Người cha của những đứa trẻ lang thang

15 năm trước, chùa Thiên Linh nhận nuôi một đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi. Giờ nơi đây đã trở thành đại gia đình của những trẻ lang thang, cơ nhỡ

Chẳng phải trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi hay nhà mở, nhưng từ lâu, ngôi chùa Thiên Linh Tự nằm ven đường Hà Huy Giáp thuộc phường Thạnh Xuân, quận 12 đã trở thành chốn nương thân cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ ở khắp nơi hội tụ về. Tối tối, dưới mái hiên chùa, người đi đường đều nhìn thấy một vị sư già phúc hậu đứng giảng bài cho 52 chú học trò.

Rau cháo nuôi nhau...

Thầy Thích Trí Anh, trụ trì chùa Thiên Linh, kể rằng chùa trở thành một mái ấm tình thương rất tình cờ. 15 năm trước, lần đó, vào nửa đêm, thầy vừa chợp mắt bỗng nghe tiếng khóc thút thít bên hiên chùa. Nhà sư bật đèn, bước ra gặp một phụ nữ còn khá trẻ cùng với một đứa trẻ chừng 4, 5 tuổi đang co ro vì lạnh. Chị kể, chồng mất sớm, cha mẹ già bệnh tật không ai nuôi dưỡng, gia đình nợ nần, túng thiếu trăm bề, chị phải đi làm ăn xa nhưng không biết gửi con nơi đâu đành phải nhờ nhà chùa nuôi dưỡng giúp. Thầy Trí Anh nghe chuyện mủi lòng, nhận chăm lo, bảo bọc cho cậu bé. Người phụ nữ khóc, cảm ơn thầy rồi ra đi biền biệt cho đến tận bây giờ...

Cứ ngỡ đó sẽ là đứa trẻ duy nhất mà chùa đón nhận, đâu ngờ ít lâu sau, lại có người dẫn đến chùa một đứa trẻ chừng 10 tuổi xin giúp đỡ vì gia cảnh quá nghèo, cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng. Tội nghiệp đứa trẻ, thầy lại nhận lời. Cứ vậy, số trẻ cơ nhỡ, lang thang, mồ côi đến tá túc tại chùa ngày một đông hơn, hình thành hẳn một “đại gia đình”. Mỗi em một miền quê, một hoàn cảnh khác nhau, cùng trôi dạt đến đây qua sự giới thiệu của người khác hay tự mình tìm đến.

Khi số trẻ tại chùa cứ liên tục gia tăng cũng là lúc thầy Trí Anh bắt đầu lo lắng. Chùa Thiên Linh vốn chỉ là một tịnh thất nhỏ, chật hẹp do Phật tử hiến cúng nên điều kiện ăn, ở cho các em đã trở thành vấn đề vô cùng nan giải. “Chẳng lẽ trẻ có “cơ duyên” đến với mình mà mình lại không cố gắng lo lắng đùm bọc cho chúng. Khó khăn thì có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, thầy trò chăm sóc cho nhau...” - thầy Trí Anh nói với tôi như vậy. Rồi thầy đi khắp nơi vận động. Bà con thôn xóm cũng động lòng, thay nhau mỗi ngày đóng góp khi thì bó rau, cân gạo; khi thì thúng bún, ký đường...

Tất cả đều được học hành

Niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy Trí Anh là tất cả số trẻ nuôi dưỡng tại chùa đều được học hành. Sáu “chú” lớn nhất đang theo học ngành Đông Nam Á Trường Đại học Mở-Bán công TP. Số còn lại đang học cấp 1 và 2 ở các trường dân lập gần đó. Biết hoàn cảnh, các trường học tại địa phương đều tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Sau giờ học ban ngày, đêm đêm các em lại quây quần bên chái nhỏ cất cạnh hiên chùa ôn bài và nghe thầy dạy đạo lý làm người. Thầy Trí Anh thường nói ước nguyện của thầy là nuôi dưỡng các em khôn lớn, được ăn học đến nơi, đến chốn.

52 cậu học trò ở chùa Thiên Linh dù ở bậc học nào cũng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong đó có trên 10 “chú” đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quận, huyện nhiều năm liền. Các em ở đây kể cho tôi nghe về trường hợp chú bé Võ Minh Kiệt bị gia đình bỏ rơi tại Công viên Đầm Sen, phải đi lang thang xin ăn kiếm sống khi mới lên 3, được thầy nhận về nuôi dưỡng. Lúc đầu Kiệt mặc cảm không chịu tiếp xúc với ai, suốt ngày ngồi lầm lì trong góc, gửi đi học thì lại bị xem là học sinh “cá biệt”. Thế là mỗi ngày thầy bỏ hàng giờ ngồi riêng với Kiệt để động viên, an ủi cậu bé. Nhờ vậy, tâm hồn trẻ thơ được cởi mở, hiện Kiệt vừa đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và được đánh giá là gương học trò ngoan, thông minh của Trường Tiểu học Võ Văn Thặng, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn. Võ Minh Thanh, hiện đã là sinh viên Đại học Mở-Bán công TP, nói: “Chúng tôi xem thầy Trí Anh vừa là thầy vừa là cha của mình. Tất cả cùng hứa với nhau phải cố học thật giỏi, trở thành người có ích cho xã hội để không phụ tấm lòng người đã dạy dỗ, nuôi dưỡng trong suốt những năm qua...”.