28,6% quán ăn ở gần nơi mất vệ sinh

TPHCM sẽ tổ chức 2 đoàn kiểm tra cấp TP, 24 đoàn cấp quận, huyện và 300 đoàn cấp phường, xã để thẩm định các cơ sở này trước khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, qua khảo sát của nhóm phóng viên y tế Báo NLĐ, phía người dân hầu như chưa chuẩn bị gì...

Nhiều người dân hiện có thói quen sử dụng thức ăn đường phố. Một khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho thấy tỉ lệ sử dụng thức ăn đường phố trên địa bàn TP lên đến 99,5%, trong đó 51% người ăn thức ăn đường phố hằng ngày.

Bàn tay đa năng

Khảo sát một số điểm bán hàng rong, lề đường vào ngày 29-7, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều sử dụng chiêu “bốc hốt” và tiết kiệm tối đa nước rửa chén, bát. Bàn tay của những người bán rất “đa năng”, cũng bàn tay đó bốc thức ăn (cả sống lẫn chín) rồi sau đó là đếm tiền, gãi đầu, gãi tai... Tại một quán cháo vịt trên đường An Dương Vương thuộc P.16, Q.8 - TPHCM, chúng tôi thấy bà bán hàng vừa dùng tay rót xị rượu cho khách xong thì tiếp tục sử dụng tay đó bốc miếng thịt vịt, chặt nhỏ, bỏ lên dĩa gỏi, bốc tiếp nhúm rau răm, nhúm đậu phộng, hành... Xong dĩa gỏi, bà thản nhiên chùi tay vào một cái khăn đen xì treo gần đó. Cái khăn cũng đa năng như bàn tay của bà, vừa dùng để lau tay vừa lau... tô, đĩa cho khách!

Còn tại một quán phở bò đông khách trên đường Võ Văn Tần, Q.3 - TPHCM, sau khi bốc thịt bò sống, bà chủ tiếp tục dùng bàn tay đó hốt rau đem ra cho khách. Chúng tôi kêu tô bò viên, rồi kêu thêm tô giá sống, bà chủ kêu đợi một chút vì vừa mới hết giá. Năm phút sau, một thanh niên cầm bịch giá sống trên tay vừa mua ngoài chợ về. Không hề rửa lại, bà kêu anh ta hốt ra dĩa mang cho khách. Khi tôi thắc mắc sao không rửa giá, bà nói: “Chỗ bán người ta đã rửa sạch rồi. Ăn có gì tôi chịu!”.

Dùng thực phẩm rẻ tiền để có lời

Những ai đã từng ăn thức ăn đường phố đều phải “tâm niệm” một điều: Nếu muốn ăn ngon, chỉ nên quan sát bàn ăn của mình, bởi càng quan sát rộng ra, đặc biệt chỗ nấu nướng, nơi rửa chén bát thì càng “nổi da gà”! Thật vậy, đặc điểm chung của những quán hàng rong là muỗng đũa luôn ẩm ướt, nước rửa chén bát dùng nhiều lần (thậm chí váng đầy dầu mỡ hoặc phảng phất mùi xà phòng), thực phẩm sống lẫn chín đều để “ngời ngời” mặc cho ruồi nhặng bu đầy... Nhưng ngay cả có che đậy kỹ thì những thực phẩm này không có gì bảo đảm chất lượng. Thông thường, chúng là hàng dạt, hàng ế ẩm của ngày hôm trước. Chị N, một người “thâm niên” 17 năm bán hủ tiếu rong ở quận Bình Thạnh - TPHCM, kể: “Để bán có lời, tôi phải sử dụng thịt dưới thớt, thịt dư bán buổi chiều giá 10.000 -12.000 đồng/kg. Ngồi bán ở lề đường, nước rửa chén suốt buổi cũng chỉ đựng trong một cái xô, làm sao thay được”.

Tình trạng vệ sinh kém của thức ăn đường phố “muôn màu muôn vẻ”. Sáng 30-7, ghé vào một quán ăn trên đường Lý Thường Kiệt, trong khi chúng tôi đang ăn, tranh thủ lúc vắng khách, người phục vụ thoải mái quét rác trước mặt khách, bất chấp cây quạt trên trần đang quay vù vù. Đang quét, có khách kêu thức ăn, người này vội chạy đi bê thức ăn ngay mà không hề rửa tay. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, 28,6% điểm bán hàng ăn gần các khu vực cống rãnh, bãi rác hoặc nhà vệ sinh, 47,3% không che đậy thức ăn và 59,5% không có dụng cụ đựng rác.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng Phòng Quản lý ATVSTP - Sở Y tế TPHCM:

Chưa có biện pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm ở các gánh hàng rong, xe đẩy

. Phóng viên: Thưa ông, những cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm nào cần được cấp giấy chứng nhận (GCN)?

- Ông Huỳnh Lê Thái Hòa: Có 10 nhóm thực phẩm được xếp loại có nguy cơ cao và imgnhững cơ sở nào kinh doanh, chế biến, sản xuất đều phải có GCN đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đó là: thịt và các sản phẩm từ thịt; sữa và các sản phẩm từ sữa; trứng và các sản phẩm từ trứng; thủy sản tươi sống và đã qua chế biến; nước khoáng; thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm; thức ăn và đồ uống chế biến ăn ngay; thực phẩm đông lạnh; sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành; các loại rau củ quả tươi sống.

. Phải làm gì để được cấp GCN về ATVSTP?

- Cơ sở phải có đơn đề nghị cấp GCN đủ điều kiện ATVSTP, bản sao GCN đăng ký kinh doanh, bản thuyết minh về quy trình chế biến hoặc sản xuất thực phẩm, sau đó nộp hồ sơ về TP, quận, huyện hay phường, xã. Cơ quan chức năng sẽ thẩm định vệ sinh thực phẩm các cơ sở này, nếu đạt mới cấp GCN.

. Xin ông nói cụ thể về quy trình này?

- Bắt đầu từ ngày 1-8, tại TPHCM có hơn 20.000 cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao cần phải có GCN đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Cơ sở nào do TP hoặc GCN Trung ương cấp giấy chứng nhận kinh doanh phải nộp hồ sơ về Sở Y tế, trừ các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Cơ sở do quận huyện cấp GCN đăng ký kinh doanh thì nộp hồ sơ về trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện. Còn lại, những cơ sở không đăng ký kinh doanh nộp hồ sơ ở TTYT phường, xã. Sẽ có 2 đoàn kiểm tra cấp TP, 24 đoàn cấp quận, huyện và hơn 300 đoàn cấp phường, xã thẩm định chất lượng thực phẩm ở hơn 20.000 cơ sở trong vòng 5 tháng (từ ngày 1-8 đến ngày 31-12).

. Đối với thức ăn đường phố, việc quản lý chất lượng ATVSTP và cấp GCN được thực hiện thế nào?

- Đây là vấn đề khó khăn cho ngành y tế. Theo quy định, TTYT phường, xã sẽ quản lý và thẩm định chất lượng thực phẩm những cơ sở kinh doanh nhỏ không có giấy phép nhưng có địa chỉ cố định. Còn đối với những người buôn bán hàng rong, xe đẩy, hiện chúng tôi chưa có biện pháp vì họ rất cơ động, mà chính thực phẩm ở các hàng rong là nhóm thực phẩm có nguy cơ cao nhất về ATVSTP.

Nh.Phương thực hiện