Những mảnh đời nghiệt ngã ở hành lang bệnh viện

Bán nhà, sang đất, nợ chồng chất, con cái thôi học vào đời sớm..., cái khổ nối tiếp cái nghèo vì căn bệnh nan y. Người nghèo đến bệnh viện là “liều” nhắm mắt đưa chân. Không tiền đóng viện phí, hành lang là giường bệnh. Không tiền thuê nhà trọ, hành lang là chốn nương thân. Và trên hành lang, bệnh nhân nghèo lây lất sống, vật vã...

Cảnh đời nước mắt

Ba giờ chiều, chị kẹp chiếu vào nách bò lên cầu thang Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Người phụ nữ 30 tuổi ấy lẳng lặng đặt chiếu xuống góc “trọ” hằng đêm của hai vợ chồng chị rồi dựa tường thở dốc. Đang giờ làm việc, nội quy không cho nằm ở hành lang, chị ngồi chờ đêm xuống. Để có chỗ ngủ, ngày nào người phụ nữ liệt nửa người này phải ngồi giữ chỗ từ xế trưa... Chị có một cái tên khá đẹp: Thái Thiên Thanh. Chị Thanh thừa nhận: “Đời mình chỉ có cái tên do viện mồ côi đặt ấy là bay bổng”. Còn lại là nỗi đau...

Chồng chị, anh Lê Phước Hậu, là thương binh nặng. Khi anh trở về trên đôi nạng gỗ từ chiến trường Tây Nam thì người vợ trước cũng quay mặt bỏ đi để lại người chồng khốn khổ cùng hai đứa con thơ. Ngay trong lúc anh Hậu đang chật vật với cảnh gà trống nuôi con thì chị Thanh tình nguyện làm đôi chân cho cuộc đời anh. Chị tâm nguyện làm mẹ của hai con anh, đứa 10 tuổi, đứa 7 tuổi dù lúc ấy chị là cô gái 23 tuổi. Sống ở xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng trong một sóc nghèo còi cọc nhưng hai vợ chồng vẫn chắt chiu bán vé số nuôi hai con ăn học. Hơn một năm trước, khi niềm hạnh phúc sinh đôi hai bé Thúy - Thảo vừa nhen lên thì chị phát hiện mình bị ung thư tử cung: Lúc ấy, con chị vừa một tháng rưỡi tuổi.

Chị Thanh hết nằm Bệnh viện Sóc Trăng rồi lên Bệnh viện Cần Thơ. Để có tiền nuôi vợ và mua sữa cho con, người chồng phải khập khiễng chống nạng đi bán vé số từ sáng sớm đến tối mịt. Nhưng những đồng tiền còm cõi của người chồng thương binh không thấm vào đâu so với tiền thuốc để chữa căn bệnh nan y của vợ. Không còn đường vay mượn, hai vợ chồng và hai đứa con bốn tháng tuổi bồng bế nhau trốn viện về Cà Mau bán vé số.

Buông xuôi với bệnh tật một thời gian, chị Thanh lên cơn đau dữ dội đến ngất đi. Hết cách, anh Hậu đành đem sổ chứng nhận thương binh 3/4 cầm hai năm với giá 6 triệu đồng rồi đưa vợ lên Bệnh viện Ung Bướu.

Gần một năm điều trị với sáu lần mổ và bị liệt nửa người, những ngày gần đây là lúc hai vợ chồng kiệt quệ. Không còn khả năng nằm viện dù viện phí đã được giảm 75%, trong thời gian điều trị chị xin ra ngoài và mấy tháng nay hành lang trở thành giường bệnh. Ban ngày chị ở tạm dưới gầm cầu thang. Đêm đến lại bò lên hành lang ngủ. Cứ đến giờ chị vào phòng khám và khám xong chị lại trở ra hành lang. Trong những ngày nằm viện, ngôi nhà tình nghĩa ở quê bị bỏ hoang. Hai đứa con lớn của anh phải nghỉ học, đứa con 17 tuổi làm công bánh bía nuôi đứa em 14 tuổi. Anh chị gửi bé Thúy về quê cho người bạn. Bé Thảo được làng Hòa Bình Từ Dũ nhận giữ giùm...

Kể đến đó, chị Thanh nghẹn lời: “Bây giờ trong người nghe nhức tận xương tủy, bệnh di căn qua thận, bác sĩ nói phải vô sáu toa hóa chất, mỗi toa gần 2 triệu đồng, thuốc đặc trị thì không được miễn giảm, chắc mình bỏ về quê. Người ta nói chỉ giữ giùm bé Thảo mấy tháng thôi. Mình sắp chết rồi, mình phải làm giấy cam kết cho con. Nhưng cô ơi, có bứt ruột bứt gan cũng chịu chứ ai nỡ...”, “Nếu vô hóa chất, mình sống được ít lâu nữa. Nguyện ước của mình là sống thêm vài tháng tới lúc con biết chạy. Để nhìn ảnh có thể vai cõng tay dắt tụi nó mà mình yên tâm. Chứ tụi nó còn nhỏ quá, biết làm sao...”.

Nói đến người mẹ ấy, “những hàng xóm hành lang” hay nhắc hình ảnh một bệnh nhân chống nạng nặng nhọc nhặt từng bịch ni lông bán. Số tiền 2.000 đồng - 3.000 đồng ấy chị mua vé xe buýt thăm con ở làng Hòa Bình. Người ta nhắc đến người chồng cụt chân khập khiễng nhặt ve chai để mỗi chiều trở về hành lang có tiền mua cho vợ hộp sữa. Nhìn anh dựng cặp nạng của mình kế bên cặp nạng của vợ, anh ngồi xuống xoa nhẹ lên bàn chân tê buốt của chị Thanh, mới hiểu điều lớn nhất còn lại của họ là những đứa con và tình yêu, bởi ngay đến quyển sổ thương binh cũng đem cầm mất rồi! Họ đang dìu nhau đấu tranh với những giờ phút nghiệt ngã nhất của cuộc đời. Nhưng họ đang bị giằng xé về chuyện sẽ phải cho hay ráng giữ những đứa con? Và họ có thể chống chọi với bệnh tật đến bao giờ?!

Trăn trở!

Ngoài vợ chồng chị Thanh, hành lang Bệnh viện Ung Bướu còn hàng trăm bệnh nhân và gia đình nghèo đang lây lất sống. Quê nhà họ là những cánh đồng nước lũ, nước phèn. Sau lưng là cảnh con cái nheo nhóc; nhà bán; ruộng lúa, vạt mì bị cầm cố. Hiện tại là nỗi nhức nhối gặm nhấm mạng sống. Và trước mắt, nỗi lo nợ nần không khả năng chi trả. Quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng bệnh tật với người lao động nghèo là một gánh nặng không thể cõng nổi trên lưng. Còn trút gánh ấy đi? Họ không đủ sức!

Chị Hồng, 35 tuổi, quê ở Vĩnh Châu - Sóc Trăng, kéo đứa con 5 tuổi vào lòng thở dài: “Chồng tôi đào đất mướn tối ngày, không ai giữ, sợ cu Bảnh té ao té vũng nên tôi dắt theo luôn. Cái cục u nổi lên cổ đã mười năm nhưng đành làm lơ vì hổng có tiền, tới khi cổ sưng mủ, đau chịu hết nổi mới liều vay tiền đi bệnh viện để mổ. Chưa trả hết nợ đợt đó thì cổ nổi thêm u khác”. Không đồng xu dính túi, hai vợ chồng vay giật vay chớp được 100.000 đồng với lãi suất 20% để đón xe đi trị bệnh. Đến bệnh viện, bác sĩ nói mổ nhưng không biết ngày nào. Vậy là chờ. Trong túi hai mẹ con chỉ còn 20.000 đồng. Hơn mười ngày qua hai mẹ con đành ở hành lang, đêm đến mới được ngả lưng còn “ban ngày thằng Bảnh mỏi lưng chỉ len lén gối đầu lên đùi mẹ vì nội quy bệnh viện không cho nằm ở hành lang trong giờ làm việc”.

Đang trò chuyện, bé Bảnh chợt ôm ngực mếu máo: “Mẹ ơi, con đau!”. Khi tôi hỏi tại sao cu cậu kéo áo giơ khối u to bằng trái cam trên ngực: “Tối ngủ đau lắm!”. Bé thút thít rồi rúc đầu vào lòng mẹ. Trên khuôn mặt sạm đen và đầy mụn cóc của người mẹ ấy chực trào hai dòng nước mắt: “Bảnh bị bệnh bẩm sinh, chưa khám được coi bệnh gì, mà khám rồi cũng tiền đâu mà chữa cho thằng nhỏ. Ngay bệnh tôi tới giờ còn không biết lấy tiền đâu để mổ. Tôi có sổ xóa đói giảm nghèo được giảm viện phí nhưng còn tiền thuốc nhiều lắm. Không biết ở quê ba nó có vay được đồng nào không...”. Về thì chết. Không về thì xin cơm chay từ thiện qua bữa. “Chỉ thương cu Bảnh mới 5 tuổi mà hằng ngày phải nhặt từng chai nước suối, nước ngọt bán ve chai mua đồ ăn cho mẹ”. Khi tôi hỏi đi nhặt ve chai như vậy có mệt không, đôi mắt sớm đượm buồn của cậu bé chợt nhìn tôi day dứt không trả lời rồi nhìn chị Hồng “mẹ đừng chết, đừng chết!”...

Tôi không thể nhớ hết những khuôn mặt lam lũ đã trò chuyện ở hành lang bệnh viện, chỉ nhớ những cái tên: chú Sáu Gò Công, chị Mười Đất Mũi, chị Xia Đồng Tháp Mười... Những cái tên gắn với những vùng đất mới nghe đã hình dung ra sự khắc nghiệt. Mỗi nhà một cảnh. Điều giống nhau là căn bệnh nan y ghì những đôi vai vốn đã gánh nặng cơm áo của họ xuống. Bệnh từ năm này đến năm khác. Người bán hết nhà cửa đất đai; người rưng rưng cầm mấy chục ngàn đồng tiền ở đợ của đứa con gái để về xe - “chuyến xe cuối cùng, bởi căn bệnh đã di căn qua xương cần nhiều tiền để trị, không để vợ con nợ nần thêm, tui chờ chết, tui bỏ...”; có người suýt tự tử vì hết bệnh trở về cũng không biết tiền đâu mà trả nợ... Chị Mười thẫn thờ kể: “Đất đai bán ráo trọi, còn nợ 60 triệu đồng hụi non hụi già, tui nhắm mắt đưa chân rồi. Thằng Út năn nỉ cho nó học lên lớp 6 nhưng đào đâu ra tiền? Thấy thằng nhỏ ham học mà nước mắt tui rớt ròng ròng. Không chữ nghĩa, rồi đời con cũng khổ như mẹ thôi, con ơi!”.

Cái nóc mùng lớn nhất hành lang là của gia đình chị Ngọc. Đêm đến, cả gia đình sáu người chen chúc ngủ trong cái mùng ấy. Nhỏ nhất là đứa cháu ngoại mới 13 tháng tuổi. Cả nhà ở như vậy suốt hơn sáu tháng chị điều trị bệnh ung thư tử cung. Nhà ở Tiền Giang đã bán để trị bệnh, cả nhà đành đùm túm nhau bỏ xứ ra đi. Hai đứa con gái lớn phụ bán cà phê. Người chồng và con gái nhỏ 8 tuổi đi nhặt ve chai. Ban ngày, chị bế cháu quanh quẩn dưới gốc cây ở sân bệnh viện. Tối, gia đình lại quây quần ở hành lang...

Đêm. Mưa! Nước mưa tạt ướt nửa chiếc chiếu mà cu Bảnh đang nằm. Dưới ánh đèn vàng nhòe nhoẹt, cụ Thúy 81 tuổi đang nằm cong queo. Kế bên, người đàn ông gầy gò đang gác tay lên trán. Kế bên, hai người phụ nữ mấy ngày trước còn xa lạ và một em bé đang nghiêng nửa người để vừa nằm trong một chiếc mùng cá nhân màu cháo lòng. Kế bên... là những tiếng thở dài.

Nghèo thường kéo theo bệnh. Người nghèo thường để bệnh nặng mới “liều” đi bệnh viện. Không tiền đóng viện phí, hành lang trở thành giường bệnh. Không nhận được quà từ những đoàn từ thiện vì các đoàn thường thông qua bệnh viện và phát cho bệnh nhân điều trị nội trú có số giường đàng hoàng. Không tiền thuê nhà trọ, hành lang thành chỗ nương thân. Họ trở thành những người cư trú bất hợp pháp. Có chứng nhận hộ nghèo nhưng chỉ được giảm viện phí, còn thuốc đặc trị giá hàng triệu đồng một toa thì người nghèo vẫn phải chịu. Nhiều cuộc đời không biết nay mai sống hay chết. Sống thì sẽ ở đâu khi nhà cửa bán hết?! Chết thì không nhắm được mắt bởi để lại nợ nần cho người thân. Từng ngày, từng giờ, những gia đình bệnh nhân nghèo vẫn bám víu bên hành lang bệnh viện, dù biết rằng sức họ nhỏ nhoi và vô vọng.