Chạy nguội và chạy nóng

Đối với giới tài xế, nhất là dân chạy đường dài, Tiền Giang một thời được xem là “vùng đất dữ”, bởi nếu bị CSGT lập biên bản vi phạm thì vô phương cầu cứu. Song giờ đây, điều mà họ sợ nhất - giấy phép lái xe bị bấm lỗ - đã có một lực lượng đông đảo “cò” chuyên lo chạy gỡ.

Mới đây, trên chuyến xe tốc hành từ TPHCM về Cần Thơ, tình cờ chúng tôi nghe tài xế liên tục gọi điện thoại di động đến ai đó ở TP Mỹ Tho- Tiền Giang, nhờ chạy để giấy phép lái xe (GPLX) không bị bấm lỗ. Sau một hồi trao đổi, ông ta gút lại: “Tôi không quan tâm đến chuyện giá cả, miễn là chị bảo đảm GPLX còn nguyên vẹn. Ba chai (chai: triệu đồng - PV) hả? Được, cứ vậy đi!”.

Gặp D. “chân dài”

Tò mò, chúng tôi hỏi ông ta: “Ở Tiền Giang mà cũng chạy được à?”. Ông cười khẩy: “Chịu chi tiền, cỡ nào cũng lo được hết”. Chúng tôi liền bịa ra một chuyện để tìm cách khai thác: “Em có ông anh chạy xe tải, bị CSGT Tiền Giang lập biên bản vi phạm mấy ngày nay, song chịu chết không biết đường nào chạy. Anh có mối nào, làm ơn chỉ giùm...”. Ông ta tỏ ra dễ dãi: “Rồi, rồi, gặp đám chạy nguội đi. Này, tôi giới thiệu cho mấy ông mối uy tín, cứ đến khu vực trước Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Tiền Giang, gặp D. “chân dài” là xong ngay. Cô này được lòng mấy sếp CSGT lắm”. Như để thuyết phục, ông ta cho chúng tôi số điện thoại di động của D. rồi nói thêm: “Yên tâm đi, ở Tiền Giang, “cò” làm ăn đâu ra đó, hễ được là họ nhận tiền, không thì thôi”.

Từ Cần Thơ về, chúng tôi đến TP Mỹ Tho tìm gặp D. “chân dài”. Theo chỉ dẫn của tay tài xế, chúng tôi đến một quán giải khát nằm trên đường Lộ Ma, đối diện Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Tiền Giang, rồi bấm điện thoại liên lạc với D. Một giọng nữ ngọt ngào: “Dạ, em D. nghe đây. Em đang ở nhà, mấy anh ở đâu? Đến trước phòng rồi hả? Mấy anh tìm quán nào có chữ D. viết nho nhỏ ở góc trái trên bảng hiệu, ngồi chờ em chút nhé...”.

Chúng tôi tìm thấy ngay quán có chữ D. trên bảng hiệu và yên tâm bước vào. Chỉ ít phút sau, một phụ nữ xinh đẹp chừng 30 tuổi, cao khoảng 1,7 m, da trắng mịn xuất hiện. Nhận ra chúng tôi, cô ta cười tươi như hoa, bước đến chào. Ngắm nhìn kỹ cô ta, chúng tôi thừa nhận những gì mà tay tài xế giới thiệu chắc không quá lời. D. “chân dài” khoe mối ruột của cô ta là “anh Tư” và “anh Năm” ở Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Tiền Giang. “Anh Tư dễ mến, dễ làm việc hơn. Ngày nào anh Tư, anh Năm không trực, em nhờ mấy anh bên tỉnh viết thư hoặc điện đến người trực chỉ huy hôm đó là giải quyết được hết”- D. quả quyết.

img
Dãy phố trước trụ sở Phòng CSGT Đường bộ Công an Tiền Giang, nơi đặt đại bản doanh của các “cò” bấm lỗ. Ảnh: H.H-M.T

Trong tỉnh 2,5 chai, ngoài tỉnh 3 chai

Nghe chúng tôi trình bày việc muốn chạy GPLX khỏi bị bấm lỗ, D. nói ngay: “Xe trong tỉnh 2,5 chai, xe ngoài tỉnh 3 chai, không tính tiền phạt lỗi vi phạm”. Chúng tôi than thở nhà nghèo, con đông và xin giảm bớt chút ít. D. “chân dài” lạnh lùng: “Đây là giá làm quen thôi, sau này nếu các anh dính thì em phải lấy hơn từ nửa chai đến 1 chai đó”. Chúng tôi bảo, trong lúc chờ cô ta, có một “cò” đến bắt mối và ra giá chỉ 2 chai. D. nhướng mày, hỏi: “Người mà mấy anh nói chắc là Đ. rồi. Tay này chỉ quen có một người trong phòng, nhưng không phải cấp chỉ huy, không có người quen bên tỉnh. Mấy anh làm ăn với tay này coi chừng tiền mất tật mang đó”.

Thấy chúng tôi vẫn chưa chịu, D. thuyết phục: “Giá mấy anh đòi hỏi chỉ khi nào rơi vào trường hợp chạy nóng thôi, mỗi GPLX khoảng 1,2 đến 1,5 chai”. Chúng tôi thắc mắc về chuyện chạy nóng, chạy nguội, D. “chân dài” cười to, giải thích: “Chạy nóng là chạy gỡ ngay tại chỗ, không để lập biên bản vi phạm chuyển về phòng. Còn chạy nguội thì ngược lại, chạy gỡ khi đã bị lập biên bản vi phạm”. Rồi D. khuyên chúng tôi: “Nếu sau này đến Tiền Giang, mấy anh bị CSGT chặn xe và biết chắc lỗi đó sẽ bị bấm lỗ thì gọi điện ngay cho em đến lấy. Trong thời gian chờ đợi, mấy anh phải tìm cách câu giờ và không nên xuất trình giấy tờ...”.

Lỗ thứ ba: 7 chai!

Hôm sau, chúng tôi mang đến cho D. xem một GPLX đã bị bấm lỗ 2 lần, nhờ cô ta tìm cách chạy để không bị bấm lỗ lần nữa. “Em lo được, nhưng phải chung đủ 7 chai. Mấy anh chịu thì đưa trước 4 chai, còn lại thanh toán sau”. Chúng tôi vờ giãy nảy: “Sao hôm qua nói có 3 chai?”. Dung điềm nhiên: “3 chai là GPLX của anh chưa bị bấm lỗ nào, còn cái này đã 2 lỗ rồi. Tùy mấy anh thôi, không chịu chung thì coi như mất GPLX”.

Viện giá quá cao, chúng tôi tạm biệt người đẹp để tìm “cò” khác. Theo giới thiệu của giới xe ôm Mỹ Tho, chúng tôi tìm đến người có biệt danh Y. “lé” và một đàn em của anh ta. Hai tay này lúc nào cũng ngồi bên bàn bán bảo hiểm đối diện với Phòng CSGT Đường bộ, cách quán “cò” D. vài bước chân.

Khắc tinh của “cò” bấm lỗ

Giới “cò” bấm lỗ ở Tiền Giang thừa nhận “anh Hai” là khắc tinh của họ. Không ít lần việc họ bị bể vì “anh Hai” kiểm tra đột xuất. Anh Hai ở đây là thượng tá Lê Văn Xây, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Tiền Giang, người kiên quyết tẩy chay, không thiết lập quan hệ với “cò” bấm lỗ. D. “chân dài” kể: “Hôm đó ôm 6 biên bản, em gọi điện thoại nhờ người trong phòng lo giúp, tưởng chắc ăn. Nào ngờ, anh Hai đột ngột ra tận Trạm 21 ôm hết hồ sơ đem về phòng xử lý. Tất cả GPLX hôm đó đều bị bấm lỗ. Em mất tiêu 20 chai”.