Cần Giờ) vào những ngày cuối tuần nhộn nhịp đưa người, xe từ nội thành sang huyện biển duy nhất của TP. Giờ đây, đến nghỉ mát tại Cần Giờ đã thành thói quen của một bộ phận người dân TP và các vùng lân cận. Điều này đã góp phần biến ước mơ của người dân huyện đảo dần trở thành hiện thực: Khu du lịch sinh thái lý tưởng có một không hai ở phía Nam.

“Nói mấy chú khó tin, sau giải phóng, huyện duyên hải xơ xác, đời sống nhân dân khó khăn, đi lại khó khăn. Ngày nay, sau 30 năm nhập vào TP, Cần Giờ như được thay lớp áo khác, cuộc sống người dân dần ổn định, cầu, đường mọc lên nhiều khiến tâm trạng người dân phấn khởi lắm!”- ông Lý Thành Công, một người dân cố cựu ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, tự hào khi nói về quê hương của mình.

Đi lên từ vùng đất “chết”

Cần Giờ vốn là vùng đất căn cứ quân sự tiền tiêu của chế độ cũ. Chung quanh đồn bót là những vùng dân cư nghèo. Đã có hơn 2 triệu tấn bom đạn, hơn 4 triệu lít thuốc khai hoang đã biến rừng ngập mặn Cần Giờ thành bình địa, hệ sinh thái môi trường bị biến đổi nghiêm trọng. Ngày nay, Cần Giờ tự hào với sự thay da đổi thịt đang diễn ra trên mọi lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi sáp nhập vào TPHCM (28-2-1978).

Từ năm 1998, ở bốn xã phía Bắc của huyện bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm, đã mang lại hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời mở ra nhiều ngành nghề mới về thương mại – dịch vụ phục vụ nghề nuôi tôm. Việc khai thác bãi bồi ven sông, ven biển được khuyến khích, từ diện tích 130 ha (năm 1992), đến nay, đã có 3.000 ha nuôi nghêu, sò đạt sản lượng bình quân 20.000 tấn/năm. Vườn cây ăn trái gắn với du lịch phát triển nhà vườn được mở rộng ra các xã. Thương mại – dịch vụ du lịch sinh thái được Cần Giờ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, từ đó làm cho huyện không còn là vùng quê thuần nông mà đã có những hoạt động kinh tế sôi động. Khu du lịch 30-4, Vàm Sát, “vương quốc” khỉ... là những điểm du lịch chủ yếu thu hút du khách, bình quân mỗi năm đón tiếp 300.000 lượt khách... Điều người dân phấn khởi nhất là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư phát triển nhanh, hầu như ở khắp các xã... Đặc biệt, một sự kiện làm cả thế giới khâm phục và là tiền đề để Cần Giờ phát triển theo hướng du lịch sinh thái, đó là việc khôi phục lại rừng ngập mặn (hơn 30.000 ha rừng được trồng); năm 2000, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của VN.

Với tiềm năng của một huyện biển duy nhất của TPHCM – một huyện anh hùng trong kháng chiến và trong thời kỳ đổi mới, TP xác định: “Tập trung mọi nguồn lực phấn đấu từ nay đến 2015 xây dựng và phát triển toàn diện huyện Cần Giờ bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, vững mạnh để đến năm 2020 trở thành huyện giàu về kinh tế biển... xây dựng huyện Cần Giờ là điểm đến của mọi du khách”.

img
Cần Giờ níu kéo du khách bằng thế mạnh vốn có của mình là du lịch sinh thái Trong ảnh: Du khách vui chơi tại đảo khỉ

Để đánh thức các tiềm năng của Cần Giờ, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chỉ rõ: Huyện Cần Giờ phải nhanh chóng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt du lịch sinh thái. Trước hết, đột phá vào đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đẩy nhanh tiến độ hoàn thành con đường “xương sống” Rừng Sác (nâng cấp, mở rộng 6 làn xe, dài 31 km). Mặt khác, TP đang xúc tiến xây dựng cây cầu Bình Khánh kết nối TP với Cần Giờ và Đồng Nai. “Khi có hệ thống giao thông thuận tiện, Cần Giờ sẽ thu hút các nhà đầu tư, tạo thuận lợi hơn nữa cho TP tập trung đầu tư giáo dục, văn hóa, y tế, cung cấp nước sạch..., nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện đảo ngang bằng các quận – huyện khác của TP”- ông Lê Thanh Hải khẳng định.

Đổi đời từ dự án lấn biển

Về phần mình, Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Giờ không giấu tham vọng muốn Cần Giờ vươn lên thành một đô thị sinh thái của TP. Do phần lớn diện tích đất Cần Giờ thuộc khu dự trữ sinh quyển “bất khả xâm phạm”, nên huyện đã táo bạo... lấn biển, thực hiện dự án khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (Saigon Sunbay), với tổng diện tích 600 ha, vốn đầu tư 526 triệu USD, nhằm biến một bãi biển nhiều sình lầy, bùn đất đen thành một vịnh nhỏ trong xanh – vịnh mặt trời mọc.

Saigon Sunbay được biết đến là một giải pháp táo bạo: Biến vùng “biển đen” hiện hữu thành một vịnh sinh thái với một lượng cát trắng khổng lồ được mang từ các bãi biển xinh đẹp ở nơi khác về. Tại đây, sẽ mọc lên khu nghỉ dưỡng cao cấp, với những căn biệt thự, resort nghỉ dưỡng, sân thể thao, bãi tắm nhân tạo... đều hướng mặt ra biển. Ngoài ý nghĩa kinh tế, dự án còn mang ý nghĩa xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển huyện Cần Giờ. Saigon Sunbay, dự án lấn biển lớn nhất VN, như một liều thuốc tăng lực nhằm vực dậy một tiềm năng ngủ quên suốt thời gian dài.

Trong những ngày lưu lại huyện đảo, chúng tôi nghe người dân kể rằng nhiều “đại gia” trong ngành kinh doanh bất động sản đã bỏ ra hàng tỉ đồng tìm mua những lô đất đẹp có diện tích lớn từ 1 ha trở lên tại Cần Giờ để “chờ thời”. Hầu hết những lô đất nông nghiệp nằm bên bờ sông Lòng Tàu, xã Bình Khánh đã được giới đầu cơ mua hết với mục đích phát triển du lịch sông nước và rừng ngập mặn ở vùng đất cách nội thành TP khoảng 30 km này.

Đất Cần Giờ hiện đã có giá. Điều này đã làm giảm đi nỗi buồn của người dân Cần Giờ bấy lâu là địa phương có tuyến đường (Rừng Sác) được định giá thấp nhất, mỗi khi TP ban hành bảng giá đất hằng năm. Liên tiếp những thông tin về việc TPHCM sẽ quy hoạch và di dời các cảng của TP ra hướng Cần Giờ cũng như dự án lấn biển Cần Giờ và biến nơi đây thành một vùng phát triển du lịch đã lôi kéo nhiều nhà đầu tư địa ốc về hướng Đông.