Những chuyện chưa biết về mẹ Suốt

Khi được biết người con gái út của mẹ Suốt bán hàng ở chợ xép Nhật Lệ, cách tượng đài người mẹ anh hùng mấy bước chân, chúng tôi reo lên thú vị. Người chạy xe ôm đứng gần nói:   - Mấy anh, mấy chị muốn biết mặt mẹ Suốt thời trẻ thì vô đó gặp o Huế.

Chúng tôi len qua những quầy hàng, mẹt hàng để vào sạp bán mắm muối, dưa cà và nhận ra ngay o Huế, nhờ gương mặt o giống mẹ Suốt như tạc. Tôi sững người, một người con gái hàng ngày bán hàng ở cái chợ kế tượng đài mẹ mình, có lẽ đây là chuyện rất hiếm thấy. Các món hàng o Huế bán rất bình dân, đó là dưa, nhút muối và mắm tôm.

Dưa đựng trong chiếc chậu nhựa lớn, mắm tôm đựng trong các lu sành, mỗi thứ một ít. Mà sức mua ở cái chợ xép Nhật Lệ này cũng chỉ vậy thôi, nhiều người bán cũng chỉ mang mấy bó rau muống, rau cải, thậm chí vài kẹp húng ngò đựng trong mẹt. Một người cho biết, mắm tôm o Huế làm nổi tiếng ở Bảo Ninh.

Một chị bạn hàng với o Huế nói:

- Hồi trước tết, o Huế bị ngã què chân, gia cảnh khó khăn lắm.

Hình như mắc cỡ khi nghe câu nói đó, mặt o đỏ chín. Tôi hỏi o về việc bán hàng, o cho biết mỗi ngày ngồi bám chợ từ sáng sớm đến tối kiếm được chừng vài chục ngàn. Và khi nghe tôi hỏi về mẹ Suốt, o đáp:

- Mời các anh tới nhà chơi, anh trai sẽ nói chuyện về mạ tui cho mấy anh, mấy chị nghe. O nói vậy.

Chúng tôi đến bến đò mẹ Suốt từng chở bộ đội qua sông thời đánh Mỹ. Ngày đó, bom đạn Mỹ biến nhà cửa ở thị xã Đồng Hới thành xà bần, cả một vùng rộng lớn thuộc xã Bảo Ninh bên kia bị băm nát bởi bom dội, đại bác tàu chiến địch từ biển nã vào. Vậy mà vẫn có một người mẹ chở bộ đội qua sông suốt ngày đêm. Mẹ đã nối huyết mạch giao thông bờ Bắc sang bờ Nam bằng chiếc thuyền gỗ. Bến đò và con đò mẹ Suốt trở thành trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ, chúng đã trút xuống đây không biết cơ man nào bom đạn, nhưng không thể nào diệt được chiếc thuyền gỗ của một người mẹ Việt Nam. Bây giờ, chúng tôi đứng trên bến đò năm nào để tưởng tượng về một bà mẹ sáu mươi tuổi quật mái chèo, đưa con thuyền chở bộ đội băng qua dòng sông rộng, trên đầu máy bay Mỹ gầm rú, pháo từ biển câu vào liên tục, tự nhiên mắt mình đã cay nồng.

Lửa chiến tranh đã tắt hơn ba chục năm, đất này đã đổi thay nhiều, thị xã Đồng Hới nối với bờ bên kia bằng cầu Nhật Lệ sừng sững, nhưng dân Bảo Ninh qua chợ vẫn đi bằng đò ngang, tiếng địa phương gọi là nôôc, vì vòng qua cầu phải đi bằng xe gắn máy tốn tiền xăng, nhiều người, trong đó có o Huế tự chở hàng bằng mủng của nhà. Ở đây, kiếm được đồng tiền rất cực nên người ta phải tính toán rất chi li, tiết kiệm được một vài trăm, vài ngàn là mừng lắm.

Người lái đò hiện nay vẫn là người thuộc xã Bảo Ninh, cùng họ Trần với chồng mẹ Suốt. Bây giờ con đò lớn hơn, được gắn máy mười lăm sức ngựa, có thể vượt, đè lên sóng cấp ba, cấp bốn. Còn con đò mẹ Suốt (người lái đò là cháu của mẹ Suốt, nhưng như những người ở đây, ông gọi bà là mẹ Suốt, một cách gọi trìu mến và kính trọng) ngày nào là ba ván, đóng bằng gỗ, chèo bằng tay, và chỉ một mái chèo, mỗi lần chở được mười lăm đến hai mươi người. Vừa cầm lái, ông vừa kể vậy.

Rồi ông kể về chuyện mẹ Suốt chèo đò, ngày đó, đò thuộc về hợp tác xã quản lý, mẹ Suốt đảm nhiệm đưa khách qua sông vào những năm sáu mươi, nghĩa là trước khi giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc bốn năm, mỗi ngày được tính một công, theo cách tính của hợp tác xã hồi đó, và cứ sáu tháng được quy ra thóc, người lái đò nhận bằng thóc, cũng chỉ được vài tạ là cao vì thóc ngày đó quý lắm. Cũng có khi mùa màng thất bát, mẹ phải nhận khoai lang, khoai sắn. Khi Mỹ lao máy bay ra đánh bom, bắn rocket, các bến đò trở thành trọng điểm, nhiều người chở đò ở bến sông khác vội vã xin đổi nghề hay tự động bỏ bến để bảo toàn tính mạng, mẹ Suốt vẫn kiên cường bám trụ. Lúc này, con đò trở thành huyết mạch giao thông Bắc - Nam để chở bộ đội qua lại. Thông thường là đưa bộ đội vào Nam và đưa thương binh ra Bắc.

Nhiều lần, máy bay Mỹ thả bom xuống hai đầu bến sông, bắn rocket hòng tiêu diệt huyết mạch giao thông này, con đò của mẹ bị mảnh bom cày bong thủng nhiều chỗ. Lắm lúc đò ra đến giữa sông thì máy bay ập đến, mẹ hô bộ đội hãy ngồi thấp xuống và vừa ngước mắt theo dõi máy bay, vừa lái con đò chạy thật nhanh. Hình ảnh đó đã được thể hiện qua tượng đài, trên bệ tượng có mấy câu thơ của Tố Hữu:

Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung

Gió lay như sóng biển tung trắng bờ

Gan chi gan rứa mẹ nờ

Mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai.

Đò cập cái bến cũ, và khách thấy nhà bia ghi công mẹ Suốt dựng cạnh đó. Dựng bia tạc công lao người mẹ anh hùng là điều cần thiết nhưng để ở một góc khuất, vệt đường chạy qua trước cổng bia đã bị sóng đánh hư, nơi không người qua lại, trở nên hoang vắng, lá cây rụng đầy bên tấm bia xám.

Nhà người cháu nội của mẹ Suốt ở ngay trên bến đò. Ông tên là Trần Thanh Mai, năm nay ngoài sáu mươi nhưng trông vẫn còn khỏe mạnh. Tôi buột miệng hỏi:

- Thoáng nhìn o Huế là nhận ngay ra con mẹ Suốt, còn chú không giống mẹ Suốt lắm.

- Đúng vậy, ông nội tui phải qua hai lần đò, mẹ Suốt là mẹ kế của cha tui, nói theo tục của dân Quảng Bình, tui gọi mẹ Suốt là dì.

Hóa ra, trước khi bén duyên với mẹ Suốt, người đàn ông ấy đã có một đời vợ. Tục huyền với cô Suốt, ông vẫn làm nghề đánh bắt cá, cô Suốt chống đò ngang. Và cứ hai năm cô sinh hạ cho anh một đứa con. Thời đó cuộc chiến đang hồi cao điểm, cơ sở y tế hầu như không có, mỗi lần vượt cạn, phải cậy nhờ một bà mụ trong làng. Tám lần đẻ mà chỉ nuôi được năm đứa con. Đến gần ngày vợ ở cữ, anh chồng lại ngược lên rừng ở thượng nguồn sông Nhật Lệ đốt than. Và cứ mỗi lần nằm ổ - theo cách gọi của dân vùng này - cô Suốt hong bằng than, tắm nước đun với đá cục, do chồng nhặt ở khe suối. Cô Suốt là người mẹ cưng con, mát tay, con trai đứa nào cũng lớn nhanh, da đen ngăm, tuổi thiếu niên đã bơi lội giỏi, chiều chiều chúng rủ nhau ra bến đò bơi cặp theo con thuyền mẹ chèo. Năm tháng đi qua, con cô trở thành những chàng trai tuấn tú, giặc Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, con cô lần lượt nhập ngũ. Anh Trần Thanh Bình vào Nam chiến đấu và hy sinh, anh Trần Văn Hà hy sinh khi đang bắn máy bay Mỹ oanh tạc thị xã Đồng Hới. Đã mấy chục năm nay, gia đình mẹ Suốt mải miết tìm mộ liệt sĩ Trần Thanh Bình nhưng vẫn chưa thấy.

Trong khi con đang chiến đấu ở miền Nam, mẹ Suốt lúc ấy đã bước vào tuổi sáu mươi, đảm nhiệm công việc đưa bộ đội qua sông dưới mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ chỉ bằng chiếc thuyền gỗ ba ván.

Danh tiếng bà mẹ chở đò vang vọng khắp nước. Mẹ được phong tặng danh hiệu anh hùng. Rồi mẹ được đi dự Đại hội anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc ở thủ đô.

- Mẹ hy sinh trong trường hợp nào?

Ông Hùng cho biết, hôm đó là ngày 21-8-1968, trên đường từ Hà Nội về, đến Quảng Bình, tỉnh đội cho xe đưa mẹ về đến bến đò Nhật Lệ, mẹ xách tay nải xuống đò. Hôm ấy, máy bay Mỹ ngừng hoạt động, tàu chiến của chúng từ biển cũng không bắn vào, các đơn vị bộ đội được lệnh nhanh chóng vượt sông sang bờ Nam. Xuống đò, mẹ Suốt giành lấy chèo từ tay cô con gái:

- Bữa ni mi chống nhiều, để mẹ!

Các chiến sĩ trên đò nhao lên hỏi mẹ về đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua, về chuyện mẹ được gặp Bác Hồ, mà họ được nghe qua đài, báo. Mẹ Suốt trả lời, tay vẫn quật mạnh mái chèo. Sang đến bến Bảo Ninh, mẹ nói với con gái:

- Mẹ về làng để biếu mấy bà, mấy ông trong xóm khăn mùi xoa, cho mấy cháu nhỏ vở, bút mực, rồi ra chống đò thay mi.

img
O Huế, con gái của mẹ Suốt đang bán dưa muối, gần tượng đài mẹ.

Bà mẹ mang chiếc nải cói đi trên vệt đường giữa hai trảng cát. Nắng chiều đang cô lại, cát vàng rực, dáng mẹ bước rất nhanh, bóng mẹ đổ dài trên triền cát. Chợt có tiếng máy bay, hai chiếc phản lực từ biển lao đến thả hai trái bom cực lớn. Bom bi. Trái bom lớn nổ bung, vô số những trái bom con bắn xuống tới tấp, tiếng nổ lụp bụp dội lên. Khi mọi người chạy đến, mẹ Suốt đã hy sinh, thân thể đẫm máu, máu mẹ loang nhanh, thấm xuống đất phù sa lẫn cát.

Đám tang mẹ được tổ chức trong đêm, không có hoa mà chỉ có những vòng người, dân làng, thương binh đang náu ở bệnh xá, bộ đội pháo phòng không bảo vệ bến đò và các chiến sĩ vừa được mẹ đưa qua đò... Nỗi đau lớn và lòng căm thù giặc khiến ai cũng căm phẫn. Mấy hôm sau, bộ đội pháo cao xạ đã bắn cháy hai máy bay, dân quân vùng Quảng Bình bắn chìm một tàu chiến Mỹ để trả thù cho mẹ.

Ông Mai nói tiếp:

- Các anh biết đấy, quê hương mẹ Suốt đã thay đổi nhiều, nhà cửa được xây dựng khang trang, đời sống nhân dân được nâng cao. Đây là thời đầu tư cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Cháu chắt mẹ Suốt đã có đứa vào đại học, có người là vận động viên thể thao như cô Trần Thị Kiều, vận động viên bơi lội, từng đoạt nhiều giải quốc gia, là chắt mẹ Suốt đấy.

Chiều đã xuống tự lúc nào. Ngoài kia, sông Nhật Lệ đã sâm sẫm tối, sương hay khói bếp phả mờ trên rặng cây trước nhà. Từ bến sông, o Huế quảy gánh đi lên, giọng o thân mật đón khách như người nhà:

- Mời mấy cô, mấy chú sang nhà tôi uống nước.

Nhà o ở cạnh nhà ông Mai. Khi chúng tôi sang nhà đã thấy o Huế dọn sẵn mâm cơm trên bàn. Giọng o thân mật:

- Đến bữa rồi, mời các chú, các o dùng cơm. Cơm gia đình, mấy o, chú đừng ngại.

Bữa cơm làng quê, gạo Lệ Thủy thổi bằng nồi đất cơm xốp rất dẻo, cá bóng kho tiêu và các loại nhút mít, nhút ngọn đỗ, nhút bèn môn chấm với ruốc tôm do chính o Huế chế biến. Phải, tôi cũng được ăn nhiều loại ruốc nhưng chưa bao giờ thấy ruốc nào ngon đến thế.

O Huế đứng cạnh mâm xới cơm, tiếp thức ăn cho chúng tôi. Giọng o ân cần, làm chúng tôi nhớ về mẹ Suốt. Người mẹ đã sinh ra những đứa con ưu tú cho Tổ quốc và sống mãi trong lòng đất nước bằng lòng quả cảm của mình.