Ghép đời cho nhau

Cha mẹ không thể sống đời để nuôi con, rất nhiều nạn nhân chất độc da cam mồ côi đang sống trong nhà mở, mái ấm hoặc bơ vơ ngoài xã hội. Tuy nhiên, cũng có những người tật nguyền bất hạnh nhưng may mắn vì được người thân của mình nâng niu chăm sóc, yêu thương

Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà thăm Nguyễn Ngọc Thơ, một nạn nhân chất độc da cam phải sống đời sống thực vật tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi – TPHCM, chị Phạm Thị Loan, cán bộ chuyên trách về nạn nhân chất độc da cam của Hội Chữ thập đỏ huyện Củ Chi, xúc động kể: “Mới đây, Ngọc Thơ được anh trai là Ngọc Thanh bồng đi nhận quà của các mạnh thường quân. Lần đầu nhìn thấy anh em Ngọc Thanh - Ngọc Thơ, ai cũng rớt nước mắt. Thơ nằm bất động, nuốt từng thìa nước anh bón. Thanh vừa lau mồ hôi vừa sửa lại quần áo cho em và luôn miệng xuýt xoa: “Mệt không bé, ráng chịu cực chút xíu nghe em” dù biết Thơ không bao giờ trả lời được...

img
Nguyễn Ngọc Thanh dành tất cả tình thương để bù đắp cho em gái bị ảnh hưởng chất độc da cam


Hy sinh hạnh phúc riêng


Căn nhà ngói ba gian của gia đình Thơ tuy cũ kỹ, xuống cấp nhưng rất sạch sẽ. Bà Võ Thị Bé Chín, mẹ Thơ, giải thích: “Chị của Thơ sợ em bệnh nên ngày nào cũng quét dọn nhà cửa, vệ sinh cho Thơ cũng như chỗ nằm. Sáng nào, nó cũng dậy thật sớm lau chùi, quét dọn, nấu xúp cho em rồi mới đi làm. Thằng Thanh thì phụ tôi đẩy xe ra chợ, đi lấy hàng, xong về cho em ăn uống rồi cũng đi làm. Tối mịt nó mới về, lại phụ mẹ chăm sóc em”. Bà Chín cho biết bà không thể xoay xở nếu không có anh chị của Thơ.


Thấy chúng tôi đến, Thanh nhìn em gái chảy nước mắt, bộc bạch: “Cùng một mẹ, một cha nên nếu không phải Thơ nằm đó thì cũng có thể là chị hai hoặc em. Chắc bé Thơ đã gánh bất hạnh cho tụi em”. Có lẽ vì vậy nên đứa em tật nguyền không bị hắt hủi mà được nâng niu như vàng ngọc, có gì ngon anh chị cũng dành cho Thơ. “Nhìn thấy anh chị em nó thương nhau vậy, tôi cũng mừng. Nếu không may tôi gặp chuyện gì thì cũng yên tâm, vì bé Thơ còn anh chị để nương thân” - bà Chín nghẹn ngào. Cũng vì thương em, đến tuổi tìm hạnh phúc riêng nhưng anh chị Thơ vẫn chưa lập gia đình để phụ mẹ chăm lo cho em.


Hôm chúng tôi đến, chị của Thơ đã đi làm. Một người dì của Thơ kể: “Chị Thơ đẹp lắm, được nhiều người theo đuổi. Cũng có người nó thương nhưng khi người ta tính tới hôn nhân thì nó từ chối. Nhà thiếu trước hụt sau, nó lấy chồng nữa rồi bé Thơ ai lo? Vậy là chia tay. Sợ mẹ buồn, nó qua nhà tôi khóc một đêm rồi về”.


Mười năm thay mẹ nuôi anh


Cách nhà Thơ không xa là nhà anh Thái Minh Mẫn, 38 tuổi, một nạn nhân chất độc da cam khác cũng ở huyện Củ Chi, xã Tân Phú Trung. Không khó để chúng tôi tìm được nhà anh Mẫn, song để tìm được người biết tần tảo, hy sinh cho người thân như chị Thái Thị Tuyết Nhung, em gái Mẫn, quả thật không dễ.


Chị Nhung là con út trong gia đình có 11 người con. Mười năm trước, cha mẹ Nhung lần lượt qua đời, các anh chị khác đều có gia đình ở riêng nên một mình chị phải nuôi hai người anh tật nguyền - ngoài Mẫn còn có anh Thái Quang Minh, 40 tuổi. Thương hai em vất vả, anh Minh dù bàn tay thiếu ngón và cụt một chân cũng phải cố gắng đi làm. Còn anh Mẫn bị teo chi, chân tay co rút nằm liệt một chỗ nên từ chuyện ăn uống đến vệ sinh thân thể đều một tay chị Nhung chăm sóc.

img
Cuối tuần là ngày vui nhất với anh Thái Minh Mẫn vì có em gái Thái Thị Tuyết Nhung ở nhà để trò chuyện

Nhung cho biết nhiều hôm chị phải nhịn đói đi làm sớm nhưng việc chuẩn bị bữa sáng cho hai anh chưa bao giờ chị sao nhãng. Chị Nhung tâm sự: “Trước hết phải ăn uống đầy đủ, sau đó nhà cửa phải vệ sinh sạch sẽ, nếu không các anh dễ bệnh lắm vì người đã yếu sẵn rồi”. Như một người mẹ chăm con nhỏ, chị quan sát đến từng biểu hiện nhỏ nhất của hai anh, nhất là Mẫn: “Anh Mẫn không nhận biết bệnh nên tôi phải chú ý để biết và cho uống thuốc.

Bữa nào tôi thấy Mẫn buồn buồn hay bỏ ăn là biết anh bệnh rồi”. Thấy Nhung vất vả quá, nhiều người khuyên chị nên gửi anh Mẫn vào những nhà mở nuôi dưỡng người khuyết tật nhưng chị không đồng ý. “Mỗi khi nghe loáng thoáng ai nhắc đến chuyện đó, anh Mẫn buồn thiu, bỏ ăn, hỏi gì cũng không nói rồi bệnh luôn, tôi phải dỗ hoài. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện gửi anh đi đâu. Nghèo khó, vất vả cỡ nào tôi cũng phải nuôi anh” - chị Nhung quả quyết.


Đi làm từ sáng sớm, cả ngày vất vả ở xí nghiệp, tối mịt Nhung mới về đến nhà chăm sóc hai anh. “Tôi định sắp tới nghỉ việc xí nghiệp, theo chị gái ra chợ bán một buổi, còn một buổi về lo cho hai anh” - chị Nhung tính toán. Dự tính nào của chị cũng vì các anh, chẳng có gì cho một tổ ấm riêng mình dù bạn bè cùng trang lứa đều đã con bồng con bế. “Thì mình cũng có hai “con” đấy chứ” - chị đùa với chúng tôi mà nước mắt rân rấn. “Tôi may mắn được lành lặn nên sẽ ở vậy nuôi các anh đến khi nào không nuôi nổi nữa thì thôi” - chị Nhung nói. 


Cha mẹ không thể sống đời để nuôi con, rất nhiều nạn nhân chất độc da cam mồ côi đang sống trong nhà mở, mái ấm hoặc bơ vơ ngoài xã hội. Có thể nói những người như bé Thơ hay anh Mẫn trong nỗi bất hạnh tật nguyền còn có cả sự may mắn vì được chính những người thân của mình nâng niu, chăm sóc, yêu thương.

 

Kỳ tới: Thạc sĩ da cam