Đạp gió cưỡi mây

Chuyện về những người đàn ông có thể bay lượn trên bầu trời không phải lúc nào cũng thơ mộng và lãng mạn. Để bay lên được, họ đã phải khổ luyện đổ nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu

Họ đã làm quen với độ cao và không gian bao la của bầu trời từ lâu, song chỉ khi đến với môn thể thao dù bay (paramotor), không trung mới thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai và một phần cuộc sống của họ. Ở VN, nhóm sĩ quan kiêm VĐV Đội Dù bay thể thao thuộc Trung tâm Huấn luyện Tìm kiếm cứu nạn đường không là những người đầu tiên khai phá môn thể thao này.

Chuyến bay đầu tiên của họ đã từng làm cả Đông Nam Á phải ngỡ ngàng: Màn trình diễn dù bay đẹp như mơ trong lễ khai mạc SEA Games 22, tổ chức năm 2003 tại VN.


Nghề chơi cũng lắm công phu


Sân bay Gia Lâm - Hà Nội vào mỗi sáng cuối tuần luôn có sự xuất hiện của những người đàn ông vạm vỡ, ăn vận như phi công. Họ có mặt ở sân bay này 2 buổi/tuần để tập bay và biểu diễn những màn nhào lộn trên không. Lọt được vào sân chơi này và chứng kiến họ bay không hề dễ dàng, vì khu vực dành cho những “kỵ sĩ” trên không là khu quân sự.


Nhắc đến những người thường xuyên làm bạn với bầu trời này không thể không nói đến “đồ chơi” của họ. Đó là những thiết bị trông khá kỳ lạ với thiết kế cánh quạt và công suất động cơ lên tới 175 cc chạy bằng xăng pha nhớt - những cỗ máy có tác dụng giống như cánh quạt máy bay.

Trung tá Vũ Văn Sâm, chỉ huy trưởng kiêm HLV và VĐV của Đội Dù bay thể thao, bảo: “Tưởng bay là đơn giản và nhẹ nhàng nhưng đâu phải vậy. Đồ đạc của anh em lỉnh kỉnh và phức tạp lắm. Đã bay lên là cũng phải có liên lạc bộ đàm vô tuyến điện với mặt đất, có cả một tiểu đội lo hậu cần, kiểm tra từng sợi dây dù. Riêng những động cơ cánh quạt phục vụ việc tạo lực đẩy khi bay luôn được chăm sóc rất chu đáo, cẩn thận, vì đó là những thiết bị quyết định an toàn cho người bay”.

img
Lấy đà...


Anh Phạm Hữu Chiến, người được ví như “bác sĩ” của món “đồ chơi” lạ mắt này, cho biết: “Trước khi bay, chúng tôi phải thử nghiệm nhiều lần để bảo đảm máy móc phải ngon lành. Vì là trang thiết bị đường không nên mọi thứ phải được bảo đảm an toàn gần như tuyệt đối”.

Mỗi VĐV dù bay sẽ khoác lên sau lưng mình bộ động cơ cánh quạt này, nhấn ga rồi chạy đà trước khi cánh dù nhấc bổng họ lên. Quy trình chỉ có như vậy nhưng bay lên được là cả một kỳ công, đòi hỏi sự kiên trì và lòng dũng cảm của người chơi.


Câu chuyện về môn dù bay bắt đầu từ SEA Games 22. Khi ấy, ban tổ chức quyết định sẽ tạo ấn tượng mạnh bằng màn biểu diễn dù bay với quốc kỳ các nước và cờ đại hội. Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội được giao nhiệm vụ liên kết cùng Trung tâm Huấn luyện Tìm kiếm cứu nạn đường không để đào tạo những VĐV có thể bay từ mặt đất lên trời trong thời gian ngắn nhất.

Ông Phúc Anh, phụ trách môn dù bay Sở Văn hóa - Thể thao  và Du lịch Hà Nội, kể: “Lúc ấy chúng tôi bắt đầu mời chuyên gia sang tận trung tâm để huấn luyện. Quân chủng Phòng không - Không quân không thiếu những người nhảy dù được, song để chọn ra được những người gánh vác trọng trách lớn là biểu diễn thành công trong lễ khai mạc SEA Games 22 thì không đơn giản”.

Nhưng rồi chỉ sau hai tháng, dưới sự huấn luyện của các chuyên gia Tây Ban Nha, những người lính vốn chỉ quen nhảy dù từ máy bay xuống đất đã thuần thục các kỹ năng bay từ mặt đất lên không trung – điều hoàn toàn mới và chưa từng biết đến ở VN trước đó.


Hoạt động của đội dù bay sau màn trình diễn thăng hoa tại SEA Games 22 bị gián đoạn gần 3 năm. Mãi đến năm 2006, Hà Nội mới quyết định khôi phục lại đội “kỵ sĩ” bầu trời này. Dù bay trở thành một trong những đội tuyển đặc biệt nhất của Hà Nội vì tất cả thành viên đều là sĩ quan quân đội. Nhìn vào giá tiền của những bộ “đồ chơi” giúp bay lên, cả chục ngàn euro/bộ, có thể thấy Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội phải rất “chịu chơi” mới dám đầu tư môn thể thao biểu diễn này.


Sinh ra để bay


Với những “kỵ sĩ” của bầu trời, được bay trên không trung đã trở thành một niềm đam mê bất tận. Hiện có 12 sĩ quan thuộc Trung tâm Huấn luyện Tìm kiếm cứu nạn đường không đã được đào tạo để chơi dù bay. Nhìn các anh lướt cùng những cơn gió, chúng tôi cảm thấy thèm thuồng nhưng để có thể làm chủ độ cao và không gian bao la của bầu trời, họ phải trải qua quá trình khổ luyện gian nan, thậm chí từng gặp những sự cố bất ngờ.

Mỗi người mang bộ motor cánh quạt nặng tới hơn 40 kg, chưa kể trọng lượng dù. Muốn bay lên, họ phải cõng cả bộ đồ nghề được ví như mai rùa này trên lưng và chạy một quãng đường dài vài chục mét. Trung tá Vũ Văn Sâm  thừa nhận: “Môn này khó hơn nhảy dù từ máy bay nhiều. Những người chơi được ít ra phải biết nhảy dù thành thục và có kỹ thuật cơ bản thật tốt”.

img
... và bay bổng trên không trung


Có chứng kiến một buổi “cất cánh” của đội dù bay mới thấy chuyện bay lên được thật sự gian nan. Có lần cả đội đã chuẩn bị sẵn sàng rồi thì trời mưa, phải thu dọn đồ nghề đi về. Thiếu úy Phạm Thế Mạnh bình thường bay lên nhẹ nhàng là thế mà gặp buổi thời tiết thế này cũng phải lắc đầu, lè lưỡi: “Một buổi bay có thể đổ vỡ vì rất nhiều lý do khác nhau. Ngoài chuyện mưa, nếu sức gió trên 9 m/giây là cũng không bay nổi. Ngược lại, hôm nào lặng gió thì bay cũng rất vất vả vì phải chạy đà thật dài”.


Môn dù bay không dành cho những người yếu tim và thiếu ý chí. Trung tá Sâm với hơn 20 năm kinh nghiệm nhảy dù là người bay nhiều nhất trong đội nhưng có lúc cũng gặp sự cố. “Ở trên không có rất nhiều tình huống khó lường mà nếu không có kinh nghiệm thì rất nguy hiểm. Chẳng hạn dù cũ quá có thể rách đôi, động cơ cũng có thể ngừng hoạt động đột ngột.

Lúc ấy, anh em phải rất tỉnh táo để xử lý. Trên cao có những luồng không khí xoáy làm cho đường bay cũng gồ ghề và rất xóc”- trung tá Sâm mô tả. Trong quá trình hoạt động của đội dù bay, tai nạn hay sự cố đáng tiếc chưa xảy ra nhưng chuyện ngã khi cất cánh, tiếp đất làm anh em đổ máu diễn ra như cơm bữa.

Sự cố gãy cánh quạt cũng không phải hiếm gặp. Để thay cánh quạt mới lại mất 4 triệu - 5 triệu đồng, nhiều khi các anh phải tự bỏ tiền túi ra. “Biết làm sao được, chúng tôi sinh ra là để bay mà. Vả lại, ai cũng trót mê cái nghề này mất rồi”- thiếu úy Mạnh tâm sự.


Trọng trách và tự hào


Những “kỵ sĩ” của đội dù bay hiện đang gấp rút luyện tập để chuẩn bị cho những sự kiện trọng đại mang tầm quốc gia sắp tới. Trước mắt sẽ là màn biểu diễn tại lễ khai mạc Indoor Games 3 vào ngày 30-10. Sau đó tròn một năm sẽ là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội... Với những người cưỡi mây đạp gió này, trọng trách luôn đi kèm niềm tự hào lớn lao.

Cứ nghĩ đến vinh dự bay trên không trung trong những sự kiện trọng đại của đất nước, các thành viên trong đội đều quên hết mệt nhọc khi luyện tập. Anh Đặng Thành Chung, người đã trải nghiệm cảm xúc khi được bay cùng cờ Tổ quốc ở SEA Games 22, vẫn còn bồi hồi mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc được lướt trên không gian sân vận động Mỹ Đình năm nào: “Lúc ấy tự hào quá, vừa bay tôi vừa khóc!”. Anh Chung luôn coi đó là kỷ niệm đẹp nhất đời mình.


Năm 2003, các sĩ quan nhảy dù được tham dự khóa huấn luyện môn dù bay do chuyên gia Tây Ban Nha giảng dạy để chuẩn bị biểu diễn tại SEA Games 22. Trước khóa học, HLV nước ngoài cũng không nghĩ những VĐV VN mới chỉ làm quen nhảy dù được 2 tháng sẽ đảm nhận nổi công việc được giao.

Nhưng cuối cùng có 7 người hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo và ban tổ chức chỉ phải mượn 5 VĐV nước ngoài để mang lại màn biểu diễn khiến người chứng kiến lễ khai mạc SEA Games năm ấy hết sức thích thú lẫn kinh ngạc.


Phải thực sự có thần kinh thép và có sức khỏe mới có thể tham gia môn dù bay, song tất cả những ai đã được tận hưởng cảm giác bay bổng đều bảo không thể diễn tả nổi cảm giác sung sướng khi bay lên. Nó giống như được sống trong một thế giới khác. Mỗi buổi tập, những “kỵ sĩ” bầu trời được lướt cùng gió, đùa giỡn với mây và họ còn có thể thu vào tầm mắt vẻ đẹp đất nước thân yêu. Niềm hạnh phúc ấy đã bù đắp cho họ tất cả những khổ nhọc khi luyện tập.

Cánh cửa bầu trời sắp mở

Hiện những người không thuộc biên chế của lực lượng sĩ quan nhảy dù (Binh chủng Phòng không - Không quân) đều chưa thể có cơ hội tham gia môn thể thao dù bay. Tuy nhiên, cánh cửa bầu trời sẽ sớm mở ra với những ai vẫn hằng ước mơ được bay và làm chủ không gian. Ông Phúc Anh, trưởng bộ môn dù bay Sở Văn hóa –Thể thao và Du lịch Hà Nội, cho biết: “Sắp tới sở sẽ kết hợp cùng Trung tâm Huấn luyện Tìm kiếm cứu nạn đường không để mở những lớp đào tạo môn dù bay”.

Ở một số nước phát triển, những đại hội paralanding (dù lượn, dù trên biển, trên núi và nhảy dù từ những tòa nhà cao tầng) và  paramotor (dù bay thể thao) đã được tổ chức thành những sự kiện lớn. Với tiềm năng không gian cũng như con người của VN, viễn cảnh đó chắc chắn không quá xa vời.