Chính sách nhân văn

Luật Việc làm sửa đổi, được Quốc hội thông qua vào ngày 16-6-2025 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2026, bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ lao động cao tuổi

Theo điều 13 của luật này, người cao tuổi (NCT) sẽ được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. 

Nhà nước cũng sẽ có chính sách hỗ trợ đào tạo lại, chuyển đổi nghề cho người lao động nhằm thích ứng với tình trạng già hóa dân số, tùy điều kiện kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Bên cạnh đó, khoản 3 điều 22 cũng quy định NCT là một trong những nhóm đối tượng được hỗ trợ khi tham gia đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề.

NCT là nhóm dân số ngày càng gia tăng, nhưng họ vẫn đang đối mặt với nhiều thiệt thòi và rào cản trong đời sống, đặc biệt là tiếp cận chính sách. Do tuổi tác, sức khỏe giảm, trình độ học vấn, công nghệ còn hạn chế, nhiều NCT bị loại khỏi thị trường lao động sớm. Nhiều người sau khi nghỉ hưu chỉ có lương hưu thấp hoặc không có lương hưu (đặc biệt ở nông thôn, lao động phi chính thức). Họ cũng có ít cơ hội được học nghề hoặc cập nhật kỹ năng, khó tiếp cận công nghệ số.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia già hóa nhanh, do vậy việc sửa đổi luật nhằm thích ứng với già hóa dân số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp khai thác tối đa kinh nghiệm và tiềm năng của lao động lớn tuổi. Luật Việc làm được thông qua đã góp phần pháp lý hóa cơ hội tiếp cận hỗ trợ của NCT, vốn dễ bị bỏ lỡ dưới khung pháp luật cũ.

Để chính sách hỗ trợ lao động là NCT trong Luật Việc làm (sửa đổi) thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Ngoài tăng cường truyền thông nhằm giúp NCT hiểu rõ quyền lợi của mình, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần khuyến khích xây dựng các mô hình việc làm linh hoạt, bán thời gian, làm việc tại nhà, chẳng hạn như hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác do NCT điều hành hoặc tham gia. Lồng ghép với mô hình kinh tế nông thôn, du lịch cộng đồng, truyền nghề thủ công…

NCT là đối tượng đặc thù nên chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề phải thật sự thiết thực, phù hợp với sức khỏe, trình độ, hoàn cảnh sống của họ. Trong đó, cần ưu tiên các ngành nghề ngắn hạn, dễ áp dụng (ví dụ: trồng rau sạch, làm đồ thủ công mỹ nghệ...). Tăng cường kết nối đào tạo với cơ hội việc làm cho NCT sau khóa học. 

Nhằm tạo điều kiện để NCT tiếp cận tài chính dễ dàng, Nhà nước cần nghiên cứu nới lỏng thủ tục hành chính, bảo lãnh vay vốn cho NCT; hỗ trợ tư vấn lập dự án, kế hoạch kinh doanh đơn giản; có cơ chế hỗ trợ rủi ro tín dụng hợp lý. Bên cạnh đó, cần làm rõ các tiêu chí ai là NCT đủ điều kiện vay vốn, hình thức đào tạo nào được hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu... 

Các doanh nghiệp cần được khuyến khích (thậm chí có ưu đãi) nếu tuyển dụng hoặc hợp tác với lao động cao tuổi. Chính sách đúng là nền tảng, hành động đúng mới là chìa khóa để nó đi vào cuộc sống.