Sẽ có thêm hàng ngàn MW điện hạt nhân, tăng nguồn điện mặt trời
(NLĐO) - Ngày 15-4, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 768 phê duyệt Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh.
Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt ngày 15-5-2023 và tiến hành điều chỉnh theo Quyết định số 1710 năm 2024 của Thủ tướng về việc phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, đảm bảo 4 yêu cầu: Tính khả thi cao nhất; đảm bảo an ninh năng lượng; cân đối vùng miền và cân đối các loại hình năng lượng; bảo đảm phục vụ tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8% và giai đoạn 2026-2030 phấn đấu đạt mức hai con số và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Điện mặt trời sẽ chiếm tỉ trọng từ 25,3-31,1% trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030
Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), tiếp tục gia tăng tỉ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nêu rõ đến năm 2030: Tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu) là 183.291 -236.363 MW.
Trong đó, điện gió trên bờ và gần bờ 20.066 -38.029 MW, chiếm tỷ lệ 14,2 - 16,1%; Điện gió ngoài khơi 6.000 - 17.032 MW đưa vào vận hành giai đoạn 2030 - 2035, có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi và giá thành phù hợp.
Điện mặt trời (điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà, không bao gồm các nguồn điện mặt trời theo khoản 5 Điều 10 Luật Điện lực năm 2024) 46.459 -73.416 MW (chiếm tỷ lệ 25,3 -31,1%).
Điện sinh khối 1.523 -2.699 MW, điện sản xuất từ rác 1.441 -2.137 MW, điện địa nhiệt và năng lượng mới khác khoảng 45 MW; có thể triển khai quy mô lớn hơn nếu đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất đai, có nhu cầu xử lý môi trường, hạ tầng lưới điện cho phép, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.
Thủy điện 33.294 - 34.667 MW (chiếm tỉ lệ 14,7 -18,2%) có thể phát triển cao hơn nếu bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh nguồn nước.
Điện hạt nhân 4.000 - 6.400 MW đưa vào vận hành giai đoạn 2030-2035 có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi.
Nguồn lưu trữ 10.000 - 16.300 MW chiếm tỉ lệ 5,5-6,9%; Nhiệt điện than 31.055 MW (chiếm tỉ lệ 13,1-16,9%); Nhiệt điện khí trong nước 10.861 -14.930 MW, chiếm tỉ lệ 5,9-6,3%; Nhiệt điện LNG 22.524 MW chiếm tỉ lệ 9,5-12,3%.
Cũng theo Quy hoạch điện VIII, nhập khẩu điện 9.360 -12.100 MW từ Lào, Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 4,0%-5,1%), tăng tối đa quy mô nhập khẩu điện từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ hoặc đẩy sớm thời gian nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc nếu điều kiện thuận lợi.
Về việc tham gia mua bán điện trực tiếp (DPPA) và sản xuất năng lượng mới: Theo thống kê hiện nay số lượng khách hàng lớn tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện toàn hệ thống (với khoảng trên 1.500 khách hàng).
Đến năm 2030, quy mô xuất khẩu điện sang Campuchia lên khoảng 400 MW. Dự kiến đến năm 2035 công suất xuất khẩu điện sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực khoảng 5.000 -10.000 MW, có thể cao hơn tùy theo nhu cầu của bên nhập khẩu trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.
Việc tham gia DPPA và sản xuất năng lượng mới chiếm khoảng 30-60% tổng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo hoặc cao hơn tùy điều kiện phát triển của thị trường.
Trong quá trình điều hành Quy hoạch phát triển điện lực, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình phát triển các loại hình nguồn điện để kịp thời kiến nghị, điều chỉnh quy hoạch và chương trình phát triển điện lực cho phù hợp với tình hình triển khai thực tế.