Phục hồi "lá phổi xanh" ven biển
Những cánh rừng ngập mặn được hồi sinh không chỉ làm lá chắn tự nhiên trước thiên tai mà còn đem lại nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng người dân xung quanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động khắc nghiệt đến các vùng ven biển miền Trung, tỉnh Quảng Ngãi đang khẳng định hướng đi đúng đắn khi ưu tiên khôi phục và phát triển hệ thống rừng ngập nước, ngập mặn. Những "lá phổi xanh" này từng bị tàn phá bởi cả thiên tai và con người.
Chung sức, đồng lòng
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, khi chưa sáp nhập với Kon Tum, địa phương có 7 vùng đất ngập nước có giá trị sinh thái và kinh tế cao.
Trong đó, nổi bật là bàu Cá Cái, rừng dừa nước Cà Ninh và sông Đầm với hơn 144 ha rừng ngập mặn vùng cửa sông, ao hồ nuôi trồng thủy sản; đầm Nước Mặn và đầm An Khê với tổng diện tích hơn 760 ha, chủ yếu là đầm phá ven biển. Đặc biệt, khu vực ven biển đảo Lý Sơn có hơn 843 ha rạn san hô, thảm cỏ biển, vùng gian triều. Các khu vực này đóng vai trò then chốt trong việc duy trì cân bằng sinh thái, chống xói mòn bờ biển và tạo sinh kế cho hàng ngàn hộ dân.
Trong quá trình triển khai bảo vệ và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước nêu trên, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng việc thúc đẩy hoạt động bảo tồn và khai thác hợp lý các hệ sinh thái. Việc này nhằm hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Người dân đưa đón khách du lịch tham quan những khu rừng ngập mặn tại xã Vạn Tường, tỉnh Quảng Ngãi
Khu vực bàu Cá Cái đã được chọn làm điểm nhấn cho nhiều dự án khôi phục rừng ngập mặn. Từ năm 2018 - 2019, dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi", do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, đã trồng mới 65,64 ha rừng và phục hồi gần 108 ha dọc hai bên sông Cà Ninh. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn trồng mới và phục hồi hàng trăm hecta rừng ven biển tại các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương, thuộc huyện Bình Sơn cũ - hiện đã sáp nhập thành xã Vạn Tường.
Các loại cây chủ lực được trồng gồm cóc, bần, dừa nước… vừa góp phần chống xói mòn, giảm thiểu tác động của gió bão vừa tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái đa dạng, là "lá phổi xanh" bảo vệ môi trường và giữ gìn nguồn nước ven bờ. Sau khi các dự án hoàn tất, chính quyền đã bàn giao rừng cho người dân quản lý và hưởng lợi; tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên.
Ông Lê Quang Thanh - Trưởng thôn Thuận Phước, xã Vạn Tường - khẳng định rừng bàu Cá Cái hồi sinh và mở rộng diện tích như hôm nay là nhờ sự đồng lòng của người dân, sự hỗ trợ từ chính quyền cùng các tổ chức trong và ngoài nước. "Rừng được hồi sinh không chỉ bằng tiền bạc mà còn bằng cả ý thức và tình yêu thiên nhiên của cộng đồng" - ông Thanh nhìn nhận.
Trở thành "ngân hàng xanh"
Ngoài những dự án khôi phục rừng ngập mặn ven biển, chính quyền còn tạo nguồn sinh kế bền vững, trao quyền cho cộng đồng, bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa qua nguồn tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP).
Anh Phạm Duy Nghĩa - ngụ thôn Thuận Phước, xã Vạn Tường - là người đã hơn 20 năm gắn bó với khu rừng Bàu Cá Cái để mưu sinh. "Mấy năm qua, diện tích rừng không ngừng được mở rộng, người dân chúng tôi cũng được giao diện tích nuôi trồng thủy sản… nên ai cũng vui mừng, ra sức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sinh kế của gia đình" - anh bày tỏ.
Theo anh Nghĩa, không những đem lại nguồn sinh kế lớn, nhờ rừng ngập mặn che chắn, những năm có bão lũ lớn, thiệt hại đã giảm đáng kể. Nhà cửa và hoa màu không còn bị tàn phá như trước. Ngoài việc đánh bắt, người dân còn nuôi thủy sản. Du lịch sinh thái cũng bắt đầu nhen nhóm ở đây. Vào mùa khô, nhiều hộ dân còn chở du khách du ngoạn, ngắm cảnh rừng, kiếm thêm nguồn thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung - điều phối viên dự án GCF tại Quảng Ngãi trước đây - cho biết từ năm 2014 đến nay, dự án đã trồng mới và bảo vệ khoảng 80 ha rừng tại Bàu Cá Cái. Trong đó, hơn 50 ha rừng già được giao khoán cho người dân bảo vệ. Dự án cũng hỗ trợ sinh kế cho hàng chục hộ dân bằng cách cung cấp vật nuôi, thức ăn, thuốc; tạo việc làm cho hàng chục lao động trồng và chăm sóc rừng.
Bà Dung nhận xét: "Khu rừng được phục hồi đã phát huy rõ hiệu quả: chắn bão tốt hơn, môi trường cải thiện, hệ sinh thái được tái tạo. Các loài chim, cò, đặc biệt là vịt trời, đã quay lại sinh sống; cá, cua, ốc ngày càng xuất hiện nhiều trong các luồng lạch". Bà nhấn mạnh người dân vẫn có thể khai thác nguồn lợi ở đây nhưng chỉ bằng phương pháp thủ công để bảo đảm hệ sinh thái phát triển bền vững.
Những cánh rừng ngập mặn hồi sinh đã nhanh chóng trở thành "ngân hàng xanh" của người dân địa phương, mang lại nguồn thu nhập đa dạng từ việc đánh bắt thủy sản, do hệ sinh thái phong phú tạo môi trường sinh sản lý tưởng cho cá, cua, ốc và nhiều loài khác. Nhiều hộ dân được giao khoán một phần diện tích rừng để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững. Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bắt đầu hình thành, với dịch vụ đưa đón khách tham quan rừng ngập mặn.
Ông Ung Đình Hiền, Chủ tịch UBND xã Vạn Tường, cho rằng nhờ sự chung tay của chính quyền, người dân cùng các tổ chức trong và ngoài nước, hệ thống rừng ngập mặn ven biển của địa phương những năm qua được mở rộng đáng kể, qua đó đem lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng người dân sinh sống xung quanh.
"Có thể thấy nhờ lợi ích to lớn từ hệ sinh thái rừng ven biển mang lại, nhận thức của cộng đồng được nâng lên rõ rệt. Người dân quan tâm, tin tưởng, đồng tình và mong muốn được góp sức bảo vệ rừng và hệ sinh thái ven biển; tham gia phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập và từng bước cải thiện đời sống" - ông Hiền đánh giá.
PGS-TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, nhìn nhận: "Nếu tiếp tục thực hành và thúc đẩy mô hình trồng rừng, tạo nguồn sinh kế, trao quyền cho cộng đồng thì nhiều vùng đất ngập ven biển sẽ có hệ sinh thái xã hội bền vững đặc sắc. Trong đó, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nhờ các giải pháp phát triển xanh; sinh kế cộng đồng được cải thiện; du lịch sinh thái phát triển sẽ tạo ra các trải nghiệm kết nối thiên nhiên, văn hóa và kinh tế; nông nghiệp và các sản phẩm OCOP được hỗ trợ sẽ tạo ra chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ".