Ngược Thu Bồn, thăm “miệt vườn Nam Bộ”
Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam, các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh đã lập một lộ trình “rước” khách về vùng thượng nguồn Thu Bồn thăm thú cảnh sơn thủy hữu tình
Nếu đi thuyền máy, sẽ có dịp ghé làng Đại Bình quanh năm sum sê cây trái, lên thăm Hòn Kẽm - Đá Dừng hùng vĩ... Hoặc đi bằng đường bộ lên Trung Phước - Nông Sơn, nghỉ ngơi ở đèo Le, suối Nước Mát thưởng thức gà ta ngon nức tiếng...
“Miệt vườn Nam Bộ” giữa miền sơn cước
Đại Bình (còn gọi là Đại Bường), nằm phía tả ngạn của Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Vùng đất được mệnh danh là “miệt vườn Nam Bộ” giữa miền Trung này sẽ làm du khách hài lòng. Đường làng Đại Bình vô cùng sạch sẽ, nhà nào cũng có hàng rào chè tàu xanh, được cắt tỉa cẩn thận điểm tô.
Vườn Đại Bình quanh năm xanh tốt, có mặt gần như đủ mọi thứ cây trái của xứ miệt vườn Nam Bộ như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, cam, quýt... Đặc biệt cây trụ lông - một thứ trái cây độc đáo, chỉ riêng Đại Bình mới có, giống như bưởi, vị ngọt, thơm - là niềm tự hào của người dân quê Đại Bình. Ông Nguyễn Lạng (SN 1940), một lão nông ở Đại Bình, cho biết các thứ cây trái trồng ở khu vườn đầu làng khác vị với cuối làng, còn quả trụ lông chỉ cho một vị duy nhất.
Bữa cơm tại nhà ông Nguyễn Lạng, khách phương xa sẽ được đãi rượu sầu riêng, thứ hương vị đặc trưng hiếm có và ăn canh lá sen núi, măng điền trúc trộn, nhấm nháp con tôm sông to ú mặn mà... Hàng chục vườn nhà đầy các thứ cây trái sẽ chờ du khách đến thăm. Chị Lan, người phục vụ nhà bếp cho bữa ăn trưa của đoàn khách, nói đã từng phục vụ đoàn khách đến hơn 170 người với điều kiện phải điện thoại thông báo trước. Nếu được đặt trước nữa, chủ nhà này - bác Lạng sẽ đi gom trái cây của bà con trong làng về cho đoàn, ai cũng có cơ hội vừa bán, vừa tặng vừa giới thiệu chút quà quê hiếm có cho mọi người. Ông Lạng thiệt thà, cười nói: “Dân tui mấy đời hiếm ra khỏi làng, ai cũng quý khách nên có răng làm rứa. Giờ tỉnh và huyện phát triển du lịch thì phải có người bày biểu mới làm ngon được”. Nói rồi ông cười khà, tính cách cũng “rặt” xứ miệt vườn.
Ngao du sơn thủy hữu tình
Chiếc thuyền máy được đặt chỗ trước tại bến đò Tí Bồi, xã Quế Lâm (Nông Sơn). Quán nước ở bến đò đầy con nít chào mời khách mua bòng, bưởi với giá rẻ như cho. Thi thoảng có đám mục đồng cưỡi trâu từ bãi chăn trở về, vợ chồng vài ngư dân miền sơn cước mệt mỏi vác lưới lên bờ sau một đêm mưu sinh. Dưới sông, nhiều chủ thuyền còn ngái ngủ... “Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng/Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi”. Khung cảnh yên bình khiến du khách như tìm lại được “quê hương” đã từ lâu vắng xa...
![]() |
Khám phá núi non Hòn Kẽm |
Ông chủ đò tên Hai nổ máy, lái đò khỏi bến rồi giao cho người phụ lái là bà vợ, để lên phía trước làm... hướng dẫn viên cho khách. Du khách tò mò hỏi về các địa danh, hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” lại gãi đầu nói: “Ông bà hồi xưa kêu sao, tui biết vậy!”, rồi cười. Nhưng ông “hướng dẫn viên” cũng không làm cho khách phải thất vọng nhiều, này là Khe Nghiêng, Đá Bàn, Đá Mài, Nước Mắt, Ba Hang, Vũng Tăm... mỗi địa danh kèm theo một câu chuyện nhỏ, cũng ít nhiều gợi lên chút tò mò cho những ai ở xa mới đến.
Mất hơn một giờ chạy thuyền máy thì đến khu vực Hòn Kẽm, vách đá dựng đứng hai bên hùng vĩ, cây núi, cỏ rừng xanh biếc bám kín những vách núi đá tạo nên muôn hình dạng kỳ thú. Đáp thuyền vào khe Ba Hang, du khách sẽ được giới thiệu một khe núi tương đối hiểm trở, trên đó có hai chiếc bàn thờ, quanh năm hương khói, tương truyền tại đây là nơi mà người Chăm xưa thờ Phật, có hẳn một tấm bia khắc chữ Phạn cổ, giờ đã chìm dưới lòng sông...
Nếu đi chơi Hòn Kẽm vào một đêm có trăng mới thấy thật kỳ thú. Không gian ở hai bờ đá dựng này chiều xuống nhanh hơn, màu núi đá biến ảo kỳ lạ. Từng đàn khỉ trong núi kéo ra tắm sông, đùa giỡn nhau chí chóe. Trên sông, những đò ngang, đò dọc nổi khói thổi cơm chiều. Đêm đến, sẽ thấy trăng treo trên nền trời như tranh, thanh âm như tiếng gió thủ thỉ với tiếng nước róc rách len giữa các khe đá hòa cùng với tiếng của đại ngàn... Đứng ở thung lũng Hòn Kẽm - Đá Dừng, nơi dòng Thu Bồn thắt lại lần cuối cùng ở vùng thượng lưu rồi buông mình chảy qua biết bao bờ bãi về xuôi cạnh những ngôi làng Hiệp Hòa, Hiệp Thuận (Hiệp Đức) còn yên bình hơn cả phía thượng nguồn này, du khách như rơi vào chốn hư ảo giữa trần gian.
Nói rằng huyện Nông Sơn (Quảng Nam) có tiềm năng du lịch, quả không sai. Nhưng việc tổ chức du lịch có bài bản, kết nối lộ trình thuận lợi cho du khách, đa dạng hóa sản phẩm thì còn phải tính toán lâu dài. Người dân Đại Bình dù được ưu đãi cho đất đai phì nhiêu tươi tốt nhưng chưa hẳn đã giàu có. Do vậy, cần tạo điều kiện để cả làng có cơ hội làm ăn từ du lịch một cách bền vững. Ông Phạm Phú Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, cho biết huyện mới tách ra bộn bề lắm, nhưng sẽ cố gắng quan tâm để đưa du lịch phát triển. Đây là một vấn đề lớn, cần đến sự quan tâm của tỉnh, ngành du lịch, các nhà làm tour...