Sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Nếu một thành viên trong gia đình không may đổ bệnh, mọi kế hoạch tài chính đều có thể bị ảnh hưởng

Là một người lao động tại TP HCM, tôi tha thiết mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng (tương đương 186 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng.

Thực tế, mức giảm trừ hiện hành là 11 triệu đồng cho bản thân và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc đã không còn theo kịp tốc độ tăng giá tại các đô thị lớn như TP HCM hay TP Hà Nội. Đi chợ hoặc siêu thị, chúng tôi đều cảm nhận rõ rệt sức nóng của việc này. Một mớ rau, cân thịt hay những nhu yếu phẩm cũng âm thầm tăng giá, bào mòn đi đồng lương vốn đã eo hẹp.

Với mức thu nhập trung bình của người lao động, sau khi trừ đi tiền thuê nhà trọ vốn đã chiếm một phần không nhỏ, chi phí cho 1 gia đình 4 người tại thành phố dễ dàng vượt ngưỡng 20 triệu đồng. Chỉ riêng tiền ăn uống, sinh hoạt tối thiểu đã ngốn hơn 10 triệu đồng. Đó là chưa kể đến nhiều khoản chi khác như tiền điện, nước, xăng xe đi lại, chi phí học hành cho con cái và đặc biệt là những khoản tiền dành dụm phòng khi ốm đau, biến cố.

Nếu một thành viên trong gia đình không may đổ bệnh, mọi kế hoạch tài chính đều có thể bị ảnh hưởng.

Mức giảm trừ 11 triệu đồng hiện nay chỉ vừa đủ, thậm chí là thiếu hụt để một người lao động độc thân có thể trang trải các chi phí tối thiểu nhất tại thành phố. Khi phải gánh vác thêm trách nhiệm nuôi dưỡng con cái hay cha mẹ già, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc thực sự trở nên quá mong manh.

Số tiền này không đủ để bảo đảm cho một đứa trẻ có được điều kiện học tập, dinh dưỡng đầy đủ, hay một người lớn tuổi được chăm sóc sức khỏe chu đáo.

Việc nâng mức giảm trừ lên 15,5 triệu đồng cho người nộp thuế và 6,2 triệu đồng cho người phụ thuộc không phải là một đòi hỏi quá cao.

Đây là một đề xuất hợp lý, phản ánh đúng thực trạng chi phí sinh hoạt đắt đỏ, giúp người lao động chúng tôi có thể tái tạo sức lao động, bảo đảm một cuộc sống ổn định ở mức cơ bản và có một khoản tích lũy tối thiểu để phòng thân.

Khi gánh nặng thuế vơi bớt, chúng tôi mới có thể yên tâm làm việc, nâng cao tay nghề và tiếp tục cống hiến cho sự phát triển chung của xã hội. Đó là một sự điều chỉnh cần thiết, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của nhà nước đối với đời sống của hàng triệu người lao động.