Nhức nhối sân bay “da cam”
50 năm trước, từ các sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định), máy bay của Mỹ đưa dioxin rải khắp miền Nam. Đến tận bây giờ, chất độc vẫn còn nồng nặc trong các sân bay, tàn phá sức khỏe và cuộc sống của bao con người ở gần đó
“Vào vùng nhiễm độc trong sân bay này thì đừng tính chuyện sinh con nữa, coi chừng dị tật”. Một nhà khoa học trong đoàn khảo sát sân bay Biên Hòa nói như vậy, tôi nghe mà sợ, định rút lui. Nhưng một đồng nghiệp đi cùng bảo: “Nếu lần này không vào thì sẽ khó có cơ hội khác để biết về vùng đất da cam này”, tôi quyết theo đoàn.
Đợt khảo sát nói trên diễn ra vào đầu tháng 4-2011 do Nhóm đối thoại Việt - Mỹ dẫn đầu. Nhóm này gồm 10 công dân uy tín, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách tiếng tăm của cả hai nước.
Vào vùng cực độc

Phóng viên Báo Người Lao Động vào vùng cực độc ở sân bay Biên Hòa. Cỏ cây trong vùng nhiễm dioxin này khô héo. Ảnh: TRÚC LY
Đến khu Nam, tiến sĩ - đại tá Trần Thế Tâm, người am tường tình trạng nhiễm độc ở sân bay Biên Hòa, cảnh báo cả đoàn: “Đừng tiến vào sâu, trong đó hóa chất còn phảng phất nhiều lắm. Ngày trước, đây là nơi trẻ con hay đá bóng, nhiều em hít phải chất độc ngất xỉu tại chỗ”. Nặng nhất là khu Tây Nam của sân bay. Tới đây, ai nấy đều nhăn mặt vì mùi hóa chất xông lên cay sè. Tiến sĩ - đại tá Trần Thế Tâm bịt mũi và ra hiệu mọi người dừng lại, nói: “Khu này trước kia là đường băng. Khi rút quân, toàn bộ hóa chất quân đội Mỹ đã tập trung ở đây để hủy hoặc mang đi phi tang”.
Mặc dù bị dính độc chất khoảng 50 năm qua nhưng gần đây khu Tây Nam mới được xác định là cực độc khi phía Mỹ tiết lộ những “tọa độ đầu độc”, hiện khu này đang được phía Việt Nam tiếp tục khảo sát mức độ ô nhiễm để xử lý. Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam Đồng Nai (VAVA Đồng Nai), điều tra ban đầu cho thấy nhiều vị trí trong khu này mức độ ô nhiễm từ 2.853 ppt đến 28.600 ppt.
Sống chung với tử thần
Thông qua thực phẩm, dioxin ngấm vào máu người. Kết quả nghiên cứu cho biết khoảng 95% số mẫu máu lấy từ 43 người dân ở TP Biên Hòa có nồng độ dioxin cao trên 5 ppt, thậm chí có mẫu lên tới 413 ppt, trong khi nồng độ này trong máu người dân miền Bắc chỉ dưới 2 ppt!
Gần đây, cơ quan chức năng treo bảng “cấm câu cá” ở hồ Biên Hùng. Tuy nhiên, đêm đêm, bên mặt hồ tuyệt đẹp này, các đôi nam nữ vẫn thản nhiên tình tự, rất ít người trong số họ biết rằng lòng hồ đã nhiễm dioxin.
Tàn phá từ thế hệ này sang thế hệ khác Từ năm 1961 - 1971, đã có khoảng 80 triệu lít hóa chất độc hại, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin rải xuống khoảng 17% diện tích toàn miền Nam Việt Nam. Hiện Việt Nam có 28 điểm nóng về ô nhiễm dioxin ở các cấp độ khác nhau. Nhiễm nặng nhất là sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát. Đa số các chuyến bay rải chất độc đều xuất phát từ những sân bay này. Số lượng các loại chất diệt cỏ không sử dụng hết được thu lại để ở các sân bay nói trên sau năm 1971. Theo Nhóm đối thoại Việt - Mỹ, các phân tích gần đây khẳng định mức độ dioxin trong đất, lớp trầm tích trong nước và trong cơ thể loài cá ở khu vực sân bay Đà Nẵng cao gấp 300 - 400 lần giới hạn quốc tế. Các thử nghiệm ở sữa mẹ và mẫu máu của những người từng sống gần khu vực này cho thấy hàm lượng dioxin trong cơ thể họ cao nhất từ trước đến nay ở người Việt Nam, nhiều hơn 100 lần giới hạn quốc tế. Nói cách khác, sự tàn phá còn tiếp diễn đến ngày nay và tàn phá từ thế hệ này sang thế hệ khác. |
Kỳ tới: Lay lắt những phận đời