Quyền lợi và trách nhiệm

Bảo hiểm y tế ngày càng trở nên thiết yếu, không chỉ là tấm "lá chắn tài chính" khi ốm đau mà còn là trụ cột an sinh xã hội

Từ ngày 1-7-2025, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực, mở rộng nhiều quyền lợi và hoàn thiện nhiều nội dung thiết thực, trực tiếp liên quan đến quyền lợi của hàng chục triệu người tham gia.

Trong đó, đáng chú ý là việc mở rộng đối tượng tham gia, mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nhất là nhóm bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo; sửa đổi hình thức xử lý khi chậm đóng, trốn đóng BHYT cùng các bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ rào cản trong khám chữa bệnh, giúp giảm bớt thủ tục phiền hà…

Sự đổi mới này đã khẳng định BHYT thực sự đi vào cuộc sống, trở thành trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, là điểm tựa vững chắc bảo vệ sức khỏe toàn dân, hướng tới một tương lai bền vững.

BHYT ngày càng trở nên thiết yếu, không chỉ là tấm "lá chắn tài chính" khi ốm đau mà còn là trụ cột an sinh xã hội bền vững, góp phần giúp người dân - nhất là người lao động và học sinh, sinh viên - an tâm làm việc, học tập và xây dựng tương lai ổn định, hạnh phúc.

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, BHYT đã đạt tỉ lệ bao phủ 93,35% dân số. BHYT đang ngày càng tiệm cận mục tiêu toàn dân, bảo đảm mọi người, không phân biệt giàu nghèo, đều được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Thực tế đã chứng minh BHYT không chỉ đơn thuần là một phương thức thanh toán viện phí mà còn là biểu tượng của sự sẻ chia, của tinh thần tương thân tương ái. Được hình thành từ sự đóng góp của số đông, Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính bền vững, chi trả cho hàng trăm triệu lượt khám chữa bệnh mỗi năm, giúp hàng triệu người vượt qua khó khăn khi chẳng may đau ốm, bệnh tật. Vai trò của BHYT càng được thể hiện rõ nét, không chỉ với các ca bệnh cấp tính mà còn với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo, cần điều trị lâu dài và tốn kém.

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy Quỹ BHYT đã chi trả cho nhiều bệnh nhân hàng tỉ đồng mỗi năm. Phạm vi chi trả của BHYT tại Việt Nam rất rộng, bao gồm hàng ngàn loại thuốc và dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, giúp người bệnh yên tâm điều trị mà không phải bán tài sản hay vay nợ chồng chất.

Giá trị của BHYT không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính cho từng cá nhân mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Thực hiện chính sách BHYT toàn dân góp phần quan trọng vào việc thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Người thu nhập thấp, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi... đều được nhà nước hỗ trợ hoặc cấp thẻ BHYT miễn phí, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Do vậy, việc tham gia BHYT không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân với chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Mỗi đồng đóng góp vào Quỹ BHYT hôm nay không chỉ là một khoản "tiết kiệm" cho sức khỏe riêng mình, mà còn là sự chung tay giúp đỡ những người kém may mắn hơn, góp phần xây dựng một lưới an sinh xã hội vững chắc và nhân ái.