Tết này xin tặng một cành hoa

“Vậy là cây mai con nhà tôi bắt đầu có hoa”. Tôi mở đầu bài tạp bút đăng trên một tờ tạp chí số Xuân như vậy, và viết tiếp: “Tôi gọi mai con không phải vì nó quá bé bỏng mà nó sinh ra từ hạt gốc mai di thực từ phương Nam, đã sống ba mươi năm trên đất Hà thành...”

Tôi có khoe chuyện ấy với mấy người bạn, song chi tiết này chưa viết cũng chưa từng thổ lộ với ai, rằng cây mai con bắt đầu đâm nụ đầu tiên đúng năm tôi bước vào tuổi tám mươi. Mùa đông năm ấy ấm; gần đến Tết,  Hà Nội lại gặp một đợt lạnh hanh heo kéo dài, cái nụ nhỏ nhoi mới nhú quắt lại, tôi cứ lo nó không chịu nổi. May sao, trời ấm lên, sáng sáng lất phất mưa bụi, vừa đủ rắc một lượt phấn mỏng lên ngọn hoa. Trưa và chiều nắng Xuân bừng lên nồng ấm, tươi vui. Chỉ sau vài ba tối được ơn mưa móc của đất trời, nụ hoa ấy lớn phổng lên. Và kỳ diệu sao, không phải bông hoa đơn chiếc, mà từ cái nụ ban đầu chỉ bằng hạt đỗ ấy nảy thành cả một chùm chín nụ, nụ lớn nhất đã chúm chím, hy vọng tất cả kịp nở vào những ngày còn xôn xao Tết nhất... Như một điều hay nữa, cả cây mai dường như chỉ có mỗi một chùm hoa này, còn những chồi khác chắc hẳn còn khép nép đâu chưa chịu phát lộ - mùa hoa ra bói mà, dĩ nhiên e lệ như trinh nữ vào đời... Mình mừng riêng cho mình, âu cũng coi như cái lộc trời ban cho.

Tuổi già của tôi còn có một cái vui nữa. Mười năm trước, còn túi bụi vì công việc, tôi không nhớ mình sắp bước vào tuổi cổ lai hy. Mùa thu, tôi chuẩn bị chuyến công du sang Trung Quốc. Như lệ thường, đại sứ Trung Hoa mở tiệc khoản đãi trước khi lên đường. Có điều làm tôi hơi ngạc nhiên là bữa cơm thân mật ấy làm khá sớm, chứ không diễn ra đúng vào hôm trước của ngày khởi hành như thông lệ ngoại giao. Anh bạn trẻ ở sứ quán bạn thuyết phục: “Mong ông thông cảm, đại sứ có việc sắp xa Hà Nội, muốn được gặp đoàn sớm mấy hôm”. Hóa ra nhà ngoại giao, cũng là một người bạn khá thân của chúng tôi, đã có sự chuẩn bị. Tôi vừa bước vào phòng tiệc, ông đã bước tới trao bó hoa đẹp và nói bằng tiếng Việt rất chuẩn: “Chúc mừng anh sắp lên lão bảy mươi”.

Giá chỉ vậy thì có gì đáng nói! Tối hôm ấy, bữa cơm vui kéo dài, tôi về nhà khá muộn. Vừa mở cửa ban công căn gác, nơi vừa là phòng ngủ vừa là phòng làm việc riêng, một mùi hương lạ ngan ngát phả vào. Thì ra khóm quỳnh  trong chậu nở hoa. Nở lần đầu, và không phải một, mà khá nhiều. Bà vợ tôi tỉ mẩn vạch lá đếm, những mười mấy bông. Tất cả cùng phát lộ, hoa nở khá nhanh, gần như có thể nhìn bằng mắt thường thấy chúng phổng phao lên từng phút, từng giây. Hương quỳnh mỗi lúc mỗi nồng nàn. Những đóa hoa to tựa cái bát sứ nõn nà tinh khôi nổi bật giữa đêm đen tuyền. Tôi chụp khá nhiều ảnh đẹp. Tôi còn nói nhà tôi mặc áo dài, chụp chơi mấy cảnh giữa hoa, rồi gọi cháu bé gái giúp việc, bảo nó thay áo cho chụp riêng với quỳnh. Tôi mang tệp tác phẩm khoe với chị bạn, nhà văn N.T.V.A - tổng biên tập một tờ  tuần báo. Chị giữ luôn tấm đẹp hơn cả và số báo đặc biệt ra nhân dịp Tết Nguyên đán, mười mấy đóa quỳnh hoa trắng bông phô bông nép trên nền đêm đen được dùng làm ảnh minh họa trang thơ Xuân. Ngoài gia đình, không mấy ai biết chi tiết: Hôm đó trùng hợp sinh nhật của tôi. Khóm quỳnh trong chậu vẫn sống đến bây giờ. Cành già lụi đi, cành non đâm chồi, năm nào cũng ra hoa song chỉ lỗ chỗ chừng dăm bảy bông, chưa từng có thêm một lần đạt con số những mười mấy bông như năm ấy.

Chỉ là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thôi thì cứ tự coi mình xem như ít nhiều duyên nợ với hoa vậy, dù không hiểu biết nhiều về nghệ thuật chơi hoa. Tôi chỉ quý hoa, trọng hoa, yêu hoa, hình như từ lúc cha sinh mẹ đẻ ra đã thế.

img
 Hoa quỳnh

Hồi ức sâu lắng nhất về hoa, tôi có ghi lại trong một bài tạp bút khác, đăng số tất niên một tờ báo trong quê: “Kỷ niệm đậm nét trong tuổi thơ tôi là mỗi dịp Xuân về, từ nơi trọ học trên tỉnh, về quê ăn Tết... Đêm giao thừa, mấy nhành mai gầy điểm bông thưa thớt theo ánh nến chiếu bóng lung linh lên vách, mùi hoa thoang thoảng quyện với hương trầm... Giao thừa, tôi sống trong huyền ảo tâm linh... Lớn lên và suốt trong cuộc đời dài lâu, tôi từng đến nhiều góc biển chân trời, thưởng thức lắm cảnh tân kỳ, song chưa một lần gặp lại bầu không khí tinh khôi hương trầm nhẹ quyện hương mai thanh khiết lúc vào Xuân...”.

Hoa đeo đẳng tôi. Mùa Xuân 1973, Quảng Trị giải phóng. Một đồng nghiệp cùng tôi từ Hà Nội vào, về tiếp xúc binh sĩ hai bên đang tranh nhau cắm cờ, giữ chốt, phân tuyến ngừng bắn ở mạn Triệu Phong, Cửa Việt  không mấy xa Thành Cổ. Vùng đất này bị tàn phá dữ dội, đến nỗi cán bộ xã muốn kiếm một khúc tre đủ dài làm cán cờ cũng không tìm đâu ra, vì tre pheo đã bị đạn phạt gần sát gốc. Hai anh em được bộ đội cho nghỉ qua đêm trong một căn hầm chữ A. Sáng thức dậy, tôi ra ngoài trời vươn vai hít thở không khí thanh bình hết sức bất thường ở vùng đất này, chợt bắt gặp một nụ mai vàng nở là là mặt đất. Thì ra cây mai bị bom đạn vùi dập, lấp dưới lớp đất dày đổ nát, không hiểu sao một cành vẫn trồi lên và gặp tiết Xuân vẫn ra hoa. Nụ hoa nằm gần sát mặt đất, như thể nó cũng đang tránh bom. Tôi nhìn đóa hoa vàng đơn chiếc mà nghẹn ngào.

Năm 1975, đất nước thống nhất, tôi lên Đà Lạt. Phấn chấn, tôi viết luôn mấy bài về hoa cao nguyên. Bạn đồng hương của tôi, nhà thơ Chế Lan Viên, thú vị lắm. Anh bình: “Phan Quang không cưỡi ngựa xem hoa mà xuống ngựa, không chỉ để xem lục béo, hồng gầy, ong mai bướm tối thế nào mà còn để tìm hiểu, ghi chép gốc gác lai lịch các loài hoa. Lượng đổi thành chất thế nào nhỉ, chứ ở đây lượng thông tin, sự hiểu biết đã làm tăng chất xúc cảm”. Một bài viết về hoa, đề là Xin đừng quên nhau, giai phẩm Xuân của Báo Đoàn Kết của kiều bào tại Pháp trang trọng in lại, biên tập viên còn đặt cho cái tên gọn ghẽ mà ấn tượng hơn: Forget me not. Số giai phẩm ấn loát cực đẹp. Nhà văn Nguyễn Tuân mượn xem, thích quá giữ luôn (số này cũng có đăng bài của ông), mặc nhiên coi như tôi biếu. Ông tinh quái gửi tôi một tấm thiếp: “Xin cảm ơn số Tết Đoàn Kết có hoa myosotis của anh. Và mong có dịp nào anh tạt lại nhà tôi để cám ơn lần nữa”.

Giáp Tết năm sau, tình cờ gặp nhau cùng thơ thẩn ở phố Tràng Tiền, Nguyễn khoe: “Tết này Báo Văn Nghệ đăng cho mình một bài về hoa. Ông đọc chưa?”. Bài tùy bút ấy ông viết về thung lũng hoa hồng bên bờ Biển Đen. Tôi thú thật chưa. Ông kéo tôi tạt vào quầy báo vỉa hè, hỏi mua số báo Tết với giá chợ đen. Rồi mượn cây bút của chính người bán báo, ông ghi luôn cạnh đầu đề bài viết của mình: “Với anh Phan Quang là người yêu hoa, Tết này xin tặng một cành hoa”...