Sẽ phát sinh nhiều hệ lụy
Việc bảo lưu hay không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng cần được quy định trong Luật Việc làm để tránh vướng mắc có thể phát sinh
Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất, quy định "thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho lần tiếp theo" - từng xuất hiện trong nhiều bản dự thảo luật trước đó đã không còn tồn tại. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội (QH) Nguyễn Đắc Vinh cho hay do nội dung này không có trong quy định của Luật Việc làm hiện hành mà được quy định tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH, nên Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng không quy định nội dung này trong dự thảo luật.
Thực hiện lúng túng
Thực tế, Luật Việc làm năm 2013 (còn hiệu lực) chỉ quy định mức hưởng BHTN tối đa không quá 12 tháng (tương ứng thời gian đóng 144 tháng), không có quy định về giải quyết thời gian đóng BHTN quá 144 tháng. Do vậy, từ năm 2021, khi bắt đầu có những trường hợp lao động đóng vượt mức 144 tháng làm thủ tục hưởng TCTN đã phát sinh vướng mắc. Đồng thời, khi hướng dẫn thực hiện cũng lộ rõ sự lúng túng của cơ quan chức năng.
Cụ thể, tháng 5-2021, tại Công văn số 278/CVL-BHTN, Cục Việc làm nêu rõ đóng BHTN vượt quá 144 tháng được xác định là thời gian đóng nhưng chưa giải quyết hưởng trợ cấp, thời gian đóng dư sẽ được bảo lưu. Căn cứ hướng dẫn này, từ năm 2021 đến giữa tháng 8-2022, một số tỉnh, thành khác đã chi trả TCTN tối đa 12 tháng và bảo lưu thời gian đóng còn lại cho khoảng 20.710 người.
Tuy nhiên, đến ngày 15-8-2022, Công văn số 665/CVL-BHTN của Cục Việc làm lại hướng dẫn người đóng trên 144 tháng được hưởng tối đa 12 tháng TCTN và không được bảo lưu số tháng đóng thừa. Theo BHXH Việt Nam, điều này đã gây ra sự không thống nhất khi thực hiện tại các địa phương; gây bất bình đẳng về quyền lợi giữa những người lao động (NLĐ) trong cùng nhóm đối tượng hưởng BHTN; khó thu hồi tiền hưởng TCTN từ những trường hợp được bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng và đã giải quyết TCTN cho lần tiếp theo…

Nên bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng để người lao động an tâm tham gia chính sách lâu dài. Ảnh: MAI CHI
Tiếp đó, ngày 17-10-2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) có Công văn số 4379/LĐTBXH-VL trả lời BHXH Việt Nam về việc bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng. Theo đó, đối với trường hợp đã được giải quyết hưởng TCTN từ ngày 1-1-2021 mà đóng BHTN trên 144 tháng được bảo lưu thì phải rà soát để thực hiện việc không bảo lưu đối với thời gian này.
Ngày 29-12-2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH, quy định "NLĐ có thời gian đóng BHTN trên 36 tháng đến đủ 144 tháng thì thời gian đóng chưa được giải quyết hưởng TCTN được bảo lưu. Trường hợp NLĐ đóng BHTN trên 144 tháng thì những thời gian chưa được giải quyết hưởng TCTN không được bảo lưu. Thời gian đóng BHTN được bảo lưu ghi tại quyết định về việc hưởng TCTN".
Diễn biến nêu trên cho thấy việc không bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng cho NLĐ dường như chỉ thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi NLĐ - đối tượng chịu tác động. Điều này dẫn đến phản ứng trái chiều trong NLĐ, gây ra tình trạng nghỉ việc để hưởng TCTN khi đóng đủ 144 tháng, gây bất ổn cho thị trường lao động.
Cần quy định rõ
Từ thực trạng trên, ngay khi xây dựng dự thảo Luật Việc làm, ban soạn thảo đã đưa vào quy định "thời gian đóng BHTN trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng TCTN cho lần tiếp theo". Nội dung này đã được tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi trên cả nước, trong thời gian dài.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho hay đây cũng là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ từ NLĐ mà cả các cơ quan thực hiện chính sách. Đến thời điểm này, NLĐ mong mỏi QH sẽ đưa ra quan điểm chính thức về việc bảo lưu hay không bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng để tạo sự yên tâm. Song, quy định nêu trên đã bị xóa khỏi dự thảo luật khiến NLĐ tiếp tục bất an.
Theo ông Hà, nên cho phép bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng và quy định rõ vào luật. "Nguyên tắc của BHTN là đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro. Nếu không cho bảo lưu thì sẽ vi phạm nguyên tắc đóng - hưởng. Trong trường hợp không cho phép NLĐ bảo lưu thì nên cho phép họ được dừng đóng BHTN sau tháng thứ 144" - ông Hà nói.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), cũng đồng tình với việc đưa quy định bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng vào Luật Việc làm. Bởi, Luật BHXH, BHYT… đều quy định cụ thể về quyền lợi của người tham gia đối với toàn bộ thời gian đóng.
Ví dụ, ở Luật BHXH, nếu NLĐ đóng BHXH vượt mốc thời gian để hưởng mức lương hưu tối đa (35 năm đóng đối với nam, 30 năm đóng đối với nữ) thì thời gian đóng dư sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí một lần. Như vậy, nếu Luật Việc làm chỉ quy định mốc hưởng tối đa 12 tháng đối với 144 tháng và bỏ lửng hướng giải quyết đối với thời gian đóng vượt là chưa trọn vẹn.
Theo ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai), thời gian qua, rất nhiều ý kiến, trong đó có Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã đề nghị bỏ quy định "thời gian đóng BHTN trên 144 tháng thì không được bảo lưu", nhằm bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng và tránh tình trạng NLĐ vì sợ chịu thiệt mà nghỉ việc sau 12 năm tham gia BHTN để hưởng trợ cấp và rút BHXH một lần.
"Đây là nguyện vọng của người tham gia BHTN, vì vậy, nếu nội dung này được đưa vào các văn bản hướng dẫn sau khi dự thảo Luật Việc làm được thông qua thì chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi cho phù hợp" - ông Phúc cho hay.
Đề nghị không giới hạn thời gian hưởng TCTN
Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, đại biểu QH tỉnh Khánh Hòa, dự thảo quy định thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN. Sau đó, cứ đóng thêm 12 tháng thì NLĐ được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng. Quy định này có lợi đối với NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 12 năm trở xuống nhưng chưa bảo đảm quyền, lợi ích cho NLĐ đã đóng BHTN trên 12 năm.
Thực tế nhiều NLĐ đã tham gia vào thị trường lao động nhiều năm, qua tuổi trung niên nhưng vẫn còn trong độ tuổi lao động rất khó tìm được công việc phù hợp sau khi nghỉ việc. Vì vậy, ông Thịnh đề nghị không giới hạn thời gian hưởng TCTN là 12 tháng mà tính số tháng hưởng tương ứng với toàn bộ thời gian NLĐ đã đóng BHTN.