Quỷ nhập tràng - Có dọa được khán giả?
Với lời giới thiệu khá ấn tượng là vở kịch không dành cho khán giả dưới 14 tuổi và những người có tiền sử bệnh tim trước giờ mở màn đã khiến không ít khán giả hồi hộp chờ đợi giây phút được gặp quỷ trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. Và quỷ đã xuất hiện đúng vào thời khắc như khán giả dự đoán
Con quỷ tên Ất, xuất thân là một thanh niên trẻ sau khi hết hạn quân dịch, trở về làng quê nghèo tìm kế sinh nhai và phải lòng một cô gái trẻ tốt bụng, vì muốn chống lại sự áp bức của bọn quan xã bẩn thỉu nên đã bị chúng giết chết.
Khi mang xác anh đi chôn, do sơ suất nên bọn chúng đã để con mèo đen nhảy qua, xác anh biến thành quỷ nhập tràng khiến bọn người xấu xa trong làng luôn lo sợ. Tuy nhiên, vì anh là con quỷ tốt bụng nên người hiền không sợ anh và tất nhiên, khán giả cũng không mấy sợ anh. Bên cạnh những nhân vật phiến diện sắc sảo như xã trưởng (Chí Trung), vợ xã trưởng (Lê Khanh), trương tuần (Sỹ Tiến), nhân vật quỷ chỉ là một cái bóng tô điểm cho câu chuyện thêm phần lạ lẫm.
Mở màn cho cảm giác kinh dị là cảnh đám ma được làm công phu, âm thanh, ánh sáng đủ gây cảm giác rờn rợn, bên cạnh một xác chết như thật tạo hiệu ứng ban đầu khá tốt với khán giả. Song sau đó, nhân vật quỷ xuất hiện không nhiều và không được khai thác một cách quyết liệt.
Quỷ trở thành nhân vật vô hình, đủ sức sai khiến bà xã trưởng đang nằm ngủ phải mộng du đi ra miếu, để rồi sau đó bắt gặp quả tang chồng mình tìm cách tán tỉnh cô Khoai (là người yêu trước kia của quỷ). Quỷ cũng vạch trần thói trăng hoa của bà xã trưởng với trương tuần bằng cách gọi ông xã trưởng ra, quỷ bảo ông thấy cái gì thì ông sẽ nhìn thấy cái đó.
Mấy đứa con bất hiếu tìm cách để cha mình chết nhanh hơn cũng bị quỷ ám đến nỗi tranh nhau ăn chiếc quần bẩn của cha. Chúng ức quá nên tìm cách kiện quỷ. Những cảnh này đều khiến khán giả thích thú, tuy nhiên sự thích thú không bắt nguồn từ cảm giác sợ hãi hay rùng rợn do quỷ mang lại mà là cách các nhân vật thể hiện bản chất xấu xa của mình.
Đối với các nhân vật trong vở, quỷ có sức mạnh, có tầm quan trọng nhất định đến cuộc đời họ. Còn đối với khán giả, quỷ nhập tràng cũng giống như những nhân vật vô hình khác, thường vạch trần cái xấu, che chở điều tốt, chứ không phải là một nhân vật có thể mang đến cho khán giả những cảm xúc mới.
Ngay cả khi quỷ không xuất hiện trên sân khấu mà xuất hiện ngay ở hàng ghế khán giả với bộ mặt được hóa trang kỹ lưỡng, người xem vẫn đoán trước được. Hơn nữa, lúc ấy quỷ chỉ đứng im và nói những lời yêu thương với người yêu khốn khổ của mình. Cảnh cuối, khi chàng trai quỷ chết vì bị vợ chồng ông xã trưởng lừa rằng họ đã thay đổi, đã trở thành những con người tốt, những con quỷ khác xuất hiện từ các phía của hàng ghế khán giả chạy lên giết chết vợ chồng ông, khiến khán giả bất ngờ nhưng chưa kịp sợ thì kịch đã hết.
Có lẽ khán giả hơi thất vọng khi thấy quỷ chẳng làm gì để mình sợ, trong khi ai cũng chờ đợi cảm giác rùng rợn sẽ đến trong sự mờ ảo của ánh đèn sân khấu. Kể cũng hơi tiếc.
Phải nói rằng Quỷ nhập tràng (kịch bản Nguyễn Khắc Phục) là một vở kịch hay bởi nội dung hấp dẫn, nhiều tính nhân văn, bên cạnh sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng diễn xuất tung hứng với chất hài hóm hỉnh, duyên dáng của trợ lý đạo diễn Chí Trung, hòa quyện với sự thâm thúy, sâu sắc của đạo diễn Lê Hùng. Rất đông khán giả đến xem và có thể nhận thấy rõ họ thực sự được thư giãn khi thưởng thức. Tuy nhiên, với mức độ “lấn sân” của tiếng cười so với cảm giác sợ hãi, nếu gọi Quỷ nhập tràng là vở hài kịch có yếu tố kinh dị thì hợp hơn là kịch kinh dị.