Đánh cá kiểu... rái
Vị trí ngư phủ số 1 trên những chiếc tàu lưới rút, chuyên đánh cá cơm để làm nước mắm ở vùng biển Kiên Giang là người chèo dọc. Người này chuyên trèo lên chiếc cột cao trước mũi tàu để nhận ra sự thay đổi màu sắc trên mặt biển mà phát hiện nơi đang có đàn cá. Vị trí này trên một số tàu đánh bắt hải sản xa bờ tại làng chài Long Hải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là của lái lặn: người chuyên lặn xuống nước nghe tiếng cá kêu để quyết định thả lưới.
Lặn truyền đờiHai giờ đêm, tôi leo lên chiếc sổng (cách ngư dân gọi loại tàu đánh cá dài khoảng 10 m, có thành be rộng hơn tàu thông thường) của gia đình anh Tư Hiệp ở làng chài Long Hải ra khơi. Trên sổng có 6 bạn chài, một tài công và một lái lặn tên Long Hồ, 29 tuổi, con trai thứ của anh Tư Hiệp. Nhìn Long Hồ điều hành công việc thuần thục, tôi chợt nhớ tới câu chuyện mà Tư Hiệp kể cho nghe trên lầu khách Dinh Cô hôm trước: Trong năm đứa con của anh, có một đứa mang bản năng biển trong máu, bỏ học từ năm lớp 3 để đi theo nối nghiệp cha làm nghề lái lặn.
Tư Hiệp kể, năm 12 tuổi anh bắt đầu làm quen với biển cả. Thấy anh có sức khoẻ, lại chăm chỉ và chịu được giá lạnh, ông Hai Sửu, người có biệt tài nghe tiếng cá kêu giỏi nhất lúc bấy giờ, nhận anh làm đệ tử. Từ đấy, mỗi lần thầy nhảy xuống biển săn cá là đệ tử nhảy theo để học, thầy lặn đệ tử cũng lặn, thầy lắng tai nghe đệ tử cũng lắng nghe nhằm tập định vị hướng di chuyển và phân biệt tiếng kêu của các loài cá... Đến khi ông thầy Hai Sửu sức yếu phải nghỉ hưởng nhàn, cũng là lúc Tư Hiệp đủ kinh nghiệm để dẫn bạn chài ra khơi kiếm sống. Tuy đã thạo nghề, lại dự đoán được thời tiết qua “tiếng nổ” của nước, nhưng không có tiền sắm sổng nên lúc đầu Tư Hiệp phải lặn ăn chia với các sổng khác. Tới nay, đã quá hai phần ba đời người, Tư Hiệp mới sắm được một cặp sổng nhưng sức khoẻ lại không cho phép anh mạo hiểm với biển khơi đầy bất trắc. Anh an ủi mình bằng câu triết lý: “Đời lái lặn khác nào bọt biển, không dừng lại đúng lúc sẽ bị sóng đánh tan lúc nào chẳng hay”. Đó cũng là lý do khiến Tư Hiệp nảy ý định sau khi “gác kiếm đâm hà bá”, anh sẽ viết hồi ký về cuộc đời lái lặn với biết bao gian nan và kinh nghiệm thương đau.
Nghe tiếng cá
Dòng hồi tưởng về Tư Hiệp bị cắt ngang khi chàng lái lặn Long Hồ, cất tiếng sang sảng ra lệnh tài công tắt máy để bắt đầu cuộc săn tìm. Lúc này sổng đã chạy cách bờ biển Long Hải khoảng 10 km. Trời sáng rõ, ngoái đầu nhìn lại dãy núi Kỳ Vân chỉ còn là chấm nhỏ nhấp nhô trên ngọn sóng bạc đầu. Long Hồ ở trần, mặc độc chiếc quần xà lỏn để lộ thân hình vạm vỡ, từ trên mũi sổng nhảy cắm xuống biển như con rái cá tìm mồi. Vài giây sau Long Hồ trồi lên cách mặt nước khoảng hai gang tay trong tư thế nằm sấp, đầu nghiêng sang một bên, toàn thân căng ra tập trung lắng nghe cao độ. Cứ một phút, Long Hồ lại ngoi lên khỏi mặt nước để hớp một hơi dài lấy sức, rồi tiếp tục ngụp trở lại tư thế ban đầu. Nửa tiếng sau Long Hồ gục gặc đầu, ra hiệu và đu lên thành sổng cho tài công chạy về hướng tây nam. Được chừng một cây số tài công tắt máy, Long Hồ tiếp tục ngụp xuống nghe ngóng. Khu vực này dòng chảy khá mạnh, các bạn chài phải quăng xuống biển cho Long Hồ sợi dây thừng để bám vào khỏi bị nước cuốn trôi. Cuộc săn tìm diễn ra lặng lẽ, đến lúc đôi tay Long Hồ đan chéo vào nhau ra hiệu xác định được bầy cá, thì tài công cho sổng chạy vòng quanh để bạn chài buông lưới. Chúng tôi đếm có khoảng 40 tay lưới, mỗi tay dài 20 sải, được thả xuống chung quanh người lái lặn. Trong 40 tay lưới có 20 tay lưới của chủ sổng và lái lặn, số còn lại của sáu người bạn chài. Các tay lưới được kết nối theo thứ tự đan xen từng người một, chủ - thợ công bằng để “có phúc cùng chia...”. Sau khi lưới được thả hoàn chỉnh, Long Hồ leo lên sổng nghỉ ngơi, tạm kết thúc hơn 3 tiếng đồng hồ liên tục ngâm mình dưới nước.
Long Hồ cho biết, trung bình mỗi chuyến ra khơi cậu phải ngâm mình 8 tiếng như vậy, có hôm lâu hơn vì tìm mãi không ra đàn cá. Chúng tôi hỏi Long Hồ tại sao phải di chuyển liên tục như vậy, Long Hồ nói nghe tiếng cá kêu hướng nào lái lặn phải di chuyển về hướng đó, đến khi tiếng kêu nằm ở dưới bụng mình thì mới dừng lại cho bạn chài buông lưới. Tuy mới vào nghề được vài năm nhưng Long Hồ đã tỏ ra là tay lái lặn tài giỏi, không những biết định vị chính xác hướng cá mà còn phân biệt được giọng điệu “tóc tóc” hoặc “bụp bụp” của từng loài cá ngao, cá đổ dạ, cá sóc đỏ v.v... Long Hồ nói, trong lòng biển mênh mông có đủ các tạp âm ồn ào như một cái chợ. Qua đó, người lái lặn phải căng hết các giác quan để phân biệt “chợ cá” nằm ở hướng nào, ở đấy có những loại cá gì và số lượng ước khoảng bao nhiêu... để quyết định cho bạn chài buông lưới. Có lẽ nhờ tài phán đoán của Long Hồ nên mẻ lưới tôi vừa chứng kiến rất thành công, các tay lưới kéo lên đều dính cá sóc đỏ và cá đổ dạ, tổng cộng được khoảng hơn 300 kg. Cánh bạn chài thổ lộ, đây là những loại cá xuất khẩu có giá trị cao, đầu nậu thu vào từ 15 đến 24 ngàn đồng một ký, tuỳ theo lớn hay nhỏ.
Bọt biển còn chưa tan…
Kể về một chuyến lưới lặn chỉ gói gọn có vậy, nhưng kể cho hết những gian nan và bèo bọt của đời lái lặn thì không biết bao nhiêu cho vừa. Nào là sóng gió, mưa nắng, giá lạnh, chuột rút, sứa độc... Thời vàng son của nghề lưới lặn đã qua, những người được xem là cựu trào lái lặn ở Long Hải hiện còn rất ít, phần lớn đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”. Những người làm lái lặn ở làng chài Long Hải từ thế kỷ trước như như ông Năm Đặng, ông Hai Sửu, ông Hai Hành, ông Bảy Đá... cũng không biết nghề lái lặn có từ bao giờ bởi lớn lên họ đã thấy cha, ông sống bằng nghề này. Một vài người trong số họ “nhớ láng máng” hình như nghề lái lặn cũng có ngày giỗ tổ, vào tháng giêng âm lịch hàng năm thì phải. Có người cho rằng nghề lái lặn khởi đầu từ làng chài Phước Hải hơn trăm năm trước, nhưng cũng có người quả quyết nghề lái lặn ở Long Hải và Phước Hải có cùng một thời kỳ với nhau. Song, hầu như tất cả đều chung một nhận định, rằng tiền thân của nghề lái lặn có khả năng bắt nguồn từ nghề lưới rùng mà ra. Chẳng là, lần nào ra nắm đầu phao mà ngư dân lưới rùng nghe có âm thanh khác lạ từ dưới biển phát lên, y như mẻ đó cá nhiều vô kể. Từ đấy những người dân chài lão luyện đã áp dụng kinh nghiệm “nghe tiếng cá kêu” để định vị và phân biệt loại cá trước khi quyết định đánh bắt.
Ông Năm Mên, năm nay 65 tuổi, phó ban tài chính Ban trị sự di tích Dinh Cô, là một lái lặn đã nghỉ… mất sức vài năm nay, cho rằng bây giờ biển không còn hào phóng như xưa, nó bắt đầu trả thù sự khai thác quá mức của con người nên không thèm cho nhiều cá nữa. Nghề lái lặn ở Long Hải rồi cũng theo đó mai một dần. Ngày xưa, một chuyến đi biển có thể kiếm được cả tấn cá. Còn bây giờ, có những chuyến cả ngày lênh đênh trên biển chỉ kiếm được lèo tèo vài chục ký. Đã vậy, vào mùa biển động, nghề lưới lặn phải dời sổng qua tận vùng biển Cà Mau, Kiên Giang đánh mới có ăn. Vì thế, bên cạnh một số lái lặn về già lấy việc trông coi hương khói ở những nơi thờ tự làm thú thanh nhàn, nhiều lái lặn khác cũng “giải nghệ” giúp con cháu chuyển qua sắm máy tầm ngư, định vị… Cho nên người theo nghề lái lặn kiểu “cha truyền con nối” như gia đình anh Tư Hiệp không nhiều, bởi chính lớp trẻ cũng không mặn mòi với công việc suốt ngày ngâm mình trong nước đến tím tái, nhợt nhạt như người chết trôi. Trong số gần 300 phương tiện đánh bắt hải sản của Long Hải hiện nay chỉ còn 40 phương tiện “thuỷ chung” với nghề lưới lặn, với khoảng 25 lái lặn chuyên nghiệp. Thêm một nghịch lý ở xứ biển này, đánh cá là một thế mạnh nhưng ít lái lặn nào giàu lên, bởi hễ được mùa thì lại mất giá. Tuy nhiên, anh Tư Hiệp nhận xét, so với loại hình đánh bắt xa bờ bằng máy định vị và máy tầm ngư, nghề lưới lặn có khả năng “xoá đói giảm nghèo” vì vốn đầu tư thấp, hoạt động được cả những vùng nước đục nhờ thính giác đặc biệt của người lái lặn...