Rác thải - thực trạng và giải pháp bền vững (*): Loay hoay trong nghịch lý

Bên cạnh nỗ lực phân loại rác của người dân dễ thành "công dã tràng" thì câu chuyện phân định 2 hay 3 loại chất thải để thu gom, xử lý chính xác cũng lận đận

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1-1-2025, người dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) tại nguồn thành 3 nhóm - gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Nan giải phân loại

Tuy vậy, đến nay, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động trên nhiều tuyến đường, con hẻm tại TP HCM cho thấy hầu hết nơi bỏ rác của hộ gia đình hay hàng quán thay vì thùng rác 3 ngăn hoặc 3 thùng rác thì chỉ có một và mọi loại rác nằm chung.

Thậm chí tại hàng loạt khu vực công cộng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên 23 Tháng 9, Công viên 30 Tháng 4, Công viên Tao Đàn… phần lớn thùng rác cũng chỉ được thiết kế một ngăn chứa từ lá cây, ly nhựa, túi giấy, mảnh gốm đến thức ăn thừa với dòng chữ "Hãy cho tôi rác" hay "Hãy để rác vào đây". 

Đáng nói, một số nơi bố trí thùng rác chia 2 - 3 ngăn rõ ràng với ghi chú khá cụ thể thì tình trạng lẫn lộn vẫn phổ biến do thói quen của người dân.

Rác thải - thực trạng và giải pháp bền vững (*): Loay hoay trong nghịch lý - Ảnh 1.

Nhiều thùng rác đặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ chứa mọi loại rác. Ảnh: ÁI MY

Ở nhiều chung cư cũng thế. Hệ thống thu gom tập trung khiến việc phân loại rác tại nguồn từ từng căn hộ không đạt kết quả như mong đợi. Lý do là vì chung cư thường sử dụng ống để xả rác xuống một khu vực chứa, điều này dẫn tới mọi nỗ lực phân loại từ chủ hộ (nếu có) về gần số 0.

Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Ngoài ra, công tác đổ, thu gom rác với giờ giấc không cố định cùng sự giám sát thiếu chặt chẽ trở thành thách thức không nhỏ với khâu kiểm tra, thực thi quy định phân loại.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh Như (ngụ quận 8) thừa nhận gia đình lâu nay bỏ toàn bộ rác vào một túi mang ra trước cửa nhà, hàng xóm cũng thế nên chị chưa nghĩ đến việc sắm thùng phân loại rác. 

Trong khi đó, chị Lê Thị Mãi (ngụ quận 1) bày tỏ ủng hộ việc phân loại rác. Tuy nhiên, quy trình, phương tiện thu gom rác cần thay đổi. "Bởi lẽ, dù người dân đã phân loại nhưng nếu rác cứ chất cùng một xe thì mọi nỗ lực đều trở thành vô nghĩa. Vì vậy, điều cấp thiết là cải tiến phương thức cũng như phương tiện thu gom" - chị Mãi nói.

Trắc trở vai trò tiên phong

Ngược thời gian, hơn 1 thập kỷ trước, TP HCM tiên phong trong phân loại rác thải. Theo đó, chương trình phân loại rác thải tại nguồn được triển khai thí điểm từ năm 2011 tại hệ thống các siêu thị, công ty trong Khu Công nghệ cao và Khu Chế xuất Tân Thuận. 

Đến năm 2013, thành phố mở rộng thí điểm tại một số cụm dân cư trên địa bàn quận 1. 

Tiếp đến, giai đoạn 2015 - 2016, thí điểm với nhiều hộ dân các quận 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh.

Đến năm 2017, từ hiện trạng, công nghệ xử lý rác thải, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tham mưu cho UBND TP HCM ban hành Quyết định 1832 về kế hoạch thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình giai đoạn 2017 - 2020. 

Trong đó, rác chia thành 3 nhóm - gồm nhóm chất thải hữu cơ (để sản xuất phân compost); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.

Rác thải - thực trạng và giải pháp bền vững (*): Loay hoay trong nghịch lý - Ảnh 2.

Hai thùng rác với hướng dẫn “Chất thải hữu cơ dễ phân loại” và “Chất thải còn lại” theo Quyết định 09/2021 của UBND TP HCM. Ảnh: QUỐC ANH

Tuy nhiên, qua thực tế phân loại rác thải tại nguồn, Quyết định 09/2021 của thành phố rút xuống 2 nhóm - là chất thải có khả năng tái chế và chất thải còn lại.

Từ quá trình hơn 10 năm trên, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, để chuyển đổi từ việc phân loại rác sinh hoạt từ 2 nhóm lên 3 nhóm theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (thêm nhóm chất thải thực phẩm) thì các địa phương cần thời gian trao đổi; làm việc với đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm phân loại, thu gom, xử lý khoa học, đồng bộ. Đồng thời, tiếp tục thống kê khối lượng rác sau phân loại, đánh giá hiệu quả, hoàn thiện giải pháp phù hợp với công nghệ xử lý rác của địa phương.

Trong năm 2025, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát khối lượng chất lượng thực phẩm tại địa phương và thực hiện phân loại thành 3 nhóm ở một số đối tượng phát sinh khối lượng lớn chất thải thực phẩm. Thành phố sẽ từng bước đánh giá hiệu quả thực hiện, đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng ra những nhóm đối tượng còn lại.

Chần chừ vì chưa thống nhất

Công tác phân loại rác thải thành 3 nhóm ở các địa phương của TP HCM được đánh giá là bài toán chưa thể có đáp số. 

Ứng xử với chất thải nguy hại

Tháng 4-2025, UBND TP HCM ban hành Quyết định 58/2025, trong đó, quy định tên chất thải, hình minh họa và kỹ thuật phân loại chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh và chất thải còn lại.

Chất thải nguy hại được hộ gia đình chuyển giao cho đơn vị xử lý chất thải nguy hại hoặc đem đến các điểm thu gom do UBND cấp xã hoặc khu phố bố trí.

Chia sẻ về nguyên nhân chưa triển khai trên địa bàn quận Phú Nhuận, ông Phạm Bảo Toàn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, dẫn chứng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 1-1-2025, rác phân thành 3 nhóm nhưng trước đó UBND thành phố hướng dẫn phân loại rác thành 2 nhóm. 

Do 2 quy định khác nhau và nếu thực hiện thì tính hiệu quả chưa rõ, người dân sẽ phản ứng. Chưa kể, trong giai đoạn chờ sắp xếp, không còn quận, huyện từ sau ngày 1-7 thì công tác phân loại rác tại nguồn chưa được ưu tiên thực hiện.

Với huyện Hóc Môn, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường thông tin phân loại rác tại nguồn chủ yếu tiến hành ở siêu thị, phòng khám, cơ quan nhà nước, trường học vì dễ đặt thùng rác, dễ thực hiện. 

Riêng hộ dân khó triển khai đại trà do không có mấy nhà tự trang bị nhiều thùng rác. "Thực tế vẫn có hộ dân tự phân thành 2 loại khi giữ lại những phế liệu có thể bán ve chai, rác còn lại cho vào thùng chủ yếu là rác hữu cơ như yêu cầu của thành phố" - vị đại diện nói thêm.

Trong khi đó, đại diện Phòng Giao thông Công chánh TP Thủ Đức cho biết những nơi có nguồn chất thải thực phẩm lớn như nhà hàng, đơn vị sản xuất suất ăn công nghiệp… đã phân loại rác thành 3 nhóm theo quy định và cung ứng cho đơn vị làm phân compost. Trong cộng đồng dân cư thì đa số vẫn phân rác thành 2 nhóm theo hướng dẫn trước đây. TP Thủ Đức đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải thành 3 nhóm chứ chưa tổ chức thực hiện thí điểm. 

Việc kiêm nhiệm ảnh hưởng ít nhiều

HTX Dịch vụ môi trường quận 6 là đơn vị trực tiếp thu gom và quản lý thu gom rác trên địa bàn quận 6. Giám đốc là ông Nguyễn Duy Thuận kể khi thành phố triển khai phân loại rác tại nguồn, UBND phường 12 hiện thực hóa tới các hộ dân, mỗi hộ được phát 2 thùng rác và bao ni-lông có dán nhãn từng loại rác.

Tuy nhiên, một thời gian sau thì thùng rác không còn do bị những người lượm ve chai ban đêm lấy mất. Sau thời gian đó, phường không thực hiện phân loại rác nữa và người dân tiếp tục để rác chung một thùng như trước đây.

Rác thải - thực trạng và giải pháp bền vững (*): Loay hoay trong nghịch lý - Ảnh 1.

Rác không phân loại được thu gom bởi xe thô sơ là hình ảnh thường thấy ở TP HCM. Ảnh: THU HỒNG

"Thực tế, khi rác để chung một thùng, chúng tôi cho lên xe và sẽ nhặt phế liệu bán được như giấy các-tông, lon bia, chai nước nhựa, nhựa… Riêng túi ni-lông chúng tôi không lượm nổi vì giá thành rất rẻ, lượm rất mất công... Về cơ bản, người thu gom đã phân thành 2 loại rác như yêu cầu của UBND thành phố - tuy chưa triệt để lắm vì vẫn còn túi ni-lông lẫn trong rác hữu cơ" - ông Thuận nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Viễn, Chủ tịch UBND phường 12, cho rằng chương trình phân loại rác tại nguồn do công chức địa chính đô thị và môi trường kiêm nhiệm. Điều này ít nhiều ảnh hưởng công tác tuyên truyền, vận động người dân và các hoạt động khác gắn liền với chương trình.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-5