89 tuổi tiêm vắc-xin Covid-19 được không?

Bác sĩ Tạ Vương Khoa, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), giải đáp các thắc mắc của bạn đọc Báo Người Lao Động.

Hỏi: Tôi bị giảm tiểu cầu vô căn đang sử dụng corticoid (tiểu cầu hiện tại của tôi là 166), vậy tôi có được tiêm vắc-xin Covid-19 không?

Trả lời: Bệnh giảm tiểu cầu vô căn không phải là chống chỉ định của tiêm vắc-xin Covid-19, bạn vẫn có thể tiêm. Tuy nhiên, để tối ưu hóa hiệu quả của vắc-xin, hãy giảm liều corticoid đến mức thấp nhất có thể trong vòng 2 tuần trước và sau tiêm vắc-xin nếu điều kiện cho phép. Bạn hãy tham vấn ý kiến bác sĩ đang điều trị cho bạn về vấn đề này.

89 tuổi tiêm vắc-xin Covid-19 được không? - Ảnh 1.

Khám sàng lọc trước khi tiêm ngừa Covid -19 cho người cao tuổi tại TP HCM (ảnh minh họa). Ảnh: HẢI YẾN

Hỏi: Mẹ tôi 89 tuổi có bệnh nền suy tim, cao huyết áp, đã đặt stent mạch vành 2 lần năm 2016. Hiện nay vẫn uống thuốc điều trị hằng ngày theo toa bác sĩ. Với tuổi cao, sức yếu như vậy có thể cho mẹ tôi tiêm vắc-xin Covid-19 được không?

Trả lời: Tuổi cao, nhiều bệnh nền (suy tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành...) là đối tượng hàng đầu cần được ưu tiên bảo vệ bằng vắc-xin Covid-19, bạn nên đăng ký cho mẹ bạn được tiêm sớm. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh vắc-xin Covid-19 an toàn và có hiệu quả bảo vệ rất tốt đối với những người trên 80 tuổi.

Hỏi: Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, tôi có uống thuốc đau dạ dày vì có tiền sử trào ngược, vậy có ảnh hưởng đến tác dụng của vắc-xin không?

Trả lời: Dược phẩm nói chung và các thuốc điều trị bệnh lý dạ dày nói riêng đều không ảnh hưởng gì đến tác dụng của vắc-xin Covid-19, vì vậy bạn có thể yên tâm dùng thuốc điều trị đau dạ dày, không phải lo vắc-xin sẽ bị giảm hiệu quả.