Ở nơi cực Đông Tổ quốc

Ai cũng biết nhiều về Ải Nam Quan ở phía Bắc hay chót Mũi Cà Mau ở phía Nam, hai vị trí địa đầu đất nước. Nhưng không nhiều người rành về điểm cực Đông Tổ quốc. Đó là Mũi Điện, hay còn được gọi là Mũi Đại Lãnh, Mũi Khe Gà thuộc tỉnh Phú Yên

Khởi hành từ cảng Vũng Rô, sau gần một giờ rưỡi “cưỡi” sóng trên chiếc thuyền của các chiến sĩ Đồn Biên phòng 354, Mũi Điện hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là cánh tay dài nhất của dãy Trường Sơn hùng vĩ chồm ra biển Đông, được đánh dấu trên bản đồ ở tọa độ 12o53’48’’ vĩ độ Bắc, 109o27’06’’ kinh độ Đông. Mũi đất đó từ lâu được biết đến là nơi đầu tiên của nước ta đón ánh bình minh. Từ thuyền nhìn lên, ngọn hải đăng cao ngất trên đỉnh núi cùng một khối kiến trúc kiên cố màu vàng trông như một kinh thành Ba Tư cổ kính. Đó là hải đăng Mũi Điện, ngọn hải đăng đóng vai trò quan trọng vì ở cửa ngõ vào vịnh Vũng Rô, một vùng biển nước sâu và kín gió, nơi có cảng biển sắp được công bố là cảng hàng hải quốc tế.

“Ngọn đèn đứng gác”.- Theo tư liệu còn ghi lại tại hải đăng Mũi Điện: Mũi Điện do một người Pháp tên là Varella phát hiện vào thế kỷ XIX. Chính vì vậy, trên những bản đồ cũ, Mũi Điện mang tên là Cap Varella (Mũi Varella). Năm 1890, nhận thấy tầm quan trọng của vị trí này, người Pháp đã cho xây dựng hải đăng Mũi Điện. Nhưng sau thế chiến thứ hai, khi Pháp thất trận, hải đăng Mũi Điện bị bỏ hoang “trơ gan cùng tuế nguyệt”, không có người bảo quản nên cũng chấm dứt hoạt động. Mãi đến năm 1961, chế độ Sài Gòn mới khôi phục lại hải đăng. Vậy nhưng, phía Đông của vùng này lại là căn cứ lớn của cách mạng, mà Bãi Chính là bến đón những chuyến tàu không số chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Sau “sự kiện Vũng Rô” năm 1965, máy bay Mỹ đã oanh tạc vùng này, phá hủy luôn cả hải đăng Mũi Điện, biến nơi đây thành một đống hoang tàn đổ nát. Cho đến tháng 3-1997, hải đăng này được khôi phục và hiện là một trong 55 đèn biển đang hoạt động ở vùng biển Việt Nam.

Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất nước.- Màn đêm buông dần xuống. Trạm trưởng Nguyễn Xuân Thắng đưa tôi leo lên đỉnh tháp đèn, tôi đếm được có tổng cộng 107 bậc thang gỗ đi theo hình xoắn ốc. Anh Thắng cho biết: Tính từ mặt đất thì trụ đèn này cao đến 26,5 m, nhưng tính từ mặt nước biển lên đến ngọn đèn thì con số ấy là 110 m. Trên cao độ ấy, tôi nhìn được bao quát một vùng biển rộng lớn. Đường chân trời thẳng băng sáng rực bởi những vì sao nhỏ lấp lánh đó là những chiếc đèn của các thuyền câu bên dưới. Trạm trưởng Thắng nói: Tàu bè cách xa vị trí đèn 27 hải lý có thể thấy được ánh sáng trắng chớp 3 nhịp theo chu kỳ 15 giây của đèn biển Mũi Điện. Trong cái gió lồng lộng mang vị mặn của đại dương, tôi bỗng thấy tâm hồn mình thanh thản lạ thường. Tôi cũng chắc rằng vị trí mà tôi đang đứng đây, khi nhìn thấy ánh chớp sáng của ngọn đèn, ngư dân trên những chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi xa sẽ thấy ấm lòng, an tâm “dò bụng biển”.

Trạm trưởng Nguyễn Xuân Thắng khuyên tôi nên đi ngủ sớm để ngày mai còn kịp dậy đón bình minh. Đó là điều đặc biệt của điểm cực Đông mà những nơi địa đầu khác không có được! 5 giờ sáng, tôi bật dậy khi ngoài trời còn mờ chưa nhận được mặt người. Rồi chân trời dần ửng hồng. Mặt trời trồi lên chầm chậm từ đại dương. Từng biết bao lần nhìn bình minh ló dạng trước biển, nhưng với tôi, ấn tượng lần đầu đón bình minh ở Mũi Điện vẫn là một cảm giác hạnh phúc, bởi tôi là một trong những người đến đây để lần đầu tiên đón ánh bình minh sớm nhất trên đất nước mình.

Bên dưới, sóng ban mai lăn tăn vỗ nhẹ vào ghềnh đá ì oạp. Một ban mai tinh khiết, an lành...

Sẽ là điểm du lịch hút khách.- Trạm trưởng Nguyễn Xuân Thắng, dân Bình Định, năm nay đã ngoài 40, nhận xét: “Tôi đã có 18 năm gắn bó trong nghề gác hải đăng. Trước khi về quản lý đèn biển Mũi Điện, đã từng “trụ” tại các đèn Tiên Sa (Đà Nẵng), Cù Lao Xanh (Bình Định), Hòn Lớn (Nha Trang), Hòn Chút (Cam Ranh)... nhưng có thể nói mà không sợ sai rằng không đâu có phong cảnh thiên nhiên kỳ thú như ở đây”. Không chỉ phong cảnh của khu vực hải đăng, ở Mũi Điện còn có Bãi Môn rộng vài héc ta, cát trắng mịn, bờ biển cạn nắng soi tận đáy. Ở đó, có những ghềnh đá đẹp mà bạn có thể câu được nhiều loại cá sau khi thỏa thuê vùng vẫy dưới làn nước biển mát lạnh. Sự ưu đãi của thiên nhiên cho vùng này chưa dừng lại! Giữa vùng biển trời này, bạn còn vô tư xài nước ngọt. Một dòng suối nước trong như pha lê chảy từ trong lòng núi đổ ra biển không bao giờ cạn kiệt ngay giữa Bãi Môn này.

Đến Mũi Điện chắc hẳn nhiều người nghĩ ngay đến một tour du lịch sinh thái hấp dẫn: leo Đá Bia để nhớ huyền sử vua Lê, tham quan đèo Cả, nghe kể chuyện huyền thoại Vũng Rô và những con tàu không số, cuối cùng là đến Mũi Điện đón mặt trời. Vậy nhưng, nhiều năm trước, ý tưởng đó không thực hiện được bởi chuyện đến Mũi Điện vào mùa mưa đều “bất khả thi” bởi hai cách đi là vượt biển và luồn rừng đều không thể thực hiện. Nhưng bây giờ, khi con đường Phước Tân – Bãi Ngà nối cảng Vũng Rô với vùng kinh tế phía Nam tỉnh Phú Yên đang sắp hoàn thành, trở ngại đó đã không còn. Con đường này đi ngang qua chân của ngọn đồi lên hải đăng, nếu tính từ cảng Vũng Rô đến đây chỉ mất chừng 10 cây số, đi xe máy chỉ tốn khoảng 20 phút đường bộ mà thôi.

Ông Mai Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Phú Yên, cho biết: “Tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng Mũi Điện thành một điểm du lịch đặc biệt. Hằng năm nơi này sẽ tổ chức lễ hội đón mặt trời để du khách có dịp đến nơi đón bình minh sớm nhất Việt Nam”. Một tương lai xán lạn đang mở ra cho nơi này, bởi lẽ ai cũng thấy rõ rằng đằng sau việc triển khai khu kinh tế mở Vân Phong – Vũng Rô mà Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép triển khai là tiềm năng về du lịch. Mũi Điện sẽ là một địa điểm không thể thiếu được trong bản đồ du lịch sinh thái của vùng này.