Tôi đi ném bài thi

Đợt thi tốt nghiệp THPT từ ngày 6 - 8.6 vừa qua, chúng tôi đã có dịp đến một vài hội đồng thi vốn được coi là "điểm nóng" trên địa bàn tỉnh Hà Tây. Lâu nay, nạn ném bài thi vẫn được đồn đại "trong dân gian", trong khi đó báo cáo của các sở gửi về bộ vẫn thường là "an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế". Tin ai? Lần này, chúng tôi đã được mục sở thị, những câu chuyện bi hài mà nhức buốt.

Đi tìm địa bàn "nóng"...

Đầu giờ chiều buổi thi thứ hai - môn vật lý, chúng tôi quyết định chọn huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây làm hướng để tiến. Chọn địa điểm này bởi năm trước, chúng tôi đã đến và chứng kiến sự lộn xộn ở đây.

Trước khi đi, bảo nhau là chuyến này "5 ăn 5 thua", vì năm ngoái sau khi báo chí đưa vụ việc, Bộ GDĐT đã nói là đề nghị Sở GDĐT Hà Tây xem xét giải quyết. Vậy thì đi xem năm nay có khá hơn năm trước không. Nếu không gặp cảnh ném bài thì cũng chỉ "mất công" hơn 40km đi về.

Nhưng quả thực, khi đến nơi, thấy mọi việc vẫn như năm trước, chúng tôi không khỏi bất bình và thất vọng. Đông nghịt người đứng ngồi quanh khu vực trường. Người chờ đợi con thì ít mà người háo hức chờ đến giờ thi để ném bài thì nhiều.

Bắt chuyện với một cô bé đứng một mình, cô này cho biết đi ném bài cho em gái. "Làm sao mà em trèo lên để ném được?". "Em không ném đâu, có người khác ném rồi", vừa nói em vừa chỉ một nhóm thanh niên, nói đó là anh em họ. Đúng là toàn người nhà đi ném bài cho con em.

Rất đông phụ nữ, ra dáng những bà mẹ, tất tả đi lại. Cuối cùng thì cũng đến giờ G - giờ ném - không phải là giờ bắt đầu làm bài mà là giờ bắt đầu xuất hiện bài giải môn thi này. Các nam thanh niên bắt đầu thể hiện khả năng leo trèo và đu bám cho đến khi có "lệnh trên", các giám thị phải đi đóng cửa sổ phòng thi (Báo Lao Động đã phản ánh, số ra ngày 7.6).

Buổi thi cuối cùng chiều ngày 8.6, môn ngoại ngữ. Lại về Hà Tây, nhưng lần này, chúng tôi chọn huyện Thạch Thất. Định là đến Trường THPT Thạch Thất, nhưng giữa đường vào, "phát hiện" thấy một điểm đang khá nhộn nhịp, chúng tôi quyết định dừng chân xem thử. Đây là Trường THPT Phùng Khắc Khoan.

Mới 14h, còn nửa tiếng nữa mới tới giờ thi. Người nhà thí sinh ngồi đầy trước mấy quán nước trước cổng trường. Tôi đi vào phía cạnh trường, ở đây rất nhiều thanh niên nam nữ đang tụ tập. Khác với bên Quốc Oai, vẻ mặt của mọi người bên này khá phấn chấn, vui vẻ.

Hỏi một cô bé tí teo đang đứng cùng các anh chị là đến đây làm gì, cô bé bẽn lẽn trả lời: "Em đi xem, với lại lên đây cho mát, ở nhà mất điện". "Tí nữa làm sao mà ném bài vào được nhỉ?". "Chị không biết à, chị chưa đi ném bài bao giờ à?". Đám đông nhao nhao, vài ánh mắt tỏ ý nghi ngại. "Ừ, chị ở ngoài Hà Nội, có đứa em họ thi ở đây. Hôm nay thi tiếng Anh nó mới gọi vào hộ nó". "Thế chị giỏi tiếng Anh à, tí nữa làm bài cho em chép với nhé?". "Được rồi, nhưng mà tí nữa lấy đề ở đâu?". "Úi giời, chị không phải lo, tí nữa khắc có". "Thế đề lấy ở đâu đấy, hôm nào cũng có à?". "Vâng, có ngay ấy mà, chỉ khoảng 15 phút thôi".

Đi thám hiểm địa bàn. Phía bên trái của trường là một ngõ hẹp, một bên là tường trường học, một bên là nhà dân. Khối nhà 3 tầng của trường học chỉ cách bức tường rào hơn 2m. Một người phụ nữ có vườn nhà giáp với phía trường học đã chặn ngang ngõ với chiếc xe bò kéo và một mẩu dây thừng, ai qua thì phải nộp 1.000 đồng. Phía trong dựng sẵn sàng vài chiếc thang tre ghếch lên tường.

Vòng qua phía bên phải của trường. Bên này tiếp giáp với đường đi khá rộng rãi, còn phía trong là dãy nhà một tầng của trường. Có tới hơn chục chiếc thang tre đã dựng sẵn để cho thuê, 1.000 đồng cho một lần trèo lên. Ba phía là tường cao hơn 2m, nhưng phía mặt trước của trường chỉ là bức tường cao hơn 1m, trẻ con cũng có thể trèo vào.

"Tương thân tương ái"

img
Trèo tường ném bài thi môn vật lý - ngày 6.6 tại Hội đồng thi Trường THPT Quốc Oai, Hà Tây.

"Này, làm cái gì đấy?". Đang kiễng chân nhòm vào sân trường qua phần tường thấp, tôi giật mình nghe tiếng gọi sau lưng. Cứ tưởng là bảo vệ hay công an đi dẹp loạn, quay lại thì hoá ra 2 anh chàng ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy đang đỗ sau lưng. "Em có đứa em...". "Em em thi ở đâu, phòng nào?". "Ở trong dãy nhà 3 tầng kia". "Cứ nói phòng đi, tí nữa anh ném giúp cho, chứ em làm sao mà trèo vào được". Người ở đây "tốt" thật đấy, nhưng: "Dạ thôi, em cảm ơn".

14h35, trống điểm báo hiệu giờ bắt đầu làm bài. Cùng với gần hai chục người nữa, tôi bám lấy cổng trường. Đám đông í ới gọi vào trong xin đề. Anh bảo vệ đi lại trong sân, tay vung vẩy chiếc roi điện, các giám thị bình thản ngồi đúng vị trí. Được chừng 5 phút, quá nóng và ngột ngạt vì hơi người, tôi rời vị trí, đi lại phía góc trường. Đám đông ở đó an ủi, bảo cứ chờ ở đây là được rồi, tí nữa là có ngay.

"Đề kia rồi", ai đó reo lên. Quay lại, quả thực tôi thấy một thanh niên cầm tờ đề "xịn" trên tay. "Để đi phôtô đã". Anh này nói rồi nhanh chóng biến vào trong ngõ. Tôi đi theo. Mất 1.000 đồng, người phụ nữ mới cho qua, tận tình chỉ vào ngôi nhà phía trong, bảo đề ở trong đó. Hai người đàn ông và 1 người phụ nữ đang ngồi canh chiếc máy fax, lúc này được giao nhiệm vụ của chiếc máy photocopy.

"Cho em một tờ". Quẹt, quẹt, quẹt... Một người đàn ông lấy cái cán quạt giấy gạch mấy nhát lên mặt bàn. Tưởng chưa nghe rõ, tôi nhắc lại đề nghị. Vẫn quẹt, quẹt, quẹt... Lần này thì tôi hiểu ra. "Bao nhiêu ạ?". "Mười nghìn". Chiếc máy fax ì ì chạy. "Đề ở đây là xịn đấy, lấy thế này là yên tâm nhất". Người phụ nữ vừa trả lại tiền thừa vừa tiếp thị. Nhưng mới chỉ có tờ thứ nhất của đề thi. "Ai có tờ 2 không?" - tôi hỏi đám đông đang ngồi nhốn nháo trong vườn. "Có đấy". "Đâu, cho xin được không?". "Ở trong kia kìa" - một anh chàng vừa nói vừa chỉ tay về phía phòng thi. Cả đám đông cười rộ. "Chị cứ yên tâm đi, lúc nữa là có đủ thôi" - ai đó nói với theo tôi.

Ra đến đầu ngõ, tôi nhanh chóng bị vây quanh. "Chị làm đi, làm nhanh lên". Ừ thì làm. Nhưng khi đánh dấu đến câu thứ 2, tôi chợt nhận ra mình đang "tiếp tay cho vi phạm". Tôi hoãn binh bằng cách: "Để chị đi gọi bạn chị, nó giỏi hơn, về làm cho đúng. Còn hơn 1 tiếng nữa cơ mà".

Lại đi về hướng cổng trường. Ở 3 quán nước trước cổng trường là những cái đầu đang gục xuống, say mê ghi chép. Hoá ra là ở đây người ta chẳng cần đề đóm gì hết, mà đang chép những câu trả lời theo dạng 1a, 2b, 3c... Tôi cũng xin tờ giấy, chép lấy chép để. Mang cái đáp án này về, tôi bảo mấy cậu chàng mới quen chép đi, thì nhận được cái bĩu môi: "Chị làm chậm bỏ xừ, bọn em có rồi". "Ai làm đấy, sai thì sao?". "Có anh kia làm rồi, thầy giáo đấy, hơi bị siêu".

Chúng chỉ cho tôi một người đàn ông đeo kính trắng, dáng tầm thước đang đứng gần đấy, khá tách biệt với đám đông náo nhiệt xung quanh. Tôi lại đi vào ngõ, lại mất thêm 1.000 đồng để được chui qua cái dây thừng.

Định trả tiền để leo lên thang nhòm vào trong trường xem thế nào, ngay lập tức tôi được mấy cậu ngồi sẵn phía trên tường cản: "Chị leo lên làm gì, ném cho ai, đưa em ném cho". "Em chị ngồi tận tầng 3, có ném được không?" - tôi chỉ bừa vào một phòng thi trên tầng 3. "Sao lại không được?". Nói là làm, hai cậu bé cầm tờ đề tôi đưa bắt đầu leo trèo, loáng một cái đã thấy vắt vẻo bám vào ô cửa sổ tầng 3". Hoàn thành nhiệm vụ ném bài tôi "nhờ" một cậu còn tranh thủ gào vào phía trong: "Đưa cho anh cái đề 2 (tức là tờ thứ hai của đề), chép cũng được. Nhanh lên, anh mỏi tay lắm rồi".

15 giờ, tôi quyết định đi về. Ra đến đầu ngõ, lại gặp người quen. "Ném được không chị?". "Chị chẳng biết, cứ ném vào trong không biết là nó có nhặt được không, nhưng chắc là được". "Chắc là được đấy chị ạ". "Nhưng bây giờ chị phải về mà không có tờ thứ hai để làm". "Chị yên tâm mà về đi, có một cái là bọn em lại ném vào cho, kiểu gì em chị cũng làm được bài". "Ừ, thôi thì nhờ các em".

Nan giải nhất là khâu chụp ảnh. Vòng xe ra bãi đất trống trước cổng trường, chúng tôi cẩn thận nhìn trước nhìn sau rồi đưa máy lên chụp. Bỗng tôi giật mình nhìn sang bên cạnh. Người đàn ông ở quán sửa xe cạnh đó đang trợn mắt nhìn. Bỗng anh ta phóng chạy về phía đám đông ở cổng trường. Chúng tôi cũng leo vội lên xe máy, chạy thẳng.

Chạy "thoát" rồi, hoá ra lòng lại trĩu nặng. Không chỉ vì sự ngang nhiên vi phạm kỷ luật của kỳ thi, mà còn buồn bởi lẽ: Bao nhiêu là nam thanh nữ tú, là những người được đào tạo lớp lang đã thi và sẽ thi, không biết những "phao" thi ấy sẽ đưa họ về đâu?