Sâu rễ, bền gốc

Hàng loạt đề xuất giảm thuế của Bộ Tài chính những ngày qua tạo làn gió phấn khích trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) và dư luận xã hội.

Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 103 về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Bộ Tài chính đã điều chỉnh cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng. Cụ thể, chỉ áp dụng mức thu 30% - 50% phần chênh lệch giá đất khi hộ dân chuyển đất nông nghiệp sang đất ở.

Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính đề xuất quy định về miễn thuế thu nhập DN đối với DN chuyển đổi từ hộ - cá nhân kinh doanh, trong thời gian 2 năm.

Vì sao những đề xuất nêu trên được tán đồng? Trước hết xuất phát từ tình hình thực tế, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh. Cụ thể là, sau khi bảng giá mới theo Luật Đất đai 2024 được áp dụng thì tại nhiều địa phương, tiền sử dụng đất người dân phải đóng tăng rất cao so với trước đây. Trong số đó, có những trường hợp tréo ngoe, vô lý, chẳng hạn tiền thuế đất mới cao ngang ngửa thị giá của thửa đất; hay những hộ khó khăn bao năm về chốn ở, nay có nhu cầu xin chuyển một phần đất nông nghiệp của mình sang đất thổ để làm nhà cho cả gia đình đủ chỗ sống chung nhưng thuế đất cao quá, không đủ tiền đóng, đành bỏ cuộc…

Việc giảm gánh nặng thuế đất như đề xuất của Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, hộ gia đình có điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống, tránh lãng phí đất đai, giải tỏa bức xúc trong một bộ phận người dân.

Đối với hộ - cá nhân kinh doanh chuyển lên DN, tức DN thành lập mới từ hộ kinh doanh, giảm thuế 2 năm liên tiếp cho họ kể từ thời điểm phát sinh thu nhập chịu thuế là đề xuất vừa nhân văn vừa bám sát thực tiễn. Những DN thuộc diện này còn non trẻ, cần được tiếp sức; đồng thời đây cũng là cách động viên thành lập DN mới, bởi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu cả nước có 2 triệu DN vào năm 2030 và 3 triệu vào năm 2045, tính ra trung bình mỗi năm cả nước cần có thêm 30.000 - 40.000 DN.

Tất nhiên có những ý kiến băn khoăn rằng quyết định giảm thuế sẽ ảnh hưởng thu ngân sách. Trước mắt có thể sẽ như vậy nhưng về lâu dài, Nhà nước có cơ sở để thu ngân sách hiệu quả hơn.

Theo Bộ Tài chính, cả nước đang có hơn 5,2 triệu hộ - cá nhân kinh doanh được quản lý thuế, tổng thuế thu từ khu vực này hơn 26.000 tỉ đồng. Trong số này có khoảng 4.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 10 tỉ đồng, 860 hộ thu từ 30 tỉ đồng trở lên...

Khi có thêm hàng triệu hộ và cá nhân kinh doanh lên DN thì quy mô DN và doanh thu trong tương lai sẽ có cơ hội nâng tầm. Lời giải cho bài toán thúc đẩy tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân chính là đây và Nhà nước cùng cộng đồng DN đều được lợi.

Nuôi dưỡng nguồn thu là chính sách rất hợp lý trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Nhắc chuyện cũ, sử chép: Vào thời Trần, khi Hưng Đạo Vương bệnh, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi kế sách vệ quốc, trị quốc, bình thiên hạ, Hưng Đạo Vương trả lời: "Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước".